Doanh nghiệp Quảng Ngãi bám vào "phao cứu sinh" lãi suất

08:06, 26/06/2012
.

(QNĐT)- Với chính sách hạ dần mặt bằng lãi suất cho vay của ngân hàng, nhiều doanh nghiệp Quảng Ngãi đang tính lại phương án vay thêm vốn, sản xuất kinh doanh sau thời gian dài khó khăn.

TIN LIÊN QUAN


Nhiều doanh nghiệp miền Trung đều có chung nhìn nhận: Việc hạ trần lãi suất của các ngân hàng trong thời buổi khó khăn hiện nay ví như "chiếc phao cứu sinh" giải cứu doanh nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh.   

Khách hàng đến giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Vicombank Quảng Ngãi.
Khách hàng đến giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank Quảng Ngãi.


Có thực tế hiện nay là, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng ở các tỉnh miền Trung đang điêu đứng, các công trình nhà nước đầu tư bị cắt giảm hoặc tạm dừng. Doanh nghiệp nào có công trình xây dựng ở các địa phương triển khai chủ yếu nhờ vào nguồn vốn ngân sách thì chưa có thông tư cho điều chỉnh giá. Trong khi đó, nhiều công trình đang thi công có dự toán lập từ năm 2009, 2010. Do vậy, một khi chưa có thông tư điều chỉnh giá nếu cộng hưởng lãi suất cao của ngân hàng, thì doanh nghiệp xây dựng lâm vào nợ nần, phá sản là tất yếu.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Minh Tuấn ở Quảng Ngãi bộc bạch: "Trong đợt hạ trần lãi suất của ngân hàng lần này, tôi đã vay hơn 3 tỷ đồng mua thêm phương tiện, thiết bị để đáp ứng nhu cầu thi công xây dựng trên các công trình".

Ông Tuấn cho rằng, để gỡ khó "căn cơ" cho doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng, Chính phủ cần xem xét chính sách hỗ trợ thay đổi giá vật tư, vật liệu xây dựng phù hợp. Được vậy thì việc hạ trần lãi suất của các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng tháo gỡ khó khăn mới đi vào chiều sâu, mang tính bền vững.

Một số doanh nghiệp ở  Quảng Ngãi cũng cân nhắc khi vay vốn, tính toán cẩn thận phương án làm ăn. Ông Nguyễn Minh Tăng, Giám đốc Xí nghiệp Hưng Định ở Khu công nghiệp Tịnh Phong (Quảng Ngãi) dự định vay 7,5 tỷ đồng làm vốn lưu động để mua nguyên liệu đầu vào dự trữ, sản xuất phân bón sinh học quay vòng nhanh nhằm gỡ lại những khoản lỗ của năm qua.

Ông Tăng lạc quan: "Đợt hạ trần lãi suất ngân hàng lần này là liều thuốc quý tiếp sức cho doanh nghiệp của tôi thoát khỏi khốn khó, hy vọng công việc làm ăn trong thời gian tới thuận buồm, xuôi gió".

Ông Phạm Minh Hùng- Phó giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Quảng Ngãi (BIDV) cho biết, trong vòng một tháng qua, ngân hàng đã giảm lãi suất vay vốn ưu tiên cho các doanh nghiệp còn 12-13%; gia hạn nợ và tạo điều kiện vay mới để kinh doanh, phục hồi sản xuất.

Theo ông Hùng, tính từ ngày 10/5 - thời điểm hạ trần lãi suất cho vay, đến nay dư nợ vay của các doanh nghiệp trong diện ưu tiên vay vốn tại BIDV Quảng Ngãi tăng lên 365 tỷ đồng (13%) so với tháng 4.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã triển khai hai gói ưu đãi cho các chi nhánh trong phạm vi cả nước. Gói 1 với mức 9.000 tỷ đồng ưu tiên cho những ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ..., lãi suất vay ưu đãi 12%. Gói 2 có 2.000 tỷ đồng ưu tiên cho cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với mức vay ưu đãi 13%.  

Ông Nguyễn Hồng Chung, Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi nhấn mạnh: "Quan điểm của chúng tôi là không thể giải cứu tràn lan doanh nghiệp". Theo ông Chung, chính sách hạ trần lãi suất vay thật sự ý nghĩa đối với những doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, còn đơn vị nợ xấu nhiều, không có khả năng gượng dậy được thì cần mạnh dạn thanh lý, thu hồi nợ.  "Theo tôi, đây cũng là cuộc thanh lọc để nền kinh tế đất nước tăng trưởng hiệu quả, phát triển vững chắc", ông Chung nhấn mạnh.


Minh Thu
 


.