Công nghiệp Quảng Ngãi: Tạo lực để đột phá

08:01, 06/01/2013
.

(QNg)- Suy thoái kinh tế thế giới, cùng với việc trong nước đang triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát và tái cấu trúc nền kinh tế, đã tác động không nhỏ đến tiến trình phát triển công nghiệp của tỉnh. Mặc dù vậy, công nghiệp Quảng Ngãi năm 2012 vẫn giữ đà tăng trưởng. 

TIN LIÊN QUAN

Được xác định là một trong ba khâu đột phá của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, tạo nền tảng để đến năm 2020 Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, vì thế phát triển công nghiệp đã được tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện ngay từ những năm đầu nhiệm kỳ.


Năm tạo đà


Theo Sở Công thương, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012 của tỉnh ước đạt 18.425 tỷ đồng. Mặc dù chỉ đạt gần 94% kế hoạch năm, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng 4,23% so với năm 2011. Một điểm sáng là dù tình hình kinh tế trong nước khó khăn, nhưng hầu hết các sản phẩm công nghiệp sản xuất của Quảng Ngãi đều tăng khá.

 

Những dự án công nghiệp nặng như Doosan Vina đã và đang góp phần đưa công nghiệp Quảng Ngãi phát triển đột phá.
Những dự án công nghiệp nặng như Doosan Vina đã và đang góp phần đưa công nghiệp Quảng Ngãi phát triển đột phá.


Để tạo đà phát triển nhanh hơn trong những năm tiếp theo,  năm 2012, Quảng Ngãi đã tập trung hoàn thiện các quy hoạch (QH) để phát triển công nghiệp. Tỉnh đã hoàn thành QH phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; QH phát triển các Cụm công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Hoàn thành Đề án Hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Bên cạnh đó là ban hành Kế hoạch phát triển Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất giai đoạn 2012-2015; QH chi tiết 1/2000 Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi và triển khai lập QH chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu Công nghiệp nặng Dung Quất II; các KCN Bình Phước, Bình Hòa...


Cùng với công tác QH, tỉnh cũng đã tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh và KKT Dung Quất. Điểm sáng đáng chú ý là công tác thu hút đầu tư nước ngoài đạt những kết quả khả quan.

 

Nhiều dự án hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Quảng Ngãi đã vào KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh như: Dự án KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) có quy mô đầu tư cả 2 giai đoạn lên đến hơn 1.200ha, trong đó đã cấp Giấy CNĐT cho Dự án Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi (vốn 125 triệu USD); chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy Bột giấy (công suất khoảng 200 nghìn tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD) của Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và Tập đoàn JK (Ấn Độ); Nhà máy Nhiệt điện BOT của Tập đoàn Sembcorp công suất 1.200 MW với tổng vốn dự kiến đăng ký khoảng 2 tỷ USD... Đặc biệt là Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) tham gia cổ phần đầu tư xây dựng Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất.


 Còn tại KCN Tịnh Phong, lần đầu tiên thu hút 2 dự án FDI của Nhật (dự án KIZUNA và dự án của Công ty Điện tử Foster Đà Nẵng), cùng với dự án FDI sản xuất giày Rierker của Áo, được cấp phép và đưa vào hoạt động trong cùng một năm. Những dự án này vào cuộc sẽ tạo bước đột phá mới cho công nghiệp Quảng Ngãi trong tương lai gần.


 Ông Nguyễn Xuân Thủy-Giám đốc Sở Công thương cho biết, dù gặp không ít khó khăn nhưng hoạt động của KKT Dung Quất và các KCN tỉnh trong thời gian qua mang lại hiệu quả nhất định, đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và bước đầu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đột phá về phát triển công nghiệp đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh  lần thứ XVIII và Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 24/6/2011 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 15/2011/NQ-HĐND ngày 22/7/2011 của HĐND tỉnh.


Gỡ khó để đột phá


Phát triển công nghiệp Quảng Ngãi trọng tâm vẫn là các ngành có ý nghĩa chiến lược như công nghiệp lọc hoá dầu, hoá chất; công nghiệp cơ khí chế tạo và công nghiệp luyện kim gắn với phát triển KKT Dung Quất. Với những tồn tại và khó khăn đã được nhận diện, trong năm 2013, Quảng Ngãi sẽ hoàn thành xây dựng mới, điều chỉnh, bổ sung, thay thế và ban hành các cơ chế, chính sách, đề án phát triển KKT Dung Quất và khu vực ngoài KKT Dung Quất. Thực hiện các giải pháp để có vốn đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN, KKT Dung Quất theo QH, đồng thời tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án lớn, đặc biệt các dự án mà Quảng Ngãi có lợi thế. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp để khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.


Để đưa công nghiệp phát triển đột phá, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa khẳng định sẽ tăng cường tiếp xúc, đối thoại để tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, vay vốn tín dụng, ưu tiên cho doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Dự án FDI sản xuất linh kiện điện tử của Foster (Nhật Bản) tại KCN Tịnh Phong được đưa vào hoạt động trong năm 2012.
Dự án FDI sản xuất linh kiện điện tử của Foster (Nhật Bản) tại KCN Tịnh Phong được đưa vào hoạt động trong năm 2012.

Trong đó, tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tiếp tục xét miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thúc đẩy sự hợp tác các doanh nghiệp và ngân hàng. Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ và thúc đẩy triển khai các dự án lớn đã được cấp chứng nhận đầu tư, nhất là Dự án Khu phức hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi; Nhà máy thép JFE liên doanh với Guang Lian, Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất của Tập đoàn Sembcorp...


  Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp phát huy nội lực, nguồn lực tài chính. Đây là hướng cơ bản, lâu dài, thường xuyên đối với chủ doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải chủ động, tích cực trong việc đầu tư cải tiến trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa các ngành nghề và các sản phẩm công nghiệp, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, để đồng hành, đưa công nghiệp Quảng Ngãi phát triển một cách bền vững.      


Bài, ảnh: Linh Kha

 


.