Tiếng gọi từ Hoàng Sa…

06:06, 26/06/2012
.

(QNg)- Hàng ngày, vẫn có nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt cá ngoài quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Với ngư dân Quảng Ngãi, mỗi tiếng sóng vỗ vào ghềnh đá dội về từ biển xanh chính là tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc mình phía chân trời xa thẳm: Hoàng Sa thân yêu!

TIN LIÊN QUAN


Nơi Hoàng Sa bao la ấy, có máu thịt của ngư dân Quảng Ngãi từ ngàn đời xưa hòa vào, hóa thân thành những cột mốc thiêng liêng cho biển đảo của Tổ quốc trường tồn. Vì thế, những ngư dân Bình Châu (Bình Sơn) ngày ngày vẫn động viên nhau bám biển Hoàng Sa mưu sinh, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hóa thân vào lòng đại dương

Bà Bùi Thị Đưa ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu có tới 3 người con trai, 1 cháu nội và 2 chiếc tàu cá 300 mã lực đã vĩnh viễn nằm lại với Hoàng Sa. Chính vì thế, Hoàng Sa với bà Đưa chính là máu thịt, là nỗi nhớ, niềm thương, tình cảm da diết. Tình cảm ấy quyện chặt vào đời bà, truyền lại cho dân làng chài từ thế hệ này sang thế hệ khác…

Ngư dân Bình Châu (Bình Sơn) ra khơi.
Ngư dân Bình Châu (Bình Sơn) ra khơi.


Trưa tháng 6, trời như đổ lửa. Chúng tôi tìm về nhà bà Bùi Thị Đưa ở ngay mép biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu. Cửa khóa, hàng xóm cho hay bà Đưa đã ra rừng dương bên gành đá hóng mát. Kỳ thực thì bà Đưa ra đấy để dõi mắt về phía Hoàng Sa cho vơi nỗi nhớ các con mình và cũng là để đón những chuyến tàu chở cá từ Hoàng Sa về đất liền. "Dẫu không phải tàu cá của con tôi, thì cũng là tàu cá của ngư dân quê mình. Mỗi chuyến tàu từ Hoàng Sa về là một niềm vui lớn đối với tôi" - bà Đưa tâm sự.

Đã 83 tuổi, nhưng bà Đưa vẫn nhớ như in hai lần bà tiễn các con ra cửa biển này thẳng tiến Hoàng Sa đánh cá. Và rồi chẳng may trong trận cuồng phong giữa trùng khơi, hai con tàu ấy không trở về đất liền nữa. Bà Đưa đã mất đi hai người con trai là hai thuyền trưởng: Nguyễn Huê và Nguyễn Trung. Một người con trai khác là tay lặn cừ khôi Nguyễn Hạnh, cháu nội Nguyễn Ngữ. Trong đó, tàu của anh Nguyễn Huê nằm lại Hoàng Sa trong cơn bão số 1 năm 2008, còn tàu của anh Nguyễn Trung bị chìm trong cơn bão số 1 năm 2010. Các con không trở về, bà Đưa và con dâu, cháu gái sống quây quần bên nhau, đùm bọc qua ngày…

Kiên cường bám biển

Mất mát lớn lao là thế, nhưng bà Đưa vẫn động viên người con trai duy nhất còn lại là anh Nguyễn Hùng kiên cường bám biển ra khơi. Anh Hùng hiện nay đang làm thợ lặn cho tàu cá đánh bắt ngoài vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Mỗi lần tàu nhổ neo, bà Đưa lại ra tận bến tiễn con. Như thể bù đắp cho mất mát của gia đình bà Đưa, chuyến tàu nào anh Hùng ra khơi cũng trúng lớn. Có khi thu nhập sau một tháng đi biển lên đến hàng tỷ đồng.

Ở làng chài Châu Thuận Biển, cứ chiều chiều nhiều tàu cá của ngư dân lại nổ máy thẳng tiến Hoàng Sa tìm luồng cá mới. Bà Đưa dẫu lưng còng, mắt mờ, nhưng không chiều nào bà quên ra bến tiễn con cháu làng chài ra khơi, dặn dò ngư dân đoàn kết, nương tựa, cùng đi một lượt phải trở về một lần. Tàu về bến là bà hỏi thăm sức khỏe, việc đánh bắt cá trên biển. Nhiều người cùng làm theo bà Đưa, tạo nên tình đoàn kết, quan tâm lẫn nhau giữa những người dân trong làng chài. Bà Đưa bảo: "Sự có mặt của ngư dân ở Hoàng Sa là để bảo vệ ngư trường truyền thống, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mình".

Mấy ngày nay, khi xăng dầu giảm giá, nhiều tàu cá của ngư dân Bình Châu lại hứng khởi vươn khơi. Thuyền trưởng, chủ tàu cá QNg 99541 TS Nguyễn Bửu, cho biết: "Giá dầu giảm, mỗi chuyến ra khơi của tàu này chi phí giảm khoảng vài chục triệu đồng. Đó là động lực lớn hỗ trợ ngư dân có điều kiện bám biển". Một số tàu cá của ngư dân Bình Châu còn được hỗ trợ trang bị máy móc hiện đại, hỗ trợ nhiên liệu khi đánh bắt cá xa bờ. Ngư dân khó khăn được hỗ trợ vay vốn đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, ra khơi đánh bắt cá làm giàu chính đáng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.        

             
THANH NHỊ

 


.