Bất cập trong tiêu thụ nông sản

01:09, 27/09/2012
.

(QNg)- Gần 10 năm thực hiện Quyết định 80 của Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông lâm sản qua hợp đồng cho người dân, số lượng doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân Quảng Ngãi vẫn rất ít.

TIN LIÊN QUAN


Những bất cập...

Lâu nay, việc tìm đầu ra cho nông sản luôn là nỗi trăn trở, bức xúc của nông dân. Nông sản "được mùa mất giá, được giá mất mùa"... là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm...". Dù tình trạng này được dư luận đề cập đến khá nhiều, nhưng vẫn chưa có lời giải.

 

Hàng trăm xe mì xếp hàng chờ cân ở Nhà máy mì Sơn Hải.
Hàng trăm xe mì xếp hàng chờ cân ở Nhà máy mì Sơn Hải.


Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Quyết định này được xem là bước đột phá, mở ra cơ hội tăng thu nhập cho nông dân. Thế nhưng, sau gần 10 năm triển khai, Quyết định này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, tỷ lệ nông sản hàng hóa tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân ở Quảng Ngãi vẫn ở mức rất thấp.

Anh Đinh Văn Do, xã Sơn Thủy (Sơn Hà) bức xúc: Giá mì theo thông báo thu mua của nhà máy từ 1.500 - 1.800đg/kg là được, nhưng thực tế không có người dân nào bán được giá đó. Nguyên nhân là nhà máy không ký hợp đồng với người dân. Việc mua bán chủ yếu là giữa nhà máy với thương lái, còn người dân muốn bán được mì chỉ có bán cho thương lái, với giá thấp.

Còn anh Phan C - một thương lái chuyên mua bán mì ở Sơn Hà cho biết: Ngay cả những thương lái ngày thu gom cả trăm tấn như tôi đây cũng chưa chắc có phiếu thu mua mì hằng ngày, huống gì là người dân. Nhà máy chỉ ưu tiên cho những thương lái ngày gom trên 500 tấn thôi, còn dạng gom 100 tấn/ngày thì để đó cân sau. "Không có phiếu, nhiều xe mì giá 10 triệu đồng, nhưng tôi phải bán lại cho thương lái khác có 4 triệu đồng để giải phóng xe, bởi để mì trên xe mà kéo dài 10 - 14 ngày, còn người dân đem mì tới thì phải 17 - 18 ngày mới bán được thì lấy gì ăn" - anh Phan C chua chát nói.

Đâu là giải pháp?

Đầu năm 2012, người dân miền núi trồng mì vui mừng với việc được mùa, năng suất cao, nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang" bởi họ lại phải đối mặt với nỗi lo rớt giá vì sản phẩm không bán được. Anh Đinh Văn Rẽo, xã Sơn Thủy bộc bạch: Thấy giá nhà máy mì thông báo thu mua 1.800đg/kg, tôi mượn người nhổ 6 sào mì để bán, nhưng đến nhà máy xin phiếu mãi mà không được, bởi không ký hợp đồng nên đành bán cho thương lái với giá 1.100đ/kg.

Nếu tình trạng này kéo dài, tôi sẽ chuyển sang trồng keo, hoặc cây trồng khác. Ông Đinh Xuân Tiêm- Chủ tịch UBND xã Sơn Thành khẳng định: Việc người dân tự nhổ mì, thu hoạch keo bán cho nhà máy là rất ít, mà chủ yếu bán lại cho thương lái nên giá rất thấp. Còn từ khi thực hiện Quyết định 80 đến nay, xã chưa ký xác định một hợp đồng nào về việc ký hợp đồng mua bán nông lâm sản mì, keo giữa người dân và doanh nghiệp, nên người dân rất thiệt thòi.

Ông Đào Minh Hường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Hiện ở Quảng Ngãi chỉ có Công ty CP Đường Quảng Ngãi là cơ bản thực hiện theo Quyết định 80, còn nhiều doanh nghiệp chủ yếu thu mua qua trung gian đầu nậu.  Cũng theo ông Hường, sở dĩ "đầu ra" cho nông sản luôn phải đối mặt với những khó khăn, bất cập nêu trên là bởi việc tiêu thụ nông sản trong thời gian qua chưa được quan tâm thỏa đáng. Các mặt hàng nông sản chưa được ký hợp đồng tiêu thụ trước khi sản xuất, dẫn đến tình trạng được mùa thì lại rớt giá. Quá trình sản xuất vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm theo kiểu phong trào.  Người dân không liên kết với nhau tạo lập nhóm sản xuất, hay tổ hợp tác xã mà đứng riêng lẻ nên bị ép giá...

Để khắc phục những khó khăn, bất cập trong tiêu thụ nông sản, trước hết cần mở rộng mô hình liên kết chặt chẽ, gắn sản xuất với tiêu thụ và chế biến nông sản. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp theo tinh thần Quyết định số 80. Trong quá trình thực hiện hợp đồng cần quy định chặt chẽ trách nhiệm của các bên. Đi liền với giải pháp này thì Nhà nước cũng cần đưa ra các chế tài đủ mạnh để xử lý khi các bên vi phạm hợp đồng.


Bá Sơn
 


.