Xây dựng hầm Biogas: Lợi cả đôi đường

02:06, 06/06/2012
.

(QNg)- Gần 6 năm qua, nhờ nguồn hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan (SNV), Quảng Ngãi đã xây dựng hàng ngàn hầm Biogas. Cứ mỗi công trình xây dựng lên đã giúp cho người chăn nuôi lợi cả đôi đường: Hạn chế nạn ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở nông thôn và tạo được khí đốt, hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
 

TIN LIÊN QUAN


Giải quyết ô nhiễm mùi  

Ông Nguyễn Phúc Long - Điều phối viên dự án khí sinh học (Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh) về việc xây dựng hầm Biogas trong chăn nuôi cho biết: “Nhu cầu xây dựng hầm Biogas của người chăn nuôi nhiều lắm. Năm 2012, dự án sẽ hỗ trợ tiếp cho người chăn nuôi khoảng 620 công trình. Đây là danh sách đang hỗ trợ xây dựng"    

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công trình hầm Biogas.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công trình hầm Biogas.


Dự án "Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi" tại Quảng Ngãi được triển khai từ năm 2007 xuất phát trên cơ sở giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường nông thôn trong chăn nuôi. Ngày đó, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân đẩy mạnh chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Theo đó, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn. Thế rồi, nguồn phân thải ra, bà con không cách nào xử lý hết. Người lấy ủ để rải ruộng, người phơi khô đốt... Cách nào cũng tốn nhiều thời gian và công sức. Họ đành thải thẳng ra ngoài. Từ đó, môi trường nông thôn vùng chăn nuôi ngày càng ô nhiễm mùi, lầy lội nghiêm trọng, nhất là ở những vùng đông dân cư. Đã có nhiều lá đơn gửi đến ngành chức năng và chính quyền địa phương yêu cầu giải quyết. Mâu thuẫn xóm làng đã xảy ra.

Ông Đào Minh Hường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề xuất xây dựng hầm Biogas để giải quyết vấn nạn ô nhiễm mùi trong ngành chăn nuôi và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức phát triển Hà Lan chấp thuận. Năm 2007, hàng loạt công trình xây dựng hầm Biogas được triển khai khắp nơi.

GIẢM CHI PHÍ CHẤT ĐỐT

Ông Nguyễn Phúc Long nói: "Một công trình khí sinh học có thể tích 8m3 , bình quân sinh ra 400m3 khí đốt/năm. Ngoài giá trị về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thì giá trị về kinh tế cũng giảm chi phí cho người chăn nuôi mua gas, củi làm chất đốt đáng kể". Theo ông Long, xây dựng hầm Biogas cho người chăn nuôi ở Quảng Ngãi thường có thể tích từ 7 -10m3. Với thể tích này, hầm có khả năng xử lý khoảng 75 kg phân thải/ngày, tương ướng với khoảng 20 con lợn lỡ. Vật liệu để xây dựng gồm có khoảng 1.500 viên gạch; 670kg xi măng; 10kg thép; 1,5m3 cát; gần 1m3 đá dăm. Tổng kinh phí khoảng 8 -10 triệu đồng. Ngân sách tỉnh và dự án hỗ trợ từ 2 triệu (năm 2007 -2008) - 2,4 triệu đồng/hầm (năm 2009 đến nay).

Trong quá trình triển khai, ngoài việc hỗ trợ kinh phí xây dựng hầm, người hưởng lợi còn được tập huấn về kỹ thuật sử dụng, vận hành công trình; đồng thời sau khi nghiệm thu công trình còn được bảo hành miễn phí một năm sử dụng.

Chính lợi ích từ công trình hầm Biogas đem lại, đến nay ở 9 huyện, và TP Quảng Ngãi đã được dự án hỗ trợ xây dựng hoàn thành khoảng 2.500 hầm, đáp ứng nhu cầu giải quyết môi trường cho người chăn nuôi. Trong đó, sử dụng hiệu quả nhất và giúp cho hộ chăn nuôi mở rộng quy mô chăn nuôi là Nghĩa Hành và Sơn Tịnh. Trong năm 2012, dự án tiếp tục triển khai ở 7 huyện, thành phố đồng bằng và hai huyện miền núi Ba Tơ và Trà Bồng khoảng 620 công trình.

Ông Đào Minh Hường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, cho biết:  Sở đánh giá rất cao hiệu quả của Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi. Bởi sau khi triển khai xây dựng hầm Biogas, bà con, các cấp  chính quyền đồng tình, ủng hộ. Trong tổng số khoảng 2.500 công trình khí sinh học được xây dựng đã góp phần xử lý gần 50.000 tấn chất thải chăn nuôi mỗi năm. Công trình đã đem lại nguồn chất đốt tiện dụng cho hộ chăn nuôi, giảm chi phí mua chất đốt. Theo tính toán khoảng 1 triệu m3 khí tương ứng với 5.000 tấn củi, tiết kiệm được 7,5 tỷ đồng/năm. Dự án còn góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đặc biệt là các vùng đông dân cư; phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội, với công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay.           

    
               Bài, ảnh: MAI HẠ  
 


.