"Tiếp sức" xã đặc biệt khó khăn vùng biển, hải đảo

03:12, 16/12/2012
.

(QNg)- Thời gian qua, thông qua các chương trình hỗ trợ, những xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), bãi ngang ven biển và hải đảo trong tỉnh đã từng bước nâng cao và ổn định đời sống của nhân dân vùng hưởng lợi, góp phần thực hiện thành công chương trình giảm nghèo trên địa bàn và giữ vững an ninh quốc phòng vùng biển.
 


Khởi sắc vùng quê biển

Một trong những công trình được người dân ở các xã bãi ngang hưởng ứng tích cực, đó là xây dựng chợ. Nhiều năm, không ít chợ ở các xã đã có hàng chục năm tuổi, xuống cấp, xập xệ, tiểu thương cứ giành nhau chiếm "mặt tiền", lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi bán hàng, gây lộn xộn, dễ xảy ra tai nạn giao thông. Đầu năm 2009, công trình xây dựng chợ Bình Phú (Bình Sơn) được đầu tư gần 800 triệu đồng từ Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của Chính phủ (Chương trình 257). Sau khi hoàn thành, chợ Bình Phú đã đáp ứng mong mỏi của người dân xứ biển này. Hiện chợ Bình Phú thu hút gần 100 tiểu thương đến buôn bán, nộp vào ngân sách xã mỗi năm hơn 100 triệu đồng.

 

Nhờ Chương trình hỗ trợ các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển, hải đảo đã góp phần làm cho diện mạo xã Bình Phú (Bình Sơn) được khởi sắc.                                                                      Ảnh N.Triều
Nhờ Chương trình hỗ trợ các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển, hải đảo đã góp phần làm cho diện mạo xã Bình Phú (Bình Sơn) được khởi sắc. Ảnh N.Triều


Cũng ở Bình Phú những năm trước, giao thông bị chia cắt, đi lại rất khó khăn. Ông Huỳnh Bình (thôn Phú Nhiêu 2, Bình Phú), cho biết: "Trước đây, khi tuyến đường An Huề đi An Sen chưa được đầu tư xây dựng, người dân trong xã đi lại rất cực khổ. Năm 2006, gần 2km đường được cấp phối sỏi đá, rộng 5m đã giúp bà con đi lại dễ dàng. Từ đó người dân đầu tư khai thác thế mạnh về đánh bắt, vận chuyển hải sản, phát triển dịch vụ du lịch ven biển, góp phần giảm nghèo tại địa phương".

Ông Nguyễn Văn Ba- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Phú, chia sẻ: Từ khi triển khai chương trình 257, xã Bình Phú đã đầu tư xây dựng nhiều công trình như chợ, đường sá, công trình thủy lợi... đã phát huy hiệu quả. Nhờ đó, hằng năm hộ nghèo trong xã liên tục giảm. Nếu trước năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 45%, thì đến năm 2011, tỷ lệ này đã giảm còn dưới 15%. "Điều quan trọng là Nhà nước đầu tư đã làm cho người dân hiểu hơn trách nhiệm của mình trong việc sử dụng và phát huy tối đa hiệu quả các công trình. Hơn nữa, nhiều người dân còn tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công để các công trình được xây dựng nhanh hơn"- ông Ba cho biết.

Còn tại xã Phổ Châu (Đức Phổ), việc thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp đã khiến đời sống của nhân dân ở nơi đây rất khó khăn. Năm 2009, xã Phổ Châu được Chương trình 257 đầu tư xây dựng công trình đập Vườn Lớn (thôn Vĩnh Tuy). Hiện công trình đã được đưa vào sử dụng, đảm bảo nước tưới cho 15 ha ruộng lúa và 1,2 ha diện tích hoa màu của nông dân thôn Vĩnh Tuy. Bà Nguyễn Thị Vinh (thôn Vĩnh Tuy) phấn khởi nói: "Trước kia, vào vụ sản xuất đông xuân, bà con phải huy động hàng trăm nhân công để be đập ngăn nước phục vụ sản xuất. Đến mùa mưa bão thì đập bị phá vỡ, và đến vụ sản xuất sau lại phải huy động nhân công để be đập khác. Làm hoài như vậy rất tốn công sức, tiền  bạc của người dân mà hiệu quả không bao nhiêu. Nhà nước đầu tư xây dựng công trình này rất thiết thực, giúp bà con không chỉ chủ động nguồn nước tưới vào mùa khô, mà còn giúp giảm nguy cơ sạt lở, xói mòn vào mùa mưa bão".

Nối dài cuộc "tiếp sức"

Không chỉ riêng xã Bình Phú, Phổ Châu mà thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ các xã ĐBKK vùng ven biển, hải đảo cũng đã góp phần làm đổi thay nhiều vùng quê biển khác. Trong giai đoạn 2006- 2012, Quảng Ngãi có 21 xã được thụ hưởng chính sách dành cho xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Từ đó xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 109 công trình, với tổng kinh phí trên 53 tỷ đồng. Số người hưởng lợi từ các công trình trên là 460 nghìn lượt người. Chỉ tính riêng trong năm 2012, đã có thêm 33 công trình xây dựng tại các xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, với tổng kinh phí 21 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, các địa phương hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ xã ĐBKK trong nhiều lĩnh vực như: Giáo dục, y tế, nước sạch, giải quyết việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng... người dân, nhất là người nghèo có điều kiện hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm trên địa bàn và giữ vững an ninh quốc phòng vùng biển để phát triển kinh tế,  tăng thu nhập cho gia đình. Diện mạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh có nhiều khởi sắc, tạo tiền đề để phát triển kinh tế- xã hội, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng miền trong tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Chương trình hỗ trợ các xã ĐBKK sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Để nâng cao hiệu quả của chương trình, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về ý nghĩa của chương trình, mục tiêu giảm nghèo của địa phương và chính sách, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sẽ được chú trọng hơn nữa. Và trong giai đoạn tiếp theo, sau khi tiến hành thẩm tra, rà soát, Sở LĐ-TB&XH đề nghị 19 xã được thụ hưởng chính sách dành cho xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo áp dụng cho giai đoạn 2013- 2015. Đây sẽ là cơ hội thoát nghèo và là cú hích quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các xã ĐBKK vùng ven biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh ta.


NGUYỄN TRIỀU - NGỌC ĐỨC
 


.