Phát triển cơ khí trọng điểm ở Quảng Ngãi: Bước đi đúng hướng

10:06, 29/06/2012
.

(QNg)- Nói đến Dung Quất, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Nhà máy Lọc dầu số 1, hạt nhân tăng trưởng của Quảng Ngãi trong những năm gần đây. Còn với những người hoạch định chiến lược phát triển ngành cơ khí trọng điểm của Việt Nam, họ sẽ chấm dấu đỏ ghi tên Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina) và Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS). Đây hiện là 2 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm thuộc tốp đầu cả nước.  

 

Kỳ 1: Tiềm lực đã có sẵn



Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/01/2009 về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm và danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ 2009 đến năm 2015 (sau đây gọi là Quyết định 10). Đây là chính sách ưu đãi lớn của Chính phủ đối với ngành cơ khí, nhằm nâng cao vai trò, thị phần các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước. Chương trình cơ khí trọng điểm được xem là “cú hích” nhằm giảm nhập siêu, cũng như thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 



Từ sức hút của Nhà máy Lọc dầu số 1, trong những năm 2006-2008, một làn sóng đầu tư đã vào Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất với hàng chục dự án lớn nhỏ, có tổng vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Trong số này, có hai dự án công nghiệp quy mô lớn là Nhà máy công nghiệp nặng Doosan (do Tập đoàn Doosan, Hàn Quốc đầu tư) và Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất của Tập đoàn Vinashin. Nhìn trên bản đồ thu hút đầu tư vào lĩnh vực cơ khí trọng điểm ở Việt Nam thì đây là mơ ước của không ít địa phương. Bởi, tổng vốn đầu tư của hai dự án lên đến 650 triệu USD, với các thiết bị, công nghệ tiên tiến nhất.

DQS được đầu tư hiện đại, đồng bộ, có thể đóng mới tàu trên 100 nghìn tấn.
DQS được đầu tư hiện đại, đồng bộ, có thể đóng mới tàu trên 100 nghìn tấn.


Dù thuộc hàng “sinh sau, đẻ muộn” tại Dung Quất, nhưng Doosan Vina đã phát triển với tốc độ rất nhanh. Đây là một loại hình tổ hợp công nghiệp nặng đầu tiên tại Việt Nam với vốn đầu tư 300 triệu USD, nằm trên diện tích 110 ha. Khu phức hợp Doosan Vina bao gồm 5 nhà máy, chuyên thiết kế, chế tạo và lắp ráp những thiết bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật giúp cuộc sống người dân trên toàn thế giới ngày càng hiện đại và tiện nghi hơn. Tổ hợp gồm: Nhà máy chế tạo nồi hơi (Boiler), Nhà máy chế tạo thiết bị thu hồi nhiệt (HRSG), Nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ (MHS), Nhà máy chế tạo thiết bị khử mặn (Water) và Nhà máy chế tạo thiết bị xử lý hóa chất (CPE). Cùng với đó là, cảng chuyên dụng và công trình phụ trợ như văn phòng chính, ký túc xá, khu chung cư,… được trang bị bằng hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến nhất.


Chỉ sau 3 năm kể từ ngày khánh thành (tháng 5/2009), Doosan Vina đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Tính đến nay, Doosan Vina đã đạt kim ngạch xuất khẩu trị giá 185 triệu USD. Kể từ khi bắt đầu xây dựng, Doosan Vina đã tuyển dụng và đào tạo hơn 2.000 lao động thành những công nhân tay nghề kỹ thuật cao. Công ty này đã đạt thành tựu đáng kể về năng lực sản xuất, đạt 100% năng suất sản xuất mà công ty mẹ tại Hàn Quốc phải mất đến 30 năm. Doosan Vina hiện đã xuất khẩu ra nước ngoài hàng loạt sản phẩm đến thị trường Trung Đông, Nam Mỹ, Châu Phi, Ấn Độ, các nước Asean... Ở Việt Nam, Doosan Vina tham gia sản xuất, cung ứng cho các dự án nhiệt điện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và một số thiết bị cho dự án nhiệt điện Mông Dương (Quảng Ninh). Trong năm 2012, Doosan Vina cũng sẽ xuất 2 bồn áp lực sang Canada, 25 tháp chưng cất sang Algeria và các thiết bị của hệ thống khử mặn sang Ả rập-Xê út, với khối lượng hơn 15.000 tấn.

Cùng với Doosan Vina, DQS cũng đang khởi sắc sau khi công ty này được chuyên giao từ Vinashin sang PetroVietNam vào tháng 7 năm 2010. Sau khi được tái cấu trúc, DQS từng bước ổn định sản xuất. Mới đây, DQS đã bàn giao tàu chở dầu 104 nghìn tấn cho PVTrans sau một thời gian dài dự án này chậm tiến độ. Đây là cột mốc của ngành cơ khí đóng tàu trong chiến lược phát triển cơ khí trọng điểm quốc gia, phục vụ chiến lược CNH, HĐH đất nước. Hiện nay, ngoài việc tiếp tục đóng mới tàu 105 nghìn tấn, DQS cũng đã tiếp nhận, sửa chữa, hoán cải các tàu có trọng tải lớn và đóng tàu dịch vụ dầu khí cho các đối tác nước ngoài. Công ty còn tham gia đấu thầu thi công giàn khoan dầu khí nửa nổi, nửa chìm và sửa chữa tàu chở dầu 150 ngàn tấn.

Theo quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 vừa được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, thì tăng trưởng ngành công nghiệp- xây dựng là 16,5%/năm, tỷ trọng giá trị công nghiệp trong GDP toàn tỉnh đến năm 2015 là 58,1% và đến năm 2020 ở mức 60,1%. Hạt nhân của quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh vẫn là KKT Dung Quất. Bên cạnh ngành công nghiệp lọc hoá dầu, hoá chất (giữ vai trò quan trọng trong quy hoạch các ngành công nghiệp của tỉnh), thì ngành cơ khí chế tạo sẽ là một trong ba ngành mũi nhọn quyết định sự tăng trưởng nhanh. Trong đó, ngành công nghiệp cơ khí và luyện kim, với giá trị sản xuất đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 79,8%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 18,1%/năm. Những mục tiêu này, không nằm ngoài tính toán của sự phát triển hai doanh nghiệp sản xuất cơ khí trọng điểm hàng đầu ở Dung Quất là Doosan Vina và DQS.

Có thể nói, cả Doosan Vina và DQS đang trong giai đoạn sản xuất ổn định các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Những gói thầu hoàn thành đều có quy mô đứng đầu cả nước đã nâng cao thương hiệu cho KKT Dung Quất trong lĩnh vực công nghiệp nặng. Tuy nhiên, 2 doanh nghiệp này vẫn còn không ít khó khăn trong việc hưởng những chính sách ưu đãi mà Quyết định 10 của Thủ tướng Chính phủ về cơ khí trọng điểm đã vạch ra.


(còn nữa)
Hoàng Triều

 


.