Hai mươi năm khuyến nông

09:12, 04/12/2012
.

(QNg)- Gần 20 năm, kể từ ngày 2/3/1993 khi Chính phủ ban hành Nghị định 13/CP về công tác khuyến nông-khuyến ngư, hệ thống khuyến nông- khuyến ngư Quảng Ngãi đã được hình thành, củng cố và ngày càng phát triển. Đây là lực lượng trực tiếp đồng hành sát cánh cùng nhà nông tạo ra sức bật cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

*Nhiều thành tựu trên lĩnh vực trồng trọt

  Một trong những lĩnh vực thể hiện rõ nét nhất công sức đóng góp của lực lượng khuyến nông của tỉnh là thực hiện thành công nhiều chương trình và mô hình trình diễn trong ngành trồng trọt. Như mô hình chuyển đổi cơ cấu mùa vụ từ canh tác 3 vụ lúa bấp bênh, hiệu quả kinh tế thấp sang canh tác 2 vụ lúa ăn chắc hoặc 2 vụ lúa 1 vụ màu là khâu đột phá có ý nghĩa quan trọng làm cơ sở quyết định đối với nhiều vấn đề liên quan khác trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta.

Cán bộ khuyến nông Quảng Ngãi tập huấn và chọn giống lúa phục vụ sản xuất.
Cán bộ khuyến nông Quảng Ngãi tập huấn và chọn giống lúa phục vụ sản xuất.


Mô hình chuyển đổi cây trồng là giải pháp tiếp theo sau chuyển đổi mùa vụ để hạn chế các nhược điểm trong quá trình canh tác lúa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Quá trình thực hiện đã thể hiện rõ tính ưu việt về năng suất của các loại cây trồng trên từng chân đất, tăng được hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân; tránh và hạn chế các rủi ro do thời tiết gây ra, cải thiện và từng bước nâng cao độ phì của đất, hạn chế suy thoái đất do chế độ độc canh cây trồng, giảm được sâu bệnh gây hại.

Chương trình ứng dụng giống mới vào sản xuất là chương trình trọng tâm thứ hai trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh sau chương trình chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng. Một số giống và nhóm cây trồng chính thuộc chương trình này đã thực hiện thành công trong những năm qua là lúa giống, giống ngô lai, giống khoai mì mới; giống mía mới và biện pháp thâm canh rải vụ; phát triển cây ăn quả và các loại rau đậu.

Nhìn chung, qua nhiều năm triển khai thực hiện các chương trình và mô hình trình diễn trong ngành trồng trọt đã đưa được nhiều loại cây trồng mới có năng suất cao và chất lượng tốt vào sản xuất đại trà, nên đã góp phần tạo ra sự đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năng suất lúa bình quân từ 36 tạ/ha (năm 2000) đã tăng lên 54 tạ/ha (năm 2011), theo đó sản lượng lúa từ 311.672 tấn tăng lên 383.275 tấn (năm 2011). Năng suất ngô từ 32,5 tạ/ha (năm 2000) đã tăng lên 51,1 tạ/ha (năm 2011), với sản lượng từ 24.902 tấn tăng lên 52.742 tấn (năm 2011).

Đặc biệt là, ngành nông nghiệp đã xác định được một cơ cấu cây trồng phù hợp trên nhiều loại đất khác nhau; làm chuyển biến nhận thức và tăng kiến thức về canh tác nông nghiệp cho đại đa số nông dân trên địa bàn tỉnh, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, thể hiện được cầu nối giữa khoa học-kỹ thuật-khuyến nông-người sản xuất. Nâng cao trình độ và kỹ năng trong chương trình khuyến nông đối với lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật tham gia công tác khuyến nông của tỉnh.

*Nhân rộng nhiều mô hình nông - lâm - ngư

 Được sự quan tâm của tỉnh và các ngành chức năng, trong những năm qua nhiều mô hình trình diễn trong ngành chăn nuôi đã được triển khai thực hiện như: Cải tạo đàn bò vàng địa phương thành bò lai, vỗ béo bò thịt, cải tạo đàn lợn theo hướng nạc, chăn nuôi heo móng cái sinh sản và cải tiến chăn nuôi trâu bò ở miền núi, mô hình chăn nuôi gia cầm... Qua triển khai thực hiện, nhiều mô hình được nhân rộng như: Mô hình trâu, bò nhốt chuồng ở miền núi; vỗ béo bò, lai tạo đàn bò, chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh,...
 
Ngoài ra, ở tỉnh ta, các mô hình lâm sinh đã được đầu tư xây dựng theo từng vùng sinh thái như: Mô hình lâm sinh cho vùng cao đất dốc, mô hình lâm sinh cho vùng gò đồi trung du và đồi núi thấp, mô hình lâm sinh cho các vùng đất cát ven biển. Qua triển khai thực hiện một số mô hình đã được nhân rộng như: Mô hình cây keo giâm hom, cây mây dưới tán rừng, cây gỗ lớn... đã tạo ra được vùng nguyên liệu cây keo hàng 1.000 ha hiệu quả cho các huyện miền núi. Góp phần làm chuyển đổi nhận thức và cách làm ăn của người dân miền núi và người tham gia làm nghề rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và làm giàu vốn rừng,...

Trong lĩnh vực ngư nghiệp, trên địa bàn tỉnh đã triển khai trình diễn được một số mô hình nuôi cá nước ngọt, nuôi tôm cá nước lợ, khai thác và chế biến thủy sản, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhìn chung, sau 20 năm hoạt động, công tác khuyến ngư đã đi vào chiều sâu và có hiệu quả hơn. Đã tác động tích cực đến đời sống sản xuất của đông đảo bà con nông ngư dân. Nhiều mô hình đã được nhân rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn.


Bài, ảnh: Nguyễn Khâm
 


.