Quảng Ngãi: Nan giải việc xóa bỏ các lò gạch thủ công

08:06, 18/06/2012
.

(QNĐT)- Theo Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2010 phải xóa các bỏ lò gạch thủ công. Ở tỉnh ta, việc thực hiện được gia hạn thêm 2 năm. Chỉ còn vài tháng nữa là hết năm 2012, tuy nhiên hiện trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn hàng trăm lò gạch thủ công ngày đêm nhả khói gây ô nhiễm môi trường. Xem ra, bài toán xóa bỏ lò gạch thủ công đang gặp không ít khó khăn.
TIN LIÊN QUAN


Hiện tại, Tư Nghĩa và Mộ Đức là hai địa phương có số lò gạch thủ công hoạt động nhiều nhất, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức) và Nghĩa Phương, Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa).

Hoạt động sản xuất gạch thủ công trong những năm qua đã góp phần đáng kể cung cấp nguồn vật liệu xây dựng, bình ổn giá gạch xây dựng trên địa bàn, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Tuy nhiên, các lò gạch thủ công này đang là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Khói, bụi độc hại của các lò gạch thủ công đã gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân cũng như cây trồng, hoa màu của người dân ở khu vực xung quanh. Cùng với đó, hàng chục ha đất nông nghiệp bị biến thành ao hồ do lấy đất để làm gạch.

Ngạt thở vì lò gạch thủ công

Đức Nhuận, huyện Mộ Đức được xem là địa phương có số lò gạch thủ công nhiều nhất Quảng Ngãi. Hiện trên địa bàn xã có gần 60 lò gạch thủ công đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở thôn 3 và thôn 4. Những ngày này, có mặt tại làng gạch thủ công Đức Nhuận, mới thấy được mức độ ô nhiễm của những lò gạch nơi đây.
 
Cảm nhận đầu tiên là không khí ngột ngạt, khó thở bởi mùi than đá từ các lò gạch, khói trắng thải ra từ các lò đốt cùng bụi bặm bốc lên của những chiếc xe tải mỗi khi chạy qua, khiến không khí như khô đặc lại. Điều đáng nói, làng gạch Đức Nhuận này nằm sát khu dân cư nên thời gian qua nhiều người dân phải than trời.

 

Là gạch truyền thống đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Lò gạch đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


Bà Bùi Thị Hay (74 tuổi), thôn 4, xã Đức Nhuận cho biết, làng gạch Đức Nhuận tồn tại hàng chục năm nay, đồng nghĩa với bấy nhiêu thời gian người dân nơi đây sống trong khổ sở vì ô nhiễm. Mỗi khi các lò gạch này đốt lò, khói bụi và mùi than đá khiến nhiều người như muốn ngạt thở. Nhà cửa lúc nào cũng bụi bám đầy, thậm chí, nhiều bữa ăn phải đóng cửa, bởi chỉ cần vài phút là bụi bám đầy vào thức ăn.

Không những vậy, khu vực này, cây cối hoa màu cũng không chịu nổi, cây gì trồng cũng chết. Tội nhất là trẻ nhỏ, bị bệnh hoài, mà toàn là các bệnh về đường hô hấp và viêm phổi. Người dân đã nhiều lần kiến nghị, nhưng không hiểu vì sao, làng gạch này vẫn cứ tồn tại?

 

Lao động trực tiếp tại các lò gạch đang hứng chịu ô nhiễm
Lao động trực tiếp tại các lò gạch hàng ngày phải hít thở khí độc và khói bụi (trong ảnh: Công nhân đang cất gạch từ lò nung)


Không chỉ có người dân sống gần các lò gạch bị ô nhiễm do khói, bụi, mà chính những người lao động trực tiếp tại các lò gạch này chịu ô nhiễm nặng nhất, thế nhưng vì cuộc sống, hàng trăm lao động vẫn đang cố chịu.

Chị Đặng Thị Hòa, một công nhân tại làng gạch Đức Nhuận cho biết, là người trực tiếp làm gạch nên ngày nào cũng hít bụi, khói từ các lò gạch. Nhiều lúc làm xong về ăn cơm không nổi, còn chuyện bị bệnh về hô hấp thì thường xuyên. "Biết vậy, nhưng vì miếng cơm hàng ngày nên phải làm chứ sao được"- Chị Hòa chia sẻ.

Cũng giống như làng gạch thủ công Đức Nhuận, làng gạch Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa cũng ô nhiễm không kém. Hiện nơi đây đang tồn tại trên 40 lò gạch đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở thôn Phú Mỹ. Điều đáng nói ở đây là các lò gạch thủ công trên địa bàn xã Nghĩa Mỹ nằm rất gần khu dân cư và trường học. Đến mùa sản xuất, các lò hoạt động liên tục thải khí độc ra môi trường xung quanh, khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn.


Khó khăn trong việc xóa bỏ lò gạch thủ công

 

Sản xuất gạch thủ công là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chính vì vậy, việc xóa bỏ các lò gạch này là nhằm đảm bảo môi trường và bảo vệ sức khỏe cho người dân trong khu vực, cũng như chính những công nhân đang trực tiếp lao động tại các lò gạch. Song xem ra việc xóa bỏ các lò gạch này đang gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Hữu Trung-Phó Chủ tịch UBND xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức cho biết, các lò gạch tại Đức Nhuận đã tồn tại hàng chục năm nay. Thực tế những năm qua, các lò gạch này đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn tại địa phương. Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, hiện địa phương cũng đang rốt ráo để xóa bỏ các lò gạch thủ công này.

 

Các lò gạch đang giải quyết một lượng lao động lớn tại địa phương.
Các lò gạch đang giải quyết một lượng lao động lớn tại địa phương.


Xã đã tiến hành họp các chủ lò gạch để thông báo cho các hộ dân trên là hết tháng 6 này phải dừng sản xuất để tiến đến xóa bỏ các lò gạch thủ công. Tại cuộc họp, nhiều chủ lò gạch cũng đồng ý với chủ trương của nhà nước, tuy nhiên nhiều hộ cho rằng, hiện nay lượng vật liệu (đất sét) tại các lò gạch còn quá lớn. Ít nhất cũng để các chủ lò gạch sản xuất hết lượng đất còn lại.

Nhiều chủ hộ và người dân cũng kiến nghị khi dẹp bỏ các lò gạch truyền thống thì phải có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho người lao động tại các lò gạch... Đây là một vấn đề khiến địa phương khá "đau đầu".

Chị Nguyễn Thị Là, chủ một lò gạch ở Đức Nhuận cho biết: Chủ trương của nhà nước xóa bỏ lò gạch thủ công, chúng tôi chấp hành, nhưng nhà nước phải tính đến việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho các chủ lò gạch như thế nào. Hiện các chủ lò khó có đủ tiền để đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch hiện đại.

 

Xóa bỏ các lò gạc truyền thống là bài toán không hề đơn giản của các địa phương.
Xóa bỏ các lò gạch truyền thống là bài toán không hề đơn giản của các địa phương.

Chị Nguyễn Thị Lo, thôn 1, Đức Nhuận, công nhân tại một lò gạch ở Đức Nhuận thì lo lắng: Chị đã làm tại lò gạch này được trên 20 năm rồi. Cả gia đình 5 nhân khẩu nhưng chỉ có 3 sào ruộng, chính vì vậy cái nghề làm gạch tuy vất vả nhưng là thu nhập chính nuôi sống gia đình. "Nếu ngừng lò gạch thì những lao động như chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chỉ mong nhà nước có chính sách để lao động nông nhàn chúng tôi có được việc làm"- Chị Lo nói.

Trong khi xã Đức Nhuận đang khẩn trương vận động các chủ lò gạch thủ công ngừng sản xuất vào cuối tháng 6 này, thì xã Nghĩa Mỹ vẫn chưa có động thái gì, trong khi thời gian còn lại của năm 2012 không còn nhiều.

Bà Nguyễn Thị Lan Chi - Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ cho biết: Người dân ở đây chủ yếu sống bằng việc sản xuất gạch và làm nông. Hiện chủ trương của nhà nước là vậy, người dân cũng không phản đối. Tuy nhiên, hiện địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, bởi hiện các các lò gạch trên địa bàn xã đang giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
 
"Muốn xóa bỏ làng nghề gạch truyền thống thì địa phương phải có giải pháp chuyển đổi ngành nghề cho người dân phù hợp, hoặc quy hoạch các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn xã, tuy nhiên với địa phương thì cả hai vấn đề trên nằm "ngoài tầm với""- bà Chi nói.


Xóa bỏ lò gạch thủ công là giải pháp duy nhất để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên việc chuyển đổi ngành nghề sản xuất cũng như cũng như đào tạo lao động và bố trí việc làm cho các  lao động đang sinh nhai từ những lò gạch thủ công là một bài toán không đơn giản. Để giải quyết khúc mắc này  ngoài những nỗ lực của địa phương, sự ủng hộ của các chủ lò gạch và người lao động thì rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong tỉnh.

 

Bài, ảnh: M.Toàn

 

 


.