Quảng Ngãi trầm lắng nghề nuôi tôm- Kỳ 2: Phớt lờ khuyến cáo lịch thời vụ và môi trường

03:05, 03/05/2012
.

(QNg)- Đã có hàng trăm hecta nuôi tôm trong tỉnh từng đem "vàng" về cho người nuôi, giờ đành bỏ hoang hoặc chuyển sang mục đích khác vì tôm nuôi bị dịch bệnh. Trước khi vào vụ nuôi tôm 2012, nhiều địa phương đã tổ chức những cuộc họp bàn về chuyện giãn lịch thời vụ, hỗ trợ hóa chất diệt khuẩn... nhưng vẫn không cải thiện được gì. Lịch thời vụ nuôi tôm đợt 1 năm nay đã qua gần 2 tháng nhưng nhiều hồ nuôi tôm đành bỏ trống.

TIN LIÊN QUAN


*Ô nhiễm vùng triều lẫn trên cát          

Chúng tôi trở lại vùng nuôi tôm xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh) và xã Bình Châu (Bình Sơn) vào cuối tháng 4. Khi  thủy triều đang dâng cao, con nước từ ngoài cửa biển Sa Kỳ chảy "tuồn tuột" theo hệ thống kênh mương đã vỡ tràn vào đồng tôm kéo theo rác, xác súc vật chết trôi bốc mùi hôi thối. Mặt nước loang loáng dầu mỡ đen ngòm. Chòi canh nuôi tôm ngã đổ, gió thổi thông thốc. Cả cánh đồng rộng gần 100ha đìu hiu, vắng lặng. Ông Bùi Văn Hoàng đang khuân cá cho các chủ tàu, nghe hỏi, dừng tay chỉ về cánh đồng Châu Me nói trong sự tiếc nuối: "Tôi từng nuôi tôm trên cánh đồng đó. Thời điểm này, chừng 7 năm về trước, đồng tôm nhộn nhịp. Mọi người í ới hỏi nhau về giá cả để "xuất hồ". Hồi đó, nuôi khoảng 3 tháng là con tôm đã lớn bằng ngón tay. Nhìn mà ham. Giá cả, năng suất đều đạt cao nên bà con phấn khởi.  Giờ thì...".

Mặc dù lịch thời vụ đã qua gần 2 tháng nhưng nhiều hồ tôm trong tỉnh vẫn còn trơ đáy.
Mặc dù lịch thời vụ đã qua gần 2 tháng nhưng nhiều hồ tôm trong tỉnh vẫn còn trơ đáy.


Vùng nuôi tôm Bình Châu và Tịnh Hòa chưa được quy hoạch, con mương lấy nước vào đồng tôm cũng là mương thải nguồn nước trong hồ ra. Do vậy, một hồ tôm bị dịch bệnh, nguồn nước, tôm chết theo đó được thải ra mương nên đã lây lan ra cả vùng. Còn ở phía cửa biển Sa Kỳ, tàu thuyền tu sửa thường hay xả dầu, mỡ. Bên cạnh đó, rác thải từ nhà dân, từ tàu thuyền sau những chuyến ra khơi trở về gặp lúc thủy triều lên, dòng nước chảy ào vào "tấn công" vùng nuôi tôm nên môi trường ngày càng ô nhiễm nặng. Cánh đồng nuôi tôm ở Bình Châu, Tịnh Hòa dần bị khai tử...

Khi con tôm không còn sống được trên đồng triều này thì theo đó có hàng trăm hộ nuôi tôm điêu đứng. Bởi họ trắng tay với cảnh thua lỗ liên tiếp vì tôm dịch bệnh, mà lại không có đất sản xuất, không nghề nghiệp nên người dạt vào Nam chạy xe thồ, bán ve chai, người chạy đi làm thợ hồ, khuân cá, nhiên liệu cho những con tàu ở bến cảng Sa Kỳ. Có hộ vì quen với ruộng đồng nên đã cải tạo lại đồng tôm sản xuất muối. Thế rồi, làm muối cũng không đạt hiệu quả. Vì ở vùng triều mà không quy hoạch hệ thống kênh mương nên mưa một trận lớn là nước ngập lai láng cả tháng trời. Bà con ngao ngán bỏ đồng, bỏ làng đi làm ăn xa.

Quay ngược về các vùng nuôi tôm trên cát xã Đức Minh, Đức Phong (Mộ Đức) giữa trưa nắng như đổ lửa của ngày hè, nơi đây cũng thật đìu hiu. Những hồ tôm sâu nửa thân người trơ đáy. Máy quạt nước chỏng chơ.

Dọc dài theo mép biển Đức Phong, những ống lấy nước, xả nước ở cánh đồng tôm Thạch Thang đặt hướng ra phía biển. Xa xa nhìn chẳng khác nào như chiếc răng cưa. Lão nông Phạm Đủ  cho rằng: "Làm sao không dịch cả đồng tôm được. Bởi xả nguồn nước từ hồ có tôm bị dịch bệnh ra đó. Rồi cũng lấy nguồn nước đó vào nuôi tôm". Có hôm trời nóng bức, xong việc trong hồ ông Đủ ra  biển  tắm thấy những con tôm non chết rữa, do những chủ hồ tháo ra biển, bốc mùi hôi tanh. Ông hiểu nguồn nước nuôi tôm ô nhiễm nặng rồi.

Ở vùng nuôi tôm trên cát Đức Phong chẳng khá hơn những cánh đồng nuôi tôm trên vùng triều. Cỏ mọc, vỏ chai thuốc, bao thức ăn chăn nuôi, phủ mờ bờ kênh. Nguồn nước trong hồ đành thải trực tiếp ra biển nên môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Diện tích nuôi tôm  theo đó ngày càng "teo tóp" dần.

*Phớt lờ hướng dẫn kỹ thuật     

Theo lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ngãi một năm chỉ nuôi tôm hai vụ. Đối với con tôm nuôi vùng triều là 60 con/m2; tôm trên cát 120 con/m2. Kỹ thuật nuôi này năm nào Sở NN&PTNT cũng triển khai khuyến cáo. Nhưng, người nuôi tôm hầu như phớt lờ lịch thời vụ. Không phải bây giờ, mà ngay những năm trước đây khi con tôm sống "mạnh khỏe" trên vùng cát lẫn vùng triều. Vì "hám lợi" mà người nuôi đã thâm canh gối vụ liên tục. Hồ hôm trước thu hoạch thì vài ngày sau đã thả con tôm giống. Một năm không biết bao nhiêu vụ.

Ông Bùi Nga thôn Thu Xà xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), kể: "Ngày đó, tôi có gần 10.000m2 thả nuôi 70 vạn con. Sau 3 tháng chăm sóc thế nào cũng lấy được 6 - 7 tấn tôm. Thấy có lợi nên trên diện tích này phân ra làm nhiều hồ nhỏ. Hai hồ chính để nuôi. Hai hồ phụ ươm giống. Khi hồ chính thu hoạch thì hồ ươm con giống đã được tháng tuổi. Bắt thả qua hồ chính, chỉ cần nuôi hai tháng nữa là tôm lớn 100 con/kg thì xuất hồ".

Nuôi theo cách gối vụ của ông Nga, một năm thả nuôi từ 4 hoặc 5 đợt. Rồi nuôi mật độ dày nên việc xử lý môi trường không đảm bảo. Cộng vào đó con giống mua trôi nổi không đạt chất lượng nên sau một thời gian tôm bị bệnh đỏ râu, đốm trắng… chết hàng loạt.

Không chịu "chào thua", sau khi tôm chết ông Nga tiếp tục cải tạo hồ nuôi hòng kiếm lại vốn. Vì nôn nóng, ông Nga đổ liên tiếp tiền của, công sức xuống hồ mà không có ngày thu.

Bây giờ về thôn Thu Xà xã Nghĩa Hòa, đi từ đầu làng đến cuối xóm đâu đâu cũng nghe bà con lắc đầu khi hỏi chuyện con tôm. Nhiều người cho rằng: "Cứ 5 - 10 hôm là nghe ông này ông kia kêu nhân công cải tạo hồ mãi mà không nghe thu hoạch". Con tôm chết mãi đã kéo ông Lê Hiệp, Phạm Phú Tý, Võ Thanh Sơn, Lê Thanh Biền trong thôn... người bán đất, bán nhà, người nợ ngân hàng hàng trăm triệu đồng, người tha phương mưu sinh. Đây cũng là thực trạng chung của những người nuôi tôm trong tỉnh khoảng 4-5 năm trở lại đây. Hết sức, hết của dồn cho con tôm, bây giờ về các cánh đồng tôm trong tỉnh nơi nào cũng vắng hoe, mặc dù, lịch thời vụ thả nuôi tôm đợt 1 đã qua hai tháng.

Ông Phan Huy Hoàng- PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Trước khi vào vụ nuôi tôm năm nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có khuyến cáo và chỉ đạo  đối với người nuôi tôm chú ý khâu chuẩn bị và cải tạo ao hồ, phải thực hiện theo đúng quy trình nuôi tôm, lịch thời vụ. Nguồn giống khi thả nuôi phải qua kiểm dịch.

Sự khuyến cáo của ngành nông nghiệp năm nào cũng có trong lịch thời vụ, nhưng nó chỉ dừng lại ở trên giấy. Bởi, người nuôi tôm thiếu thốn từ nhiều phía, không có máy kiểm dịch, không có hệ thống xử lý nguồn nước ở đồng tôm... Cách nuôi của bà con hiện nay chỉ theo kinh nghiệm, mặc dù tỉnh đã tốn hàng tỷ đồng cho những dự án vùng nuôi tôm trong tỉnh hơn 15 năm qua theo chiến lược nuôi tôm ở Quảng Ngãi.


Bài, ảnh: MAI HẠ
(còn nữa)  
 


.