Thênh thang Ba Tơ...

06:10, 30/10/2012
.

(QNg)- "Ba Tơ đã từng đi trước, để rồi được biết về sau. Người Hrê, người Kinh bên nhau, chung vui con cháu đời đời..." lời bài hát câu ca luôn ấm tình người của nhạc sĩ Văn Chừng cứ dập dìu qua từng cung đường uốn lượn, đưa tôi trở về vùng đất anh hùng.

TIN LIÊN QUAN


Không như mọi khi, lần trở lại này điểm đặt chân đầu tiên của tôi là vùng Đá Bàn. Nằm kẹp giữa hai dòng sông Liên và sông Tô, Đá Bàn trông như hình chiếc phễu. Tháng 10 mưa giăng, dòng sông được tiếp nước, tiếp thêm màu xanh cho vùng đất đang thay đổi từng ngày.

Đường lên Đá Bàn giờ đã thênh thang hơn. Cây cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép rộng gần 15 mét, dài hơn 200 mét vắt ngang qua sông Liên vừa mới hoàn thành trong năm nay "kéo" Đá Bàn về gần hơn với trung tâm huyện lỵ.

Cầu Sông Liên.
Cầu Sông Liên. Ảnh: NT


Đá Bàn, sào huyệt cuối cùng của địch ở Ba Tơ, những ngày này 40 năm về trước cuộc chiến ác liệt là thế, giờ đây sức sống căng tràn. Ông Huỳnh Chiến Thắng - trưởng ban mặt trận tổ dân phố 1 (trước đây là thôn Đá Bàn) phấn khởi cho hay, cuộc sống của bà con nơi đây giờ khấm khá nhiều, điện-đường-trường-trạm ngon lành lắm, giờ về trung tâm huyện lỵ, hay xuôi về đồng bằng đường đi băng băng chứ không còn cách trở mỗi khi mưa lớn. Nghe lời ông Thắng kể, người viết cũng khấp khởi mừng.

Mà nào chỉ có Đá Bàn. Vùng Nước Sung, Nước Lá, Suối Loa hay Giá Vực... những "tên núi, tên làng" trên mảnh đất anh hùng này cũng vươn mình đón các nguồn đầu tư để xây dựng quê hương khởi sắc.

Tại trung tâm huyện lỵ, 3 cây cầu trên Quốc lộ 24 là Nước Ren, Tài Năng, sông Liên, thuộc dự án cải tạo đường Quốc gia-bước 2, giai đoạn 1 được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép vừa hoàn thành với tổng vốn đầu tư hơn 82 tỷ đồng. Dự án kè chống sạt lở suối Tài Năng, vốn gần 47 tỷ đồng, hoàn thành trong năm 2012 làm cho trung tâm huyện lỵ Ba Tơ như rộng ra. Cùng với tuyến đường trung tâm 4 làn xe chạy dọc thị trấn và các con đường ngang được đầu tư trước đó, làm cho vóc dáng của trung tâm huyện lỵ bề thế hẳn. Đây là cơ sở để thị trấn Ba Tơ phấn đấu đạt tiêu chí của đô thị loại V vào năm 2020.

Ngồi trò chuyện với anh Đinh Quang Thọ-Trưởng Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng Ba Tơ, nghe anh thông tin rành rọt về những dự án đã và đang triển khai đầu tư trên địa bàn huyện. Anh là người Hrê, lứa "U40" (nghĩa là sau ngày Ba Tơ giải phóng), nay đã trưởng thành và đang góp sức dựng xây quê hương ngày một giàu đẹp. Thọ cho biết, tranh thủ các nguồn vốn, huyện tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Các công trình giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất của ngành giáo dục, y tế... được xây dựng đều khắp ở các địa phương, đã góp phần quan trọng phục vụ sự phát triển kinh tế, tạo ra bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc. Hệ thống đường giao thông của huyện có tổng chiều dài trên 500 km, đến nay, 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm, thôn có đường ô tô đến đạt trên 70%.

Cùng với đầu tư hạ tầng, cán bộ huyện đã tập trung hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình tự phát triển kinh tế gia đình. Trong suốt hàng chục năm qua, đã có hàng trăm mô hình chăn nuôi, trồng trọt triển khai đến tận tay người nông dân, đồng bào được hỗ trợ áp dụng mô hình mới, đưa giống mới vào sản xuất để nâng cao hiệu quả.  Năng suất lúa bình quân đến nay đạt xấp xỉ 50 tạ/ha, mía gần 60 tấn/ha, mì đạt 150 tạ/ha..., những con số không quá xa so với mức bình quân chung ở đồng bằng. Nhờ đó, người dân Ba Tơ, nhất là đồng bào Hrê đã từng bước thoát nghèo, nhiều hộ mỗi năm thu nhập cả trăm triệu đồng không còn là chuyện hiếm, như hộ anh Phạm Văn Phương, Phạm Văn Trị ở tổ 2 làng Măng hay Phạm Văn Trói ở tổ 1, xã Ba Dinh...

Những năm gần đây, tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm của Ba Tơ luôn tăng trên dưới 15%. Tổng giá trị sản xuất năm 2012 dự kiến đạt trên 400 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tăng dần giá trị và tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng. Hiện tỷ trọng ngành nông lâm - nghiệp đạt trên 61%, thương mại-địch vụ hơn 21% và công nghiệp-xây dựng gần 18%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 6,7 triệu đồng/người/năm. Hiện nay số hộ nghèo theo chuẩn mới còn trên 6 nghìn hộ, chiếm khoảng 46% số hộ trên toàn huyện.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lê Hàn Phong cho rằng, nói thành tựu thì e hơi quá, nhưng quả thật ba Tơ đã có nhiều thay đổi lớn. Cái lớn nhất chính là thay đổi về nếp nghĩ, cách làm. Đa phần người dân đều có ý thức vươn lên. Với nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật khuyến nông, người dân nơi đây biết và mạnh dạn ứng dụng những mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới vào sản xuất để mang lại hiệu quả cao hơn. Cùng với đội ngũ cán bộ ngày càng được củng cố và tăng cường, ý thức tích cực của người dân, cộng với cơ sở hạ tầng đã và đang được đầu tư, những kết quả mà Đảng bộ nhân dân huyện nhà đạt được đã tạo tiền đề tinh thần và vật chất vô cùng quan trọng. Với truyền thống đoàn kết, anh hùng, với vị trí thuận lợi trên hành lang kinh tế nối với vùng Bắc Tây Nguyên, tin rằng Ba Tơ sẽ có bước tiến mới trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Như mạch nguồn của dòng sông Liên chảy mãi, Ba Tơ đang hội tụ những tiền đề quan trọng cho sự đi lên. Nằm trên tuyến giao thông huyết mạch Dung Quất-Phổ Phong-Ba Tơ-Kon Tum-Bờ Y-Ngọc Hồi, Ba Tơ là cửa ngõ phía Tây của Quảng Ngãi nối với vùng Tây Nguyên giàu tiềm năng phát triển, đến với Bắc Campuchia, Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan. Trong quy hoạch xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đây là trục chính nối cửa khẩu quốc tế Bờ Y ra biển, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ nối các KCN Phổ Phong (Đức Phổ), KCN Ba Động (rộng 200 ha). Là một trong 5 tuyến hành lang kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi, tuyến giao thông huyết mạch này sẽ tác động mạnh mẽ sự phát triển của Ba Tơ trong vòng mươi năm nữa. Quả là "đường lớn đã mở...".



***


Từ khởi nghĩa 11 tháng 3 năm 1945 (một trong ba địa phương khởi nghĩa sớm nhất nước), đến chuyện giải phóng sớm nhất tỉnh Quảng Ngãi và cũng là một trong những huyện được giải phóng sớm nhất miền Trung, rồi sớm trở thành Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, qua mỗi giai đoạn, cán bộ, quân và dân Ba Tơ luôn giữ vững truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất, ngoan cường để đi lên cùng với sự trường tồn của dân tộc. "Ba Tơ đi trước..." là thế.


Đá Bàn, tháng 10 năm 2012  
Ghi chép của Hoàng Triều
 


.