Minh Long ngày một đi lên

02:08, 18/08/2012
.

(QNĐT)- Từ điểm xuất phát là huyện miền núi còn khá nghèo nàn, lạc hậu, Minh Long đang dần thay da đổi thịt. 38 năm sau ngày giải phóng, huyện Minh Long đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế.


Về Minh Long những ngày này, không khí ngày mùa thu hoạch nhộn nhịp khắp nơi. Vụ lúa bội thu với sản lượng năm sau tăng hơn năm trước đã giúp cho đồng bào H’rê nơi đây có cuộc sống thêm no đủ.

Ông Đinh Văn Ré, ở xã Long Mai vui mừng chia sẻ: Nhà tôi có 4 sào lúa nước, năm nay lúa lên tốt quá nên sản lượng khoảng 42 tạ/ha, đạt hơn nhiều so với các vụ trước. Gia đình sẽ có thêm tiền để mua sắm sách vở, chuẩn bị cho con em bước vào năm học mới.

 

Một góc trung tâm huyện Minh Long hôm nay
Một góc trung tâm huyện Minh Long hôm nay


Song song với việc sản xuất lúa nước, nhân dân địa phương đang dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển theo hướng nông-lâm kết hợp với chăn nuôi để tăng thu nhập. Hiện nay, nhà nhà đều trồng rừng keo, mì và xen kẽ cây mang lại lợi nhuận kinh tế lớn để thoát nghèo bền vững như: Lim, xà cừ, mây nếp…

Gia đình anh Đinh Văn Pho (38 tuổi) ở thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp là một điển hình của việc áp dụng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vươn lên thoát nghèo nhờ vào nghị lực và quyết tâm bám lấy đất quê hương. Đến thăm ngôi nhà khang trang còn thơm mùi vôi vữa mới của anh Pho, chúng tôi mới hiểu hết được gia đình ông đã ra sức làm lụng chăm chỉ như thế nào. Từ một gia đình thuộc hộ nghèo nhất, nhì thôn, nay anh Pho trở thành hộ khá giả.

Được sự hướng dẫn của cán bộ xã và chính quyền, anh Pho bắt đầu khai hoang đất rừng để trồng cây keo, cây mỳ, rồi chịu khó tích góp mua 1, 2 con trâu về chăm bẵm, lấy sức kéo. Chẳng mấy chốc, đất rừng đã đền đáp lại sự chịu thương, chịu khó của gia đình anh bằng mẻ thu hoạch keo mỳ đầu tiên, mang về hơn 120 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, anh Pho luôn tìm cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong việc sản xuất cũng như chăn nuôi để tiếp tục phát triển diện tích đất rừng và đàn trâu. Hiện tại, trong tay anh Pho đang có số tài sản hàng trăm triệu đồng với đàn trâu gần 10 con, 6 ha keo, mỳ, 4 sào ruộng…

Không chỉ gia đình anh Pho, mà còn có hàng chục, hàng trăm hộ gia đình người H’re ở Minh Long đang nỗ lực vươn lên từ điểm xuất phát rất thấp. Đủ để thấy đời sống kinh tế của nhân dân địa phương đang dần khởi sắc.

 

Anh Đinh Văn Pho đã thoát nghèo nhờ vào việc trồng rừng và tập trung sản xuất, chăn nuôi
Anh Đinh Văn Pho là trong số nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ vào việc trồng rừng và tập trung sản xuất, chăn nuôi


Ông Nguyễn Văn Thuần- Chủ tịch UBND huyện Minh Long cho biết: Trong những năm qua, huyện đã thu gặt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc phát triển kinh tế và chăm lo đời sống của nhân dân, từng bước xóa đói giảm nghèo. Đến nay, cơ cấu kinh tế đang có bước chuyển dịch tích cực: Nông-lâm-ngư nghiệp đạt 42,29%, công nghiệp- xây dựng đạt 29,42%, thương mại- dịch vụ đạt 17%.

Với nguồn vốn hỗ trợ từ các Nghị quyết 30a, chương trình 135, ISP… lãnh đạo huyện và đảng bộ đã tích cực đầu tư cho nhân dân để giải quyết sự khó khăn về kinh tế ban đầu. Lấy đó làm động lực để thay đổi nhận thức của người dân và phát triển bộ mặt kinh tế nông thôn, miền núi.

Không chỉ có bước tiến dài về kinh tế, huyện Minh Long còn đang dần thay đổi bộ mặt với việc đầu tư tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương. Đến nay, 100% tuyến đường từ huyện xuống xã đã được bê tông hóa, nhựa hóa. 96% các cơ sở trường lớp trên địa bàn huyện được kiên cố hóa. Mạng lưới điện quốc gia đã về với 41/43 thôn, xóm…

Sau 38 năm hoàn toàn giải phóng, Minh Long đang có những bước đi vững chắc để đạt được những kế hoạch, mục tiêu đã đề ra. Thế nhưng cũng phải kể đến những khó khăn mà huyện miền núi này đang còn vướng phải trong việc nâng cao nhận thức của người dân và đầu tư các công trình kiên cố trên địa bàn huyện.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Văn Thuần- Chủ tịch UBND huyện Minh Long cho biết: Trong thời gian tới, vấn đề lớn nhất đặt ra là cần phải tìm ra thế mạnh kinh tế đột phá của địa phương. Từ đó tìm ra hướng đi cụ thể nhằm phát huy thế mạnh, từng bước nâng cao nhận thức thoát nghèo và hướng dẫn cho đồng bào H’re nơi đây làm thế nào để có cuộc sống no đủ hơn. Điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo thoát nghèo bền vững cho nhân dân nơi đây.


Thanh Phương



 

 


.