Mô hình nuôi ốc hương trong đăng

02:11, 11/11/2012
.

(QNg)- Nhằm đa dạng hoá đối tượng nuôi trồng thuỷ sản, tạo nguồn thu nhập cho cư dân ven biển, đồng thời khuyến khích phát triển phong trào nuôi trồng thuỷ sản, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện mô hình nuôi thực nghiệm ốc hương trong đăng tại xã Bình Thuận (Bình Sơn).

Mô hình nuôi ốc hương trong đăng được thực hiện từ tháng 4/2012. Nguồn ốc giống được lấy từ Trung tâm Giống thuỷ sản Quảng Ngãi. Số lượng ốc giống thả nuôi là 400.000 con/3 hộ, mật độ thả: 300 con/m2, kích cỡ ốc giống đạt 8.000-10.000 con/kg.

 

Thu hoạch ốc hương.
Thu hoạch ốc hương.


Trong quá trình thực hiện, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% chi phí về giống và 30% chi phí về thức ăn và thuốc; đồng thời được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư hướng dẫn tỉ mỉ về kỹ thuật xây dựng đăng, quản lý chăm sóc và phòng bệnh cho ốc. Vị trí chọn để cắm đăng nuôi ốc là vùng biển kín gió, vùng nước trong sạch, độ mặn dao động từ 25-35o/oo, nhiệt độ nước biển từ 25-32oC, độ PH từ 7,5-8,5. Đăng được thiết kế theo hình chữ nhật, mỗi đăng có diện tích 700m2, có lưới bảo vệ. Độ sâu đặt lồng, cắm đăng từ 1,5m nước trở lên, dưới đáy đăng có trải một lớp cát sạch dày khoảng 10cm cho ốc vùi mình.

Thức ăn dùng cho ốc hương là các loại hàu, ghẹ, cá tạp... Để giảm chi phí thức ăn, trong 2 tháng đầu cho ốc ăn 8-10% trọng lượng ốc, sau đó giảm dần còn 5-8%. Đến tháng thứ 2 trở đi, tăng tỉ lệ thức ăn cá tạp, giảm tỉ lệ ghẹ, hàu. Trong quá trình cho ăn, cách 3-5 giờ sau khi cho ốc ăn, phải kiểm tra thức ăn để theo dõi lượng thức ăn thừa hay thiếu để điều chỉnh lượng thức ăn lần sau cho phù hợp. Cần kiểm tra độ mặn của nước biển trong khu vực cắm đăng nhất là sau những trận mưa lớn, nếu độ mặn khu vực nuôi xuống quá thấp cần phải chuyển ốc đến vị trí đăng khác thuận lợi hơn. Để kiểm soát dịch bệnh, phải duy trì nền đáy tốt, cần vệ sinh sau mỗi lần cho ăn, nếu nền đáy quá bẩn phải di chuyển ốc đến vị trí khác để hạn chế dịch bệnh...

Nhờ thực hiện đúng kỹ thuật nên trong quá trình nuôi, ốc sinh trưởng và phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Sau 6 tháng thả nuôi, ốc đạt trọng lượng 100 con/kg. Sản lượng thu được 3.200 kg. Với giá ốc thương phẩm khoảng 180.000 đồng/kg, mô hình thu về khoảng 576 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 180 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hữu Thái - cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư cho biết: Qua kết quả nuôi thử nghiệm ốc hương trong đăng cho thấy, ốc hương có khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết ở tỉnh ta và đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Với nguồn thức ăn tươi sẵn có tại địa phương rất thuận lợi để các hộ dân ven biển nuôi ốc hương. Đặc biệt là nguồn giống được cung cấp tại tỉnh nên trong quá trình vận chuyển ốc không bị hao hụt, tỉ lệ sống cao.  

Tuy nhiên, ốc hương là đối tượng thuỷ sản mới ở tỉnh ta, do đó để nuôi thành công phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, trong đó công tác phòng bệnh phải đưa lên vị trí hàng đầu. Thức ăn của ốc cần cung cấp đầy đủ, phải có kế hoạch dự trữ thức ăn khi biển động. Giai đoạn ốc nhỏ (1 tháng đầu) cần cho ốc ăn nhiều chất dinh dưỡng như ghẹ, hàu... để ốc phát triển tốt.

Nuôi ốc theo kiểu hộ gia đình có thể nuôi với diện tích nhỏ 300-500m2, mật độ khoảng 300-500con/m2 để thuận lợi cho việc đầu tư, quản lý chăm sóc. Cần chọn con giống đồng đều và khoẻ mạnh để thả nuôi. Vào mùa mưa độ mặn nước biển gần bờ thường thấp do bị ảnh hưởng của nước ngọt, do đó bà con nuôi ốc hương phải có kế hoạch thả sớm (từ tháng 1-2 âm lịch) và thu hoạch ốc trước mùa mưa để không bị thiệt hại hoặc có kế hoạch chuyển đăng ra vùng nước sâu hơn có độ mặn phù hợp trước mùa mưa bão.

Tuy nhiên, vào mùa mưa cá tạp khan hiếm nên nếu bà con nuôi ốc vào mùa này chi phí thức ăn sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế...       


 Bài, ảnh: Anh Khuê

 


.