Cây nguyên liệu dăm gỗ rớt giá: Người bán, người mua đều khó

09:08, 27/08/2012
.

(QNg)- Từ tháng 4 đến nay, cây nguyên liệu rớt giá thảm hại, cả người bán cây đến người kinh doanh cây nguyên liệu của tỉnh đang phập phồng. Trong khi đó, chất lượng dăm gỗ nguyên liệu ngày càng giảm sút trên thị trường.  

Nhiều đại lý mua nguyên liệu dăm gỗ trên địa bàn tỉnh cho biết: Hiện nay, các nhà máy dăm gỗ ở Dung Quất mua nguyên liệu keo chỉ từ 1.040.000 - 1.080.000 đồng đồng/tấn. So với từ tháng 3/2012 trở về trước, giá mua giảm từ 120.000 - 160.000 đồng/tấn.
 

Dăm gỗ chưa bán được tại một nhà máy dăm gỗ ở Dung Quất.
Dăm gỗ chưa bán được tại một nhà máy dăm gỗ ở Dung Quất.


Theo ông Nguyễn Lục (54 tuổi), quê ở thôn Giao Thủy, xã Bình Thới (Bình Sơn), từ năm 1994 đến nay, giá cây nguyên liệu lần này giảm nhiều nhất. Đầu năm 2012, ông Lục đã dùng 500 triệu đồng để mua rừng (600 tấn cây nguyên liệu). Thế nhưng khi khai thác, ông Lục đã lỗ hơn 100 triệu đồng. Ông Lục cho rằng, việc nhà máy mua giá thấp làm cho người kinh doanh nghề rừng và nông dân bán rừng nguyên liệu cũng chịu lỗ. Bởi các đại lý chỉ mua của dân từ 500.000 - 700.000 đồng/tấn. Còn ở các huyện miền núi của tỉnh giá keo nguyên liệu chỉ có giá từ 300.000 - 400.000 đồng/tấn. Giá thấp là do cước vận chuyển đã trên 400.000 đồng/tấn (huyện miền núi); khoảng 200.000 đồng/tấn (huyện đồng bằng), và chi phí khai thác gỗ tại rừng 160.000 đồng/tấn. Với chi phí như vậy, buộc các đại lý phải hạ giá mua và vì thế, nông dân trồng rừng là người chịu thiệt nhất.

Ông Nguyễn Nị - Chủ tịch Hiệp hội dăm gỗ xuất khẩu Quảng Ngãi, Giám đốc Công ty TNHH nguyên liệu giấy Dung Quất cho rằng: Nguyên nhân chính khiến giá cây nguyên liệu hạ thấp là vào các tháng 6 và 7, các nhà máy bên Trung Quốc ngưng hoạt động để bảo dưỡng. Vì vậy họ không mua dăm gỗ nữa, dẫn đến các nhà máy ở Dung Quất, hoặc mua cầm chừng, hoặc mua cây nguyên liệu với giá thấp.

Theo thống kê, hiện tỉnh Quảng Ngãi là nơi có nhiều nhà máy hoạt động kinh doanh dăm gỗ nhất miền Trung: 21 nhà máy đang hoạt động (Khu kinh tế Dung Quất 16 nhà máy), với tổng công suất 2 triệu tấn/năm. Dăm gỗ của các nhà máy ở tỉnh ta tiêu thụ ở các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... Trong đó có hơn 1/2 nhà máy tiêu thụ ở Trung Quốc và đây là thị trường mua nhiều dăm gỗ của Dung Quất (chiếm 40% tổng sản lượng, có năm chiếm 70%). "Vừa qua, Trung Quốc đã thông báo chất lượng dăm gỗ ở Dung Quất rất kém. Nếu kéo dài tình trạng này, Trung Quốc và các quốc gia khác sẽ không mua dăm gỗ Dung Quất nữa"-ông Nị cho hay. Theo ông Nị, mỗi tàu chở dăm gỗ khoảng 18.000 tấn  (khoảng 35.000 tấn dăm tươi), tương đương với 2 triệu USD. Nếu nhà máy nào bị đối tác "căng" về chất lượng và không nhận hàng, thì doanh nghiệp đó khốn đốn.

Đặt vấn đề vì sao chất lượng dăm gỗ giảm như vậy, ông Nị phân tích: Không ít nhà máy, hoặc kiểm đầu vào không kỹ, hoặc làm ăn không chân chính đã mua quá nhiều gỗ tạp như: xoài, thầu đâu, bời lời, thậm chí ngay cả cây cau, cây dừa... cũng đưa vào băm dăm gỗ, nên ảnh hưởng đến chất lượng là điều không tránh khỏi.

Ông Thang Văn Hóa - Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Hào Hưng (kinh doanh giấy, dăm gỗ xuất khẩu ở Dung Quất) khẳng định. Rất nhiều xe tải chở gỗ dăm đã "độn" quá nhiều gỗ tạp để bán cho nhà máy. Để trót lọt, chủ gỗ này đã "bo" cho công nhân nhập cây vào xưởng và "ăn chia" với bộ phận có trách nhiệm. Theo doanh nghiệp này, việc mọc quá nhiều nhà máy đã ảnh hưởng chất lượng dăm gỗ Dung Quất. "Nếu kéo dài tình trạng này, đến một lúc nào đó, dăm gỗ ở Dung Quất - Quảng Ngãi sẽ không có người mua. Lúc này thua thiệt là điều hiển nhiên" -  ông Hóa nói.


    Phúc Long
 


.