Cây mía trên đất đồi Minh Long

01:11, 09/11/2012
.

(QNg)- Mặc dù chỉ mới được triển khai từ đầu năm nay, nhưng mô hình trồng mía trên đất gò đồi triển khai tại 2 xã Long Mai và Long Sơn (Minh Long) đã cho thấy triển vọng trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, đồng thời đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân ở vùng đất này.

TIN LIÊN QUAN


Đầu năm nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Long đã phối hợp với chính quyền địa phương và Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi, vận động đồng bào Hrê ở 2 xã Long Mai và Long Sơn trồng thử nghiệm cây mía trên vùng đồi không chủ động nước theo Dự án "Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình thâm canh mía trên đất đồi, gò theo hướng cơ giới hoá" của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh. Để nông dân tiếp cận với mô hình sản xuất mới, bên cạnh việc đầu tư giống, vật tư, Sở KH-CN đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ chi phí làm đất, cung cấp vôi và phân cho các hộ tham gia dự án. Cán bộ kỹ thuật luân phiên bám ruộng dài ngày để hướng dẫn bà con từng khâu trong suốt quá trình phát triển của cây mía.  

   Cây mía mang lại triển vọng mới cho người dân Minh Long. Trong ảnh: Ông Đinh Xông chăm sóc cây mía theo hướng dẫn của                  cán bộ kỹ thuật.
Cây mía mang lại triển vọng mới cho người dân Minh Long. Trong ảnh: Ông Đinh Xông chăm sóc cây mía theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.


Ngoài ra, cây mía thu hoạch sẽ được Công ty Cổ phần Đường bao tiêu sản phẩm. Giống mía được trồng thử nghiệm là giống ROC 27, loại mía có khả năng chịu hạn lớn, thích hợp với các vùng đất trung du ít chủ động nguồn nước tưới, loại mía này lại có chữ đường cao vượt trội so với các giống mía khác. Đến nay, sau 8 tháng trồng thử nghiệm, những ha mía nguyên liệu được trồng thử nghiệm tại 2 xã trên đang phát triển tốt, mở ra triển vọng mới cho người dân nơi đây.

Ông Đinh Xông - một người dân tham gia mô hình trồng mía ở xã Long Mai cho biết: "Ban đầu, khi được vận động tham gia trồng mía trên đất gò đồi này, trong gia đình tôi có nhiều ý kiến phản đối, không ai nghĩ rằng cây mía có thể phát triển tốt trên vùng đất đồi cằn cỗi này. Nhưng tôi đã quyết định phải làm, đến nay đồng mía của tôi đang phát triển rất tốt, khả năng sẽ cho năng suất cao". Phá bỏ hơn 1ha cây keo trồng trên đất gò đồi của gia đình để trồng mía, ông Xông nhận được sự hỗ trợ về giống, tiền làm đất… và được hướng dẫn kỹ về việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào công tác trồng và chăm sóc cây mía, nay diện tích mía của ông đang phát triển theo đúng dự kiến.

Ông Phan Duy - Phó Chủ tịch UBND xã Long Mai nói: "Theo đánh giá của cán bộ Sở KH-CN, giống mía mới được đưa vào trồng tại các hộ dân này sẽ cho năng suất từ 60 - 65 tấn/ha, chất lượng đạt tiêu chuẩn mía nguyên liệu". Theo hạch toán, với phương pháp trồng mía bằng hom, mỗi ha mía, người trồng sẽ đầu tư khoảng 40 triệu đồng, trừ chi phí cho thu lãi 17 triệu đồng; với phương pháp trồng mía lưu gốc, mức lãi còn cao hơn (khoảng trên 30 triệu đồng/ha).

Mô hình trồng mía nguyên liệu trên đất gò đồi đang hứa hẹn mở ra triển vọng mới, giải quyết tình trạng thiếu đất canh tác các loại cây trồng chủ lực của vùng đất này; cải tạo các khu vực hoang hóa trước đây chỉ trồng cây có giá trị kinh tế thấp như: keo, mì... Đồng thời mở ra một hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Minh Long. Việc làm này không chỉ thay đổi tập quán canh tác cũ sang áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, mà đây là định hướng đúng đắn của các cấp ủy, chính quyền huyện Minh Long trong thực hiện giải pháp phát triển kinh tế-xã hội ở các xã miền núi theo hướng bền vững qua đó giúp người dân vươn lên thoát nghèo.


Bài, ảnh: Xuân Hiếu
 


.