Đê biển Quảng Ngãi trước nỗi lo biến đổi khí hậu

09:11, 30/11/2012
.

(QNĐT)- Những năm qua, biến đổi khí hậu ngày càng hiện rõ và đã có những tác động không nhỏ đến cuộc sống người dân. Đáng lo ngại nhất là phương án ứng phó với tình trạng nước biển dâng cao, do hệ thống đê biển trên địa bàn tỉnh phần lớn chưa được đầu tư nâng cấp.
 

TIN LIÊN QUAN

Quảng Ngãi có chiều dài bờ biển khoảng 130km, với 5 huyện ven biển và một huyện đảo. Tuy nhiên, hệ thống đê biển ở các địa phương này chưa được kiên cố nhưng lại đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nên chưa đảm bảo cho việc ứng phó với mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.

Một phần tuyến đê kè Hoà Hà đã hoàn thành
Một phần tuyến đê kè Hoà Hà đã hoàn thành


Ông Phạm Cao Trận- Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, lo lắng nói: Nếu không được đẩy nhanh tiến độ đầu tư để sớm hoàn thiện các tuyến đê ven biển thì người dân ở những khu vực này khó lòng mà yên tâm làm ăn, sinh sống. Mà một khi như thế thì cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa Quảng Ngãi vào Chương trình được đầu tư củng cố, nâng cấp đê biển giai đoạn 2013-2015 từ tỉnh Quảng Ngãi đến tỉnh Kiên Giang là hết sức có ý nghĩa.

"Đây là điều kiện cần thiết để người dân ven biển trong tỉnh an tâm làm ăn, sinh sống, đồng thời cũng là nền tảng để tỉnh phát triển ngành kinh tế biển một cách vững chắc. Theo đó, các tuyến đê biển ở huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và huyện đảo Lý Sơn sẽ được đầu tư củng cố, nâng cấp"- ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.
    
Được biết, tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 2013-2015 khoảng 1.195,4 tỷ đồng, với tổng chiều dài tuyến đê khoảng 14.628 mét. Sau khi hoàn thành, các tuyến đê bao này không những ngăn chặn mực nước biển dâng cao mà còn tạo ra một quỹ đất khá lớn ở bên trong các tuyến đê có thể khai thác nuôi trồng thuỷ sản.

Trong đó có 4 dự án chuẩn bị đầu tư, với tổng kinh phí 1.027 tỷ đồng, gồm: Các tuyến đê biển huyện Lý Sơn, Đập ngăn mặn sông Trà Bồng (xã Bình Dương), đê Khê Hoà (Tịnh Khê) đã được phê duyệt và dự án đê Phổ Minh (Đức Phổ) đã xây dựng nhưng chưa được phê duyệt. Dự kiến kế hoạch bố trí vốn năm 2013 là 377 tỷ đồng, năm 2014 là 400 tỷ đồng và năm 2015 là 250 tỷ đồng.

Cống ngăn mặn thuộc tuyến đê Hoà Hà đã xuống cấp
Cống ngăn mặn thuộc tuyến đê Hoà Hà đã xuống cấp


Dự án đang thi công là Đê kè Hoà Hà (Tư Nghĩa) đoạn từ đê Quan Thánh đến cầu Hiền Lương, dài 4.982 mét, có tổng vốn đầu tư 168,4 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đã đầu tư 32 tỷ đồng, số còn lại phân bổ trong 3 năm (2013-2015).

Đến nay, đơn vị thi công đã hoàn thành được một phần tuyến đê thuộc địa phận xã Nghĩa Hoà và đang tiếp tục triển khai các gói thầu còn lại của dự án. Dự kiến kế hoạch phân bổ vốn năm 2013 là 52 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thành phấn khởi, nói: "Kể từ ngày một phần tuyến đê kè Hoà Hà hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương phát triển được dịch vụ ăn uống, giải khát nên đời sống của đại bộ phận người dân được thay đổi đáng kể.

Cũng theo ông Thành, do công trình thi công chưa hoàn thành và những đoạn đê đắp bằng đất đã sạt lở từ những mùa lũ trước chưa được khắc phục nên nguy cơ nước biển xâm lấn gây nhiễm mặn cho vùng đất sản xuất bên trong thân đê là rất lớn.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ thì dự án quy hoạch củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển Quảng Ngãi thực hiện chậm so với kế hoạch.

Mặt khác, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên khả năng bố trí  đủ vốn cho các dự án theo kế hoạch cho những năm đến là rất thấp. Mà một khi như thế thì Chương trình đầu tư củng cố, nâng cấp đê biển giai đoạn 2013-2015 từ tỉnh Quảng Ngãi đến tỉnh Kiên Giang được Chính phủ phê duyệt khó hoàn thành.



                        Bài,ảnh: Đức Nguyễn

 


.