Ngư dân "nhảy dù"

08:08, 20/08/2012
.

(QNg)- Để bám biển ở Hoàng Sa, Trường Sa hoặc bị bão không chạy kịp vào bờ, ngư dân chỉ còn cách bung dù. Chiêu này đôi khi còn cứu được các ngư dân thoát khỏi bão cấp 12.
 

TIN LIÊN QUAN


Đối với những con tàu hành nghề xa bờ, khi gặp bão, nhiều khi tàu không thể chạy kịp vào bờ. Và lúc giữa biển khơi sóng cả, chỉ có một bửu bối có thể cứu được họ, đó là dù. "Cho tàu nhảy dù đi!" - khi nghe thuyền trưởng hô to, tất cả các thuyền viên trên tàu hiểu rằng, đã đến lúc nguy cấp, phải bung dù ra thôi.

Tôi được các ngư dân cho xem một chiếc dù may bằng vải chắc. Dù có chiều rộng 20 mét. Trước khi ra khơi, các ngư dân thường kiểm tra cẩn thận chiếc dù. Bởi để dưới hầm tàu, đôi khi bị chuột cắn thủng. Và khi ném dù xuống biển chống chọi với bão tố, chiếc lỗ mọt này sẽ nhanh chóng bị sóng biển khoét thành một lỗ lớn và xé toang chiếc dù.

Dù thoát hiểm của ngư dân.
Dù thoát hiểm của ngư dân.


Khi gặp bão, ngư dân chuẩn bị 2 chiếc neo lớn để ném xuống biển giữ cho con tàu khỏi bị sóng biển tấn công ngang hông con tàu. Mũi tàu vuông góc và chếch với hướng bổ của sóng một góc vừa phải. Chiếc dù được bung ra, ném xuống nước để phối hợp với neo kìm giữ con tàu. Nhờ có dù nên tàu cứ nhích đi chậm chạp và tiến lùi theo cường độ vừa phải của sóng.

Có biết bao nhiêu ngư dân đã thoát chết trên biển nhờ dù. Trong cơn bão Chan Chu năm 2006, biết không thể chạy vào bờ, tàu cá của ông Trung ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) quyết định neo giữa biển, chịu đối đầu với bão. Biết không trụ nổi, 10 thuyền viên tàu ông Cao Tận đã bỏ thuyền, nhảy qua tá túc trên tàu ông Trung để anh em sống chết có nhau.

Biển động mạnh, gió giật trên cấp 12. Nếu bước ra khỏi ca bin là bị gió thổi bay xuống nước. Sóng phủ từ trên nóc như chiếc búa tạ để đập phá con tàu. Giữa cuồng phong, không khí chết chóc chìm ngập trong ca bin tàu. Các ngư dân khóc than, chân tay cứng đờ, sợ hãi. Dù đã cứu các ngư dân của 2 con tàu.

Năm 2008, huyện đảo Lý Sơn có 24 ngư dân thoát chết một cách kỳ diệu nhờ bung dù. Đó là ngư dân đi trên tàu 200 CV của ông Nguyễn Lộc và tàu QNg 66308 TS của ông Nguyễn Văn Thiện. Đài báo bão số 9, tàu ông Lộc gầm lên lao về đảo Lý Sơn. Khi cách đảo 70 hải lý, sóng gió trên biển cuồn cuộn, con tàu như sắp bị nhấn chìm. Trước tình thế nguy cấp, ông Lộc quyết định trụ lại giữa biển và bung dù.

Trong cơn cuồng phong giữa biển, ông Lộc quyết định ném xuống trước mũi tàu 3 chiếc neo, 2 cái dù bạt để ghìm hướng tàu. Thấy chưa đủ, tàu còn chao mạnh, các thuyền viên tiếp tục thả 2 chiếc phi nhựa đục lỗ, ghìm chặt xuống dưới hai bên hông. Kinh nghiệm này giúp chiếc thuyền không bị sóng nuốt chửng và "chế" sóng nhịp nhàng.

Cùng lúc đó, tàu cá QNg 66308 TS của ông Nguyễn Văn Thiện ở xã An Vĩnh (Lý Sơn), trên thuyền có 14 ngư dân khi chỉ còn cách bờ 7 hải lý thì gặp sự cố. Ông Thiện nhớ lại: "Anh em cứ nghĩ một tiếng nữa thôi là tới đảo và hát hò được rồi. Nhưng sóng đã quá lớn, chiếc tàu tiếp tục bị dạt ra cách đảo Lý Sơn trên 70 hải lý". Sóng biển đã phủ ướt chiếc máy Icom. Vậy là các ngư dân phải bung dù và mò mẫm chống chọi với sóng biển.

Trong đất liền nhận được tin 2 con tàu chạy về nhưng chờ mãi vẫn chẳng thấy bóng dáng ai. Suốt 4 ngày chờ đợi tuyệt vọng, người nhà ngư dân bắt đầu chuẩn bị bàn thờ. Cuối cùng, ngư dân trên 2 tàu đều về đông đủ. Đó là nhờ bung dù ghìm phanh để ghìm bớt sóng nên anh em ngư dân mới sống sót.
 

Bài, ảnh: THANH TRUNG
 


.