Nông dân Tư Nghĩa: Mở hướng làm giàu

03:11, 12/11/2012
.

(QNg)- Là đất thuần nông, bao đời người nông dân Tư Nghĩa chỉ biết làm việc quần quật, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Thế nhưng, trong vài năm gần đây, để "bắt nhịp" được với nhu cầu của thị trường,  nông dân Tư Nghĩa đã bắt đầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như tìm kiếm những mô hình kinh tế hiệu quả hơn.

TIN LIÊN QUAN


Để hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, ngoài sự cần cù, chịu khó, kỹ thuật, kinh nghiệm thì nguồn vốn đầu tư là vấn đề nan giải đối với người nông dân. Trước thực tế trên, Hội Nông dân huyện đã huy động được gần 1 tỷ đồng, tạo điều kiện cho những hộ nông dân nghèo có nguồn vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Mô hình trồng nấm đang được nông dân Tư Nghĩa nhân rộng.
Mô hình trồng nấm đang được nông dân Tư Nghĩa nhân rộng.


Trong năm 2012, Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm (Hội Nông dân tỉnh) mở 4 lớp đào tạo sơ cấp nghề cho nông dân gồm: 2 lớp nghề kỹ thuật trồng nấm rơm và Cây cảnh cho xã Nghĩa Thương (60 học viên), 1 lớp nấm sò cho Nghĩa Lâm và 1 lớp dạy nghề sơ cấp thú y cho nông dân xã Nghĩa Mỹ, với 60 học viên tham gia.

Được vay vốn ưu đãi, tập huấn kiến thức KHKT, tham quan nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều gia đình nông dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, đăng ký danh hiệu SXKD giỏi mỗi năm. Từ phong trào này, rất nhiều hộ đã vượt khó thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Hiện nay, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được nông dân đưa vào sản xuất đại trà như trồng khổ qua, ớt, dưa leo. Mô hình trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò lai cũng được bà con phổ biến rộng rãi. Số hộ chăn nuôi bò lai của huyện đến nay đạt trên 80%, đây cũng là một trong những mô hình chăn nuôi bền vững của nông dân Tư Nghĩa. Bên cạnh đó, mô hình trồng nấm rơm, nấm sò cũng được nhiều nông dân lựa chọn, thu hút nhiều lao động địa phương đi làm ăn xa trở về quê phát triển kinh tế.

Anh Nguyễn Thành Sim, một nông dân ở Nghĩa Thương chia sẻ: "Đi đâu cũng không bằng làm giàu trên chính quê hương mình. Đang làm công nhân ở Khu Kinh tế Dung Quất, nhưng khi biết có chương trình hỗ trợ vật tư và kỹ thuật cho người nông dân trồng nấm, tôi quyết định về quê phát triển kinh tế. Mô hình trồng nấm rất phù hợp với nông dân, vì có thể tận dụng nguồn vật tư sẵn có như rơm, bột cưa, giảm được chi phí trong sản xuất. Nếu làm đúng kỹ thuật, chỉ với 40m2 đất, mỗi tháng có thể thu về gần chục triệu đồng".

"Tuy mô hình trồng nấm ở tỉnh ta đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng chưa được nhân rộng ra nhiều địa phương. Trước nhu cầu của thị trường hiện nay (nấm là món ăn "ưa dùng" của nhiều người), từ những hiệu quả kinh tế mang lại, trong thời gian tới các cơ sở Hội: Nghĩa Hiệp, Nghĩa Thương, Hà, Kỳ, Lâm... sẽ tiếp tục vận động nông dân nhân rộng mô hình trồng nấm rơm, nấm sò", ông Trần Một - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tư Nghĩa cho biết.

Bên cạnh việc trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hộ nông dân đã mở hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế kết hợp nông nghiệp với sản xuất kinh doanh tổng hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương lúc nông nhàn. Điển hình như hộ ông Phan Chánh Trực (thị trấn La Hà). Bên cạnh việc chăn nuôi theo phương thức hiện đại, ông Trực còn đầu tư mua sắm máy gặt đập liên hợp đưa vào sản xuất, tiết kiệm sức lao động, thu nhập hàng năm từ 120 - 200 triệu đồng.

Những người nông dân "chân lấm tay bùn" vươn lên thoát nghèo, làm giàu thành công, tạo điều kiện giúp đỡ vốn, kinh nghiệm để các hộ khác cùng thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Họ cũng là tấm gương sáng cho các gia đình khác noi theo, cùng nhau vươn lên làm giàu.


H.Hoa
 


.