Sản xuất kinh doanh: Khó vẫn hoàn khó

06:10, 28/10/2012
.

(QNg)- Theo thống kê của các ngành chức năng, trong 9 tháng năm 2012 trên địa bàn tỉnh ta có đến hơn 500 doanh nghiệp (DN) phá sản hoặc ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, hàng trăm DN vừa và nhỏ cũng đang "hấp hối" khi mức đầu tư nguyên liệu đầu vào quá lớn trong khi đầu ra đang "giậm chân tại chỗ".

Điều này cũng đồng nghĩa với việc có đến hàng nghìn công nhân mất việc làm. Nhiều DN hoạt động cầm chừng và đang cố bám vào "chiếc phao" lãi suất sau khi Chính phủ ban hành Nghị Quyết 13 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc nhiều ngân hàng hạ trần lãi suất giúp DN duy trì hoạt động hiện nay có thực sự đã là "chiếc phao" an toàn?

500 doanh nghiệp phá sản

Trước thực trạng nền kinh tế toàn cầu suy thoái và nhiều ngân hàng thương mại siết chặt trần lãi suất đã khiến hàng trăm DN chủ yếu sống dựa vào vốn từ các ngân hàng lâm vào thế khó. Minh chứng rõ nhất là từ năm 2011 đến nay trên địa bàn tỉnh có gần 800 DN phá sản. Còn 9 tháng đầu năm 2012 có đến 500 DN "chết" hoặc đang trong tình trạng chờ "cứu" khi không thể tự "cứu" được.

Anh Trần Minh Sơn, một chủ DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cho biết, nhiều DN là đối tác làm ăn của anh trước đây dường như đã bị "xóa sổ" hoặc đang hoạt động trong tình thế "cố sống". "Đầu tư vào lĩnh vực xây dựng trước đây rất "có ăn". Thế nhưng, hơn một năm trở lại đây thị trường bất động sản ế ẩm, sức mua yếu cộng với lãi suất ngân hàng quá cao nên dù cố hết mức vẫn không thể duy trì được công việc như định hướng" - anh Sơn tâm sự.

Còn ông Nguyễn Quang Huy, DN tư nhân chuyên sản xuất mặt hàng nhựa gia dụng tỏ ra khá căng thẳng khi đang phải ôm đống nợ và lãi suất từ ngân hàng. DN ông được đầu tư nguồn vốn gần 20 tỷ đồng. Tuy nhiên 50% trong số đó là tiền vốn vay từ ngân hàng, nên khi kinh tế suy thoái, đặc biệt là vào thời điểm năm 2010 và 2011 lãi vay có khi lên đến trên 20%, công ty phải trả tiền lãi lên đến cả trăm triệu đồng.

"Đó là chưa kể số tiền gốc công ty phải trả hàng tháng cho ngân hàng khi đến hạn. Do quá phụ thuộc vào ngân hàng, nên hiện nay DN của tôi chỉ hoạt động cầm chừng, trừ chi phí, trả lương cho công nhân cũng chỉ mong hòa vốn và trả lãi cho ngân hàng. Khó khăn nhưng phải hoạt động để giữ đối tác  - ông Huy nói.
Với nhiều DN, tiếp cận được vốn ngân hàng đã là may mắn. Bởi nhiều DN "khát vốn" không được vay vốn ngân hàng, nên muốn duy trì hoạt động nhiều chủ DN phải "bốc nóng".
    
Khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 10-11%

Trước thực trạng khó khăn của nhiều DN, Chính phủ ban hành Nghị quyết 13 nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, UBND tỉnh cũng đã có những phương án nhằm giúp DN vượt qua khó khăn trước mắt. Đây được xem như một "làn gió mới" giúp nhiều DN mạnh dạn đầu tư duy trì hoạt động. Tuy nhiên, dù trần lãi suất mới hiện nay thấp nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn vay để đầu tư dù nhìn thấy thị trường đang có những khởi sắc mới.

Ông Nguyễn Minh Tăng- Giám đốc Xí nghiệp Hưng Định (Khu công nghiệp Tịnh Phong) cho biết, DN ông dự định vay trên 7 tỷ đồng làm vốn lưu động mua nguyên liệu đầu vào dự trữ, sản xuất phân bón sinh học quay vòng nhanh nhằm tháo gỡ khó khăn, nhưng cũng hơi lo khi "mượn" tiền từ các ngân hàng đầu tư vào làm ăn trong thời điểm hiện nay. "Đợt hạ trần lãi suất ngân hàng vừa qua là "liều thuốc quý" tiếp sức cho DN thoát khỏi khốn khó, hy vọng công việc làm ăn thuận buồm, xuôi gió. Nhưng thực sự vẫn e dè do đầu ra sản phẩm vẫn còn khá ảm đạm" - ông Tăng nói.

Theo kế hoạch tỉnh ta đề ra trong năm 2012, tăng trưởng GDP phấn đấu đạt từ 10-11%. Tuy nhiên, thực tế con số này rất khó đạt được mà điển hình là trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức 5,7%. Theo đánh giá, nguyên nhân chính là do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động để duy tu, bảo dưỡng (từ ngày 15/5 - 6/7) đã tác động đáng kể đến sản xuất công nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều DN phá sản hàng loạt cũng khiến chỉ tiêu kinh tế của tỉnh khó đạt được.          

    
Lê Đức
 


.