Chợ nơi "cổng trời"

10:08, 04/08/2012
.

(QNg)- Sản phẩm nông nghiệp làm ra trước giờ chỉ để sử dụng trong nhà và việc giao dịch trao đổi ra bên ngoài đối với đồng bào người Cor ở Tây Trà là một điều gì đó chỉ có trong ý nghĩ. Thế nhưng, thời gian gần đây, trên đỉnh đèo Eo Chim, một "ngôi chợ" đang hình thành.

Ở nơi "cổng trời", người đi đường dễ bắt gặp những hàng hóa nào là chuối, củ, hoa quả và thậm chí cá niên, ốc đá cũng được người dân nơi đây mang ra bán cho người đi đường... Điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có ở huyện vùng cao Tây Trà.

Chợ… giữa lưng chừng núi

Gọi là chợ nhưng thực ra chỉ là vài ba cái lều dựng bằng lồ ô, rộng chừng vài mét vuông san sát nhau dọc theo cung đường Tỉnh lộ 622 uốn lượn trên đỉnh Eo Chim, đoạn qua địa phận thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh. Hàng hóa được bày bán ở chợ chủ yếu là những món rau, quả mà người dân tự trồng như đu đủ, rau muống hay con ốc dưới suối, buồng chuối, rau rừng trên nương rẫy.

Chợ của người Cor trên đỉnh Eo Chim.
Chợ của người Cor trên đỉnh Eo Chim.


Chị Hồ Thị Non, một "tiểu thương" đến chợ sớm nhất, cho biết: Lúc đầu chỉ có vài người ra bán, giờ thì đến cả chục người, toàn bộ là chị em người đồng bào Cor. "Ban đầu mang đồ ra ngồi bên lề đường bán ngại lắm. Sau đó, mấy chị em khác cũng mang ra bán nên đông vui và hàng hóa cũng phong phú hơn. Vả lại, nhờ có chợ bán hàng mà mình có tiền mua gạo và nộp tiền học cho con"- chị Non tâm sự.

Khách hàng đến mua là những người dân trong vùng và các cán bộ công tác ở Tây Trà. Anh Trần Văn Thanh, công tác tại huyện Tây Trà, một khách hàng quen thuộc cho biết, trên đường về xuôi dịp cuối tuần là mình ghé vào chợ để mua vài thứ mang về như ớt xiêm, vài bắp chuối rừng, hoặc túi ốc đá… những món này ở dưới xuôi không có. Chỉ cần vài chục ngàn là có thể mua nhiều thứ về quê dùng. Thậm chí là mua về làm quà cho người thân.

Để có hàng hóa phong phú thêm cho ngôi chợ đặc biệt này, những cái "chợ di động" từ dưới xuôi lên cũng "hợp tác" với chị em buôn bán ở đây. Rau quả ở miền núi được đổi bán với các món hàng tươi sống như cá, tôm ở miền xuôi mang lên làm phong phú thêm bữa ăn hàng ngày của người dân nơi đây.    

"Một thắng lợi lớn…"

Có chợ, những người dân trong vùng không còn phải lo canh chừng những xe máy bán thức ăn nữa. Chợ được bán từ sáng sớm đến chiều tối, người dân đi làm rẫy về vẫn có thể mua thức ăn. Chị Hồ Thị Lắm (thôn Trà Dinh) cho biết, giờ không phải sáng ra "đứng đường" chờ mua thức ăn từ những người đi bán bằng xe máy nữa mà sáng đi rẫy, chiều trên đường về là ghé mua thức ăn luôn.

Với những món hàng "cây nhà lá vườn" được bán ra, sau mỗi buổi chợ, những người buôn bán nơi đây có thể thu nhập năm bảy chục ngàn đồng để trang trải cuộc sống hàng ngày. Những em nhỏ trong vùng cũng có thể đi rẫy hái rau, hoặc xuống suối bắt ốc mang lên chợ bán để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ.

Trước đây, chuyện trao đổi mua bán giữa những người dân trong làng chỉ diễn ra ở từng hộ gia đình. Ra chợ trả treo là điều mà người đồng bào ở miền núi rất e ngại. Nhưng giờ, nhiều phụ nữ đồng bào Cor ở Tây Trà tự lập nên một cái chợ để trao đổi, buôn bán, thể hiện bước chuyển quan trọng trong tư duy, ý thức phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo.

Ông Đỗ Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho rằng việc người dân tộc thiểu số Cor mang hàng hóa ra bên ngoài trao đổi buôn bán là một sự thay đổi lớn trong phương thức sản xuất tự cung tự cấp từ bao đời nay của người dân miền núi. Hàng hóa được trao đổi buôn bán tại chợ, làm phong phú thêm bữa ăn của người dân. Một phương thức kinh tế thương mại đã hình thành trong đời sống của người Cor ở Tây Trà.

"Đây sẽ là sự kích thích cho sản xuất hàng hóa miền núi phát triển, từng bước cải thiện đời sống của người dân vùng cao, giúp người dân có thu nhập. Đây là một thắng lợi lớn của huyện trong quá trình vận động, tuyên truyền đi sâu vào đời sống người dân. Không chỉ người dân Trà Lãnh mà việc người Cor đã ý thức được việc trao đổi tư thương hàng hóa sẽ là tiền đề để người đồng bào Cor ở các xã khác học tập. Chúng tôi hi vọng mô hình trên sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác trong huyện" - ông Lâm cho biết.


Bài, ảnh: X.Thiên - L.Đức
 


.