Dự án xây dựng chợ Bình Hiệp chậm triển khai: Người dân có đất bị thu hồi bức xúc

01:08, 28/08/2012
.

(QNg)- Dự án xây dựng chợ Bình Hiệp (Bình Sơn) được quy hoạch và bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2003 nhưng đến nay công trình vẫn chưa khởi công, gây bức xúc trong dân, đặc biệt là những hộ có đất nằm trong vùng quy hoạch.  

* Vì sao chợ Bình Hiệp chưa xây dựng

Ngày 17/2/2003, UBND tỉnh ra Quyết định số 423/QĐ-CT về việc cấp địa điểm cho UBND xã Bình Hiệp (Bình Sơn) dùng vào việc xây dựng chợ Bình Hiệp với quy mô 6.000m2. Đến ngày 18/6/2003, UBND huyện Bình Sơn ra Quyết định số 1255/QĐ-UB về việc phê duyệt dự toán bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng chợ. Sau khi thực hiện bồi thường, UBND xã cho san ủi mặt bằng và đường vào chợ. Tuy nhiên, đã 9 năm rồi mà chợ Bình Hiệp vẫn chưa xây dựng. Mặt bằng trở thành bãi đổ rác cho các hộ dân và các tiểu thương buôn bán ở chợ cũ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một hộ dân sống cạnh khu vực này bức xúc: "Trước đây, nơi này trồng cây công nghiệp lâu năm nên không khí rất trong lành. Từ sau khi địa phương thực hiện việc san ủi nhưng không triển khai xây dựng và quản lý nên người dân vô tư vứt rác thải, gây mùi hôi thối. Gia đình tôi luôn phải sống trong cảnh đóng cửa cả ngày".

Bà Liên bức xúc trước việc thu hồi đất xây dựng chợ từ năm 2003 mà đến nay gia đình bà vẫn chưa được đổi đất
Bà Liên bức xúc trước việc thu hồi đất xây dựng chợ từ năm 2003 mà đến nay gia đình bà vẫn chưa được đổi đất.


Vì chợ mới chưa xây dựng nên người dân phải buôn bán ở chợ cũ nằm ngay ngã 3 thuộc khu vực trung tâm xã làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Ông Đoàn Văn Minh- Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp lý giải: "Do điều kiện ngân sách địa phương và việc huy động vốn đầu tư xây dựng chợ khó khăn nên xã chưa thể triển khai việc xây dựng chợ. Còn việc xả rác thải ở đây là do địa phương chưa có bãi rác. Xã đã giao cho người quản lý chợ đảm nhận việc thu gom và đốt rác thải nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường".

* Thiếu nhất quán trong quản lý đất đai

Để tạo mặt bằng xây dựng chợ, UBND xã đã thu hồi đất của 4 hộ dân với tổng diện tích 6.000m2 và 500m2 đường giao thông vào chợ. Trong đó chỉ có 1 hộ có đầy đủ hồ sơ thủ tục đất nên được chính quyền địa phương thực hiện việc đổi đất. 3 hộ còn lại chỉ được bồi thường hoa màu, mồ mả và vật kiến trúc. Bức xúc trước việc khoảng 6 sào đất của ông bà tổ tiên để lại nhưng không được bồi thường, bà Hồ Thị Kim Liên (72 tuổi), thôn Liên Trì (Bình Hiệp) đã nhiều lần gửi đơn lên chính quyền địa phương yêu cầu cấp đổi đất.

Theo biên bản cuộc họp giải quyết việc đổi đất cho bà Liên ngày 11/9/2008, ông Nguyễn Hà Thanh- Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ đã đề cập đến việc đổi đất cho gia đình bà Liên theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, trong cuộc họp này lãnh đạo UBND xã Bình Hiệp không làm rõ tính pháp lý về nguồn gốc đất của bà Liên và xác định diện tích đất để đổi.

Ông Đoàn Văn Minh- Chủ tịch UBND xã hiện nay cho biết thêm, cuối năm 2009, UBND xã động viên đồng chí Mai Xuân Lý - cựu chiến binh của xã có vùng đất vỡ hoang để đổi cho bà Liên với diện tích khoảng 5 sào nhưng khi bà Liên lên trồng cây thì gia đình ông Lý không chấp nhận và lấy lại đất. Do đó gia đình bà Liên tiếp tục gửi đơn yêu cầu giải quyết. Ngày 15/3/2012, UBND xã Bình Hiệp đã mời vợ chồng bà Liên lên làm việc và yêu cầu bà Liên trưng cầu những giấy tờ chứng minh nguồn gốc và diện tích đất, nhưng bà Liên chỉ có duy nhất biên bản cuộc họp ngày 11/9/2008 do đồng chí Nguyễn Hà Thanh chủ trì. Sau khi cán bộ địa chính kiểm tra bản đồ địa chính 299 và hồ sơ đo mới năm 2003 thì bà Liên không có tên trong sổ mục kê.

"Qua rà soát từ hồ sơ đền bù cây thì bà Liên có khoảng 1.250m2 đất. Nếu bà Liên không đồng ý với số diện tích trên thì khi nào bà Liên trưng cầu được hồ sơ chứng minh diện tích của bà là 6 sào thì UBND xã sẽ tiếp tục giải quyết"- ông Minh nhấn mạnh.

Qua vụ việc này cho thấy, UBND xã Bình Hiệp thiếu nhất quán trong công tác quản lý đất trong khu vực mặt bằng quy hoạch chợ Bình Hiệp. Do đó, UBND huyện Bình Sơn cần chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn UBND xã tháo gỡ những vướng mắc trên, đồng thời tìm nguồn vốn để sớm triển khai việc xây dựng chợ, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.