Nông dân không mặn mà với vốn vay ưu đãi

08:12, 24/12/2012
.

(QNĐT)- Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản được triển khai từ 2 năm qua. Thế nhưng, vì quyết định kèm theo nhiều điều kiện không mấy dễ chịu, người nông dân đành ngậm ngùi, không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này.

TIN LIÊN QUAN

Quyết định 63 ra đời với mục đích hỗ trợ bà con nông dân vay vốn để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ, đẩy mạnh tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Đây là chính sách mở, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân ở khắp cả nước tiếp tục gắn bó với đồng ruộng và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ở tỉnh ta, việc tiếp cận được nguồn vốn vay từ quyết định này là điều hết sức khó khăn.

Quyết định 63 quy định, để được hưởng 100% lãi suất 2 năm đầu và được hỗ trợ 50% lãi suất 2 năm tiếp theo, thì các HTX trong tỉnh phải mua máy móc có tỷ lệ nội địa hóa trên 60%. Đồng thời, phải mua máy của các tổ chức, cá nhân theo danh sách do Bộ NN&PTNT công bố. Thế nhưng, hầu hết các nhà sản xuất máy cày trong danh sách công bố tập trung tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ và miền Bắc, không có chi nhánh, đại lý phân phối chính thức ở tỉnh ta để người dân tiếp cận, tìm hiểu.

 

Đến hiện tại, người nông dân vẫn phải tốn công làm đất theo kiểu truyền thống vì chưa thể tiếp cận vốn vay ưu đãi
Hiện tại, nông dân vẫn phải tốn công làm đất theo kiểu truyền thống vì chưa thể tiếp cận vốn vay ưu đãi


Ông Võ Tấn Đại – Chủ nhiệm HTX xã Bình Dương, Bình Sơn bày tỏ: Các loại máy móc đưa ra trong danh sách đều là hàng Việt Nam chất lượng cao, bà con nông dân rất tin tưởng. Chỉ có điều, nếu chúng tôi đồng ý cùng với hợp tác xã vay vốn mua thì phải đặt hàng từ xa mới có sản phẩm, nên không dám chắc sản phẩm sẽ được như ý muốn. Hơn nữa, nếu mua về rồi, một khi máy móc có vấn đề, trục trặc gì thì bà con chỉ biết khóc ròng vì các cơ sở bảo hành ở quá xa.

Ngay từ khi Quyết định 63 có hiệu lực, HTX xã Bình Dương đã xây dựng đề án Đầu tư cơ giới hóa khâu làm đất. Trong đó, HTX và bà con nông dân có nhu cầu vay thêm 500 triệu đồng từ vốn vay ưu đãi để mua 6 máy cày. Nhưng cũng vì vướng những bất cập này, nên hơn 1 năm qua, việc giải ngân vốn mua máy cày vẫn dậm chân tại chỗ dù đã hoàn tất các thủ tục vay vốn.

“Bỏ ra một số tiền lớn, nhưng chưa sinh lãi mà đã có nguy cơ bị lỗ thì chẳng ai dám mạnh dạn làm nên bà con không khỏi có tâm lý e ngại, chẳng dám tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Bà con nông dân mong cấp trên tạo cơ chế phù hợp để bà con nông dân yên tâm hơn”- Ông Đại kiến nghị.

Vì vậy, dù quyết định có hiệu lực từ cách đây 2 năm nhưng bà con nông dân vẫn cam chịu cảnh làm ruộng theo kiểu thủ công truyền thống. Ông Trần Văn Nghĩa ở thôn Mỹ Huệ 2, xã Bình Dương, Bình Sơn cho hay: Mấy chục năm trời gắn bó với công việc đồng ruộng theo cách thủ công, tôi chỉ mong ước có được chiếc máy cày. Quyết định 63 ra đời đã mở cho bà con nông dân chúng tôi một hướng hy vọng mới, tháo bỏ nhọc nhằn. Thế nhưng, mua máy móc theo các quy định thì quá phức tạp.

 

Có được chiếc máy cày và nhiều máy móc hiện địa khác mua từ vốn vay ưu đãi của Quyết định 63 vẫn là niềm mơ ước chưa thực hiện được của người nông dân
Có được chiếc máy cày và nhiều máy móc hiện địa khác mua từ vốn vay ưu đãi theo Quyết định 63 vẫn là niềm mơ ước của người nông dân. Ảnh: TL


Năm nay, dù vụ lúa đông xuân chính thức bắt đầu vào tháng 12, nhưng người nông dân phải bỏ công làm đất từ nhiều tháng trước. Gia đình ông Trần Văn Nghĩa với 15 sào ruộng, càng phải bắt tay vào làm từ rất sớm. Ông Nghĩa lý giải: Nếu một mình làm, tôi phải mất cả tháng trời để hoàn thành. Nhưng nếu có máy cày, chỉ trong 1 ngày là có thể làm đất cho cả 15 sào ruộng, vừa đỡ tốn công, vừa lợi tiền.

Có cùng mong ước như ông Nghĩa, ông Nguyễn Ô ở thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương chia sẻ: Sống nhờ vào 5 sào ruộng, nên thời gian này, ngày nào vợ chồng tôi cũng ra đồng cuốc đất chuẩn bị cho mùa vụ mới. Tuổi cao sức yếu, nhưng tôi chưa biết khi nào mình mới thoát khỏi gánh nặng nhọc nhằn, phơi nắng phơi sương gắn liền với chiếc cuốc, chiếc cày.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Hồng- Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT, chi nhánh Quảng Ngãi xác nhận: Ngân hàng đã có văn bản hướng dẫn cho ngành, ngân hàng các huyện triển khai kịp thời Quyết định 63. Nhiều địa phương như: Nghĩa Hành, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa cũng đã thực hiện thủ tục vay vốn ưu đãi để mua máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, qua thẩm định, tất cả các hồ sơ đều bị vướng, không thể thực hiện theo Quyết định 63. Hơn 2 năm qua, tỉnh ta vẫn chưa thực hiện giải ngân vay vốn ưu đãi cho nông dân.

Quảng Ngãi đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tập trung dồn điền đổi thửa và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Do vậy, nhu cầu vay vốn để đầu tư máy móc, thiết bị cho sản xuất là rất lớn. Thế nhưng, những quy định chưa phù hợp, chưa sát với thực tế đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp.

 

Các loại máy móc, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2012.

Các loại máy làm đất: máy kéo (loại 2 bánh và 4 bánh); máy cày, bừa, phay; bánh lồng; máy rạch hàng; máy (xe) thu gom lúa, rơm rạ trên đồng; phà (trẹt) chở máy gặt; xe chở hàng 4 bánh gắn động cơ có tải trọng dưới 500 kg; Động cơ Diesel dưới 30 mã lực (HP) sử dụng trong canh tác, thu hoạch, chế biến nông sản, thủy sản; Các loại máy gieo hạt, máy cấy, máy trồng cây, thiết bị dây chuyền sản xuất mạ thảm; máy sàng, máy trộn, máy đưa phân bón vào vỉ xốp để gieo hạt, hệ thống tưới phun tự động;

Các loại máy thu hoạch lúa, ngô, mía, cà phê; máy đốn, hái chè; máy tuốt đập lúa; máy tẽ ngô, máy đập đậu tương, máy bóc vỏ lạc; xát vỏ cà phê; Các loại máy xới, máy vun luống, máy bón phân, máy phun thuốc trừ sâu, máy bơm nước... cũng thuộc danh mục trên.

Đối với các loại máy móc trên, theo quy định tại Quyết định 63/2010/QĐ-TTg, mức tiền vay tối đa để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước bằng 100% giá trị hàng hóa. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 là 50% lãi suất.

Các máy móc, thiết bị và dây chuyền thiết bị được áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển gồm: Hệ thống máy móc, thiết bị xay xát lúa gạo có tỷ lệ thu hồi gạo nguyên cao (đến 70% so với gạo); Dây chuyền máy móc, thiết bị chế biến ướt cà phê; thiết bị steam, máy đánh bóng ướt; dây chuyền máy móc, thiết bị rang, xay cà phê, chế biến cà phê nước và cà phê hòa tan...

Ngoài ra, dây chuyền chế biến rau quả; Máy móc, thiết bị bọc màng bán thấm (coating), chiếu xạ, tiệt trùng bằng nước nóng đối với rau quả tươi; Hệ thống sơ chế rau quả (Packing House) tại các chợ đầu mối; Dây chuyền chọn và xử lý hạt giống lúa, rau quả... cũng thuộc danh mục thiết bị được áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ, về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, các loại máy, thiết bị do các tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp có hồ sơ, tài liệu kỹ thuật về sản phẩm; không vi phạm quyền bảo hộ về sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp; các phụ tùng mua về để lắp ráp phải đảm bảo tính pháp lý về nguồn gốc xuất xứ.

 


Thanh Phương

 


.