"Hung thần" của ngư dân vùng bãi ngang

09:01, 11/01/2013
.

(QNĐT)- Mặc dù đã có quy định cấm hoạt động, khai thác đánh bắt vùng biển tuyến bờ, tuyến lộng, thế nhưng những tàu có công suất lớn hành nghề cào "bay" vẫn ngang nhiên "oanh tạc" những vùng biển này, gây thiệt hại lớn về tài sản của ngư dân vùng bãi ngang và cạn kiệt nguồn lợi thủy sản...

TIN LIÊN QUAN


Thời gian qua, những tàu hành nghề khai thác hải sản kiểu hủy diệt ngư trường này luôn là nỗi ám ảnh cho các ngư dân. Không ít ngư dân bãi ngang trắng tay, mất hết ngư cụ vì gặp phải những "hung thần" này trên biển.
 
Ra biển sợ nhất...  giã cào "bay"

Về những vùng biển bãi ngang trên địa bàn tỉnh, gặp các ngư dân khi nhắc đến những tàu hành nghề giã cào "bay" thì ngư dân nào cũng lắc đầu ngao ngán.

Lão ngư Nguyễn Thanh (60 tuổi) ở xã Đức Chánh (Mộ Đức) thở dài: Vùng biển bãi ngang vốn đã ít tôm cá, nhưng giờ thì ngày càng ít hơn. Tụi nó - chỉ những tàu hành nghề giã cào " bay" khai thác cả ngày lẫn đêm thì còn gì nữa. Cứ như đà này, chẳng bao lâu nữa ngư dân bãi ngang chúng tôi chẳng còn gì mà đánh bắt.

Chỉ những cặp tàu chạy song song gần bờ, lão ngư Nguyễn Thanh thốt lên - đó tụi giã cào "bay" lại xuất hiện rồi đó.

Chúng tôi thắc mắc, vì sao gọi là giã cào "bay"? Ông Thanh giải thích: Ngư dân gọi chúng là giã cào "bay", đơn giản vì tốc độ di chuyển của nó. Những tàu hành nghề giã cào này trang bị máy có công suất lớn (90 CV trở lên), và tốc độ của những tàu này di chuyển rất nhanh, có thể đạt 8 - 10 hải lý/giờ. Những tàu này đi thành từng đôi với nhau, thường thả một bộ lưới dài từ 400- 500m và dùng đôi tàu này kéo đi.

"Khi tụi nó đi qua đâu, thì quét sạch từ cá con cho đến con tôm nhỏ. Không những vậy, những vật cản, kể cả ngư cụ của những ngư dân đang đánh bắt khai thác trên biển cũng bị cào bay mất, không ít ngư dân bãi ngang điêu đứng vì nó"- ông Thanh cho biết.
 

Những tàu hành nghề giã cào
Những tàu hành nghề giã cào "bay" luôn là nỗi ám ảnh của ngư dân bãi ngang


Làm nghề lưới ghẹ mấy chục năm nay, không ít lần ngư dân Huỳnh Thanh Đông ở xã Đức Minh (Mộ Đức) phải mất hết lưới vì gặp phải những tàu giã cào "bay".  " Ở vùng bãi ngang này có hàng trăm ngư dân làm nghề lưới ghẹ, nhưng ai cũng sợ gặp phải tàu giã cào "bay". Mỗi lần thả lưới là mỗi lần lo, nếu chẳng may gặp phải bọn chúng là coi như mất sạch"- ông Đông ngán ngẫm.

Chỉ đống lưới còn mới toanh nằm trên ghe, ông Đông cho hay, vừa mới vay mượn hơn 10 triệu sắm lại đó, chứ lưới hôm trước tụi nó cào sạch rồi. "Cách đây mấy hôm, tui vừa mới thả lưới xong, quay vào bờ thì tụi cào "bay" xuất hiện. Tui đã cố gắng ra hiệu là có lưới dưới biển, thế nhưng đôi tàu hành nghề này bất chấp, cào luôn cả lưới của tui. Thế là mất trắng hơn cả chục triệu tiền lưới"- ông Đông bức xúc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì tình trạng tàu giã cào "bay" cào rách, mất lưới, mất bống (công cụ dùng để nhử mực của ngư dân bãi ngang), mất cột chà... của ngư dân diễn ra khá phổ biến ở vùng biển bãi ngang.

Những ngư dân bãi ngang cuộc sống vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn, khi không chỉ nguồn thủy hải sản gần bờ ngày dần cạn kiệt mà những ngư lưới cụ- cần câu cơm của họ cũng luôn đối mặt với "rủi ro", bởi những tàu giã cào "bay".

 

Chỉ với những chiếc ghe công suất nhỏ, ngư dân bãi ngang không
Chỉ với những chiếc ghe công suất nhỏ, ngư dân bãi ngang không "đọ" sức được với những tàu công suất lớn


Đã có không ít vụ khẩu chiến, thậm chí là xô xát xảy ra giữa ngư dân bãi ngang, đặc biệt là những ngư dân hành nghề lưới ghẹ, nghề đánh bống mực với những người hành nghề giã cào bay. Tuy nhiên, phần lớn những ngư dân bãi ngang đều phải chấp nhận thua cuộc, mặc sức cho những tàu này hoành hành.

"Hầu hết ghe của ngư dân là ghe nhỏ, công suất dưới 20CV nên khi xảy ra chuyện mình chỉ biết im lặng."- ngư dân Trần Quang Long ở xã Phổ An bày tỏ.

Ngang nhiên hoạt động sai tuyến

Theo Nghị định 123/2006/NĐ-CP về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển quy định thì, chỉ tàu có công suất dưới 20 CV mới được phép khai thác ở tuyến bờ và công suất từ trên 20 đến 90 CV được phép tuyến lộng. Tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên chỉ được phép hoạt động, khai thác ở tuyến khơi (cách bờ biển trên 24 hải lý). Những tàu có công suất từ 50 CV trở lên, làm các nghề lưới rê, câu, chụp mực thì được hoạt động ở tuyến khơi với điều kiện phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho cả tàu và người.
 
Cũng liên quan đến vấn đề này, tại Chỉ thị số 10/2005/CT-BTS của Bộ Thủy sản cũng cấm nghề cào bay khai thác thuỷ sản trái phép ở tuyến lộng, tuyến bờ. Đồng thời xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật những tàu hoạt động nghề cào bay hoạt động trái phép tại tuyến bờ, tuyến lộng.


Thế nhưng thực tế, quy định là vậy nhưng vì "siêu lợi nhuận" và lợi ích trước mắt, những người làm nghề cào "bay" vẫn bất chấp quy định đưa tàu khai thác ở tuyến lộng, tuyến bờ và khu vực cấm đánh bắt.

Việc khai thác này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ, đến quá trình sinh sản, sinh trưởng của các loài hải sản, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của một số ngư dân nghèo làm các nghề thủ công, truyền thống ven bờ và gây bất bình trong cộng đồng ngư dân.

 

Tàu hành nghề giã cào
Tàu hành nghề giã cào "bay" ngang nhiên hoạt động, khai thác gần bờ


"Mấy anh nhìn đấy, các tàu giã cào "bay" hoạt động cách bờ chưa đến 2 hải lý, có khi gần hơn nhiều. Theo quy định, những tàu này đâu được phép khai thác gần bờ, vậy mà không lẽ các cơ quan chức năng bất lực."- Chỉ đôi tàu hành nghề giã cào "bay"  gần bờ ngư dân Trần Quang Long bức xúc.

Thực trạng những tàu hành nghề giã cào "bay" hoạt động sai tuyến, vi phạm các quy định về đánh bắt thủy sản tại Nghị định 123 của Chính phủ đã được rất nhiều ngư dân bãi ngang hoạt động ở tuyến ven bờ lên tiếng từ lâu. Thế nhưng, tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn. Nhiều tàu có công suất lớn, hiện đại cứ ngang nhiên hành nghề giã cào ở tuyến bờ, tuyến lộng.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có những động thái tích cực, sớm ngăn chặn tình trạng này để bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản ven bờ, đồng thời góp phần giúp những ngư dân bãi ngang có điều kiện bám biển, phát triển kinh tế.


Ngọc Đức
 


.