"Nước không san, chuột tràn đồng"

03:12, 12/12/2012
.

(QNg)- Đã qua ngày 23/10 âm lịch, nhưng ở Quảng Ngãi lũ vẫn không xuất hiện. Đây là điều kiện thuận lợi cho chuột sinh sôi, bởi theo kinh nghiệm dân gian: "Nước không san (không tràn mặt ruộng), chuột tràn đồng". Chính quyền các địa phương cần tập trung vận động nông dân khẩn trương ra đồng tìm cách diệt chuột trước khi xuống giống lúa đông xuân 2012-2013, bắt đầu từ ngày 25/12 tới.

TIN LIÊN QUAN


Về những cánh đồng ven sông Vệ thuộc thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) những ngày này, nông dân bắt đầu cày, đất ngâm dầm để diệt cỏ dại, lúa chét trước khi xuống giống vụ sản xuất đông xuân. Nhiều nông dân cho rằng, diệt cỏ dại thì dễ, nhưng diệt chuột là rất khó, bởi kinh nghiệm dân gian: "Nước không san, chuột tràn đồng". Theo ông Trần Châu Vinh - Phó Chủ tịch UBND thị trấn La Hà, ở các mùa vụ trước, vì không diệt chuột một cách triệt để trước khi xuống giống, nên chuột phá hại trên diện rộng. Ở các cánh đồng vùng ven khu dân cư, chuột gây hại khoảng 20 - 30% diện tích lúa.

 

Nông dân khẩn trương dọn cỏ để xuống giống tránh sâu bệnh, chuột hại lúa trong vụ đông xuân 2012 - 2013.
Nông dân khẩn trương dọn cỏ để xuống giống tránh sâu bệnh, chuột hại lúa trong vụ đông xuân 2012 - 2013.


Trong khi đó, ở những cánh đồng xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) cũng không ngoại lệ. Địa phương này có trên 180ha diện tích gieo sạ lúa hai vụ, chủ yếu được phân bố quanh các khu dân cư. Hai năm rồi, mùa mưa lũ nước không tràn đồng, nên khi nông dân xuống giống là chuột từ nhà dân, cống rãnh, bờ kênh, bụi rậm túa ra "lượm" lúa giống, nên lúa lên không đều. Rồi khi lúa trổ đòng có vị ngọt, chuột lại cắn phá dữ hơn.

Các mùa vụ trước, ở các cánh đồng huyện Sơn Tịnh nước không san qua, nên chuột cũng sinh sôi đáng kể. Theo thống kê, vụ đông xuân năm 2011 -2012, huyện Sơn Tịnh là địa phương có diện tích lúa bị chuột gây hại nhiều nhất tỉnh. Nhất là thời điểm lúa trong giai đoạn làm đòng, toàn huyện có gần 590 ha chuột gây hại.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, ba năm qua diện tích chuột cắn phá lúa, hoa màu của bà con cứ tăng dần. Nếu năm 2010, toàn tỉnh có khoảng 2.000 ha diện tích lúa và hoa màu bị chuột gây hại, thì năm 2011 đã tăng lên 3.000 ha và năm 2012 hơn 4.000 ha. Chuột cắn phá khá nhiều ở những thửa ruộng vùng ven khu dân cư, gò đồi, chân núi. Có thửa ruộng, chuột cắn phá làm giảm năng suất từ 30 - 50% nên nông dân sống nhờ cây lúa lại gặp khó khăn.

Trao đổi về các biện pháp diệt chuột, ông Phạm Bá - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Việc diệt chuột cần được thực hiện bằng nhiều biện pháp thủ công như đặt bẫy, xông khói, đào bắt hoặc có địa phương như xã Nghĩa Trung trước đây vận động bà con nuôi mèo để bắt chuột. Bên cạnh đó, các địa phương còn vận động học sinh các trường học tham gia diệt chuột; sử dụng hóa chất để diệt chuột như sử dụng bả sinh học hiện có bán trên thị trường, vừa đảm bảo an toàn cho người sử dụng lại vừa hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, điều cần quan tâm là việc diệt chuột cần triển khai đồng bộ. Bởi vì, loài chuột khá tinh khôn. Nếu diệt theo kiểu đơn lẻ từng hộ dân, thì chuột từ đám ruộng này qua đám ruộng khác nên hiệu quả không cao. Ngoài ra, nếu diệt chuột bằng cách kéo điện ra ruộng thì rất nguy hiểm.  

Ông Võ Văn Vinh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dõng (TP. Quảng Ngãi) cho biết: Địa phương được hỗ trợ 60 kg thuốc bả sinh học; đồng thời khuyến cáo bà con sớm ra đồng đào lỗ, xông khói các hang bờ ruộng để diệt chuột. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, xã khuyến cáo bà con tuyệt đối không được dùng điện để bẫy chuột gây mất an toàn trên đồng ruộng.

 Ông Hồ Minh Sơn - Phó Phòng nông nghiệp huyện Bình Sơn, cho biết: Toàn huyện có 33 hợp tác xã nông nghiệp. Những năm qua, huyện đã vận động các xã triển khai diệt chuột. Hợp tác xã nông nghiệp Bình Dương khuyến khích bà con diệt chuột và nộp mỗi đuôi chuột được hỗ trợ 500 đồng. HTX Bình Khương thì "mua" mỗi đuôi chuột đến 2000 đồng. Xã Bình Chánh huy động toàn dân ra đồng đào hang, xông khói các cống rãnh, phát quang bụi rậm để hạn chế chuột có chỗ ẩn nấp, sinh sôi... Ngoài ra, huyện cũng trích hơn 70 triệu đồng mua khoảng 1,3 tấn thuốc sinh học để hỗ trợ cho nông dân diệt chuột.

 Việc diệt chuột trước khi xuống giống vụ lúa đông xuân 2012-2013 đang được tiến hành, nhưng số lượng xã trên địa bàn tỉnh triển khai chưa nhiều nên rất cần chính quyền các huyện, thành phố Quảng Ngãi tập trung chỉ đạo diệt chuột. Với bà con nông dân cần tích cực tham gia diệt chuột để khi xuống giống hoặc khi lúa đông xuân ngậm đòng không còn bị chuột gây hại trên đồng ruộng.

 

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.