Người cao tuổi chung sức xây dựng nông thôn mới

06:05, 14/05/2012
.

(QNg)- Không chỉ tiên phong hiến đất vườn, đất ruộng mà người cao tuổi (NCT) còn tích cực vận động gia đình, con cháu đóng góp sức người, sức của để cùng với chính quyền sớm thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương mình.  

TIN LIÊN QUAN


"Nhà nước và xã hội luôn quan tâm, chăm sóc sức khỏe, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người già chúng tôi. Vậy nên, mình cũng phải làm điều gì đó để đáp lại tấm chân tình ấy chứ", cụ Huỳnh Ái ở thôn An Ba, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) lý giải vì sao ông tự nguyện phá tường rào, hiến đất cho việc mở rộng đường giao thông của thôn.

*Vui mở đường

Khi mặt trời còn ngái ngủ, con đường quê ở thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) chưa kịp tỉnh giấc thì đã bị đánh thức bởi tiếng gọi nhau í ới, tiếng nói cười râm ran của các cụ ông, cụ bà. Nếu không nhìn thấy những cây cuốc nằm chễm chệ trên vai, chắc tôi vẫn đinh ninh rằng họ đang rủ nhau đến sân tập dưỡng sinh như thường ngày. "Các bác đi sớm thế ạ. Kiểu này chắc phải làm thêm nhiều tuyến đường nữa, để "đội già" mình có cơ hội… tập thể dục", tiếng cười giòn vang lên sau câu nói đùa của trưởng thôn Cao Văn Tình. Và chẳng mấy chốc, con đường nhỏ bỗng trở nên chật hẹp khi hàng trăm người dân trong thôn lần lượt rời nhà, nối gót theo chân các cụ thẳng tiến ra cánh đồng vừa gặt xong vụ lúa để đắp đất, mở rộng đường.

degf
 Sau khi vận động con cháu hiến đất, người cao tuổi thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) trực tiếp đắp đất để nâng cấp và mở rộng đường giao thông nội đồng.          


 "Ngày xưa mình làm ruộng nhờ "tay người, trâu kéo" nên đường sá rộng, hẹp gì cũng được. Nhưng giờ có máy móc rồi, nếu cứ dùng đường nhỏ thế này thì chỉ tự rước khổ vào mình thôi", ông Cao Văn Chúng, hội viên Hội NCT thôn Xuân Đình vừa nói dứt câu, đã nhận một tràng pháo tay tán thưởng của các lao động… già! Cứ thế, tiếng nói cười và luận bàn rôm rả làm sôi động cả một vùng quê. Nhìn họ hăng hái, phấn khởi với công trình của mình, tôi hiểu vì sao con đường dài 947m, rộng chưa tới 2,5m nhưng chỉ qua 1 lần họp dân, nó liền được phép rộng lên 4,5 m, bởi có tới 1.415m2 đất ruộng được hiến. Thậm chí có người sẵn sàng hiến 102m2 đất để "tháo eo" cho đường, cốt sao nó to hơn, đẹp hơn.

Nếu như Xuân Đình khởi đầu phong trào hiến đất ruộng để kiên cố hóa giao thông nội đồng, thì người dân thôn An Ba, xã Hành Thịnh cũng chẳng thua kém khi hiến 1.907m2 đất vườn và đất ở để hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng (từ 3m lên 4,5 - 5m) cho 3 tuyến đường có chiều dài 2.275m. Nhìn 2m đất vườn cùng tường rào, cổng ngõ (tổng diện tích hơn 50 m2) kiên cố bị phá dỡ để nhường cho con đường lớn chạy qua, ông Huỳnh Ái không những không buồn mà còn vui đến lạ. Bởi từ nay, ông không còn phải khắc khoải với câu hỏi: "Sao đường làng mình nhỏ và tối thế" của đứa cháu ngoại.

* Nông thôn mới - quà "để đời" cho con cháu

Đó là câu khẳng định mà ông Lê Minh Tâm (93 tuổi) ở KDC số 9, thôn 2, xã Đức Tân (Mộ Đức) thường nói với con cháu và bà con, mỗi khi vận động họ đóng góp công sức, tiền của cho chương trình có ý nghĩa thiết thực này. Để rồi, người dân nơi đây vẫn còn nhớ mãi hành động hơi "ngông" nhưng khá đẹp của ông. Chuyện là khi địa phương triển khai thực hiện việc nâng cấp và mở rộng đường giao thông.

NCT tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo và làm giàu cho gia đình, xã hội.
NCT tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo và làm giàu cho gia đình, xã hội.


Tuy nhận được sự đồng thuận của người dân, nhưng cũng có không ít người đòi hỏi phải được bồi thường tường rào cổng ngõ, đất đai. Nhiều lần thuyết phục không xong, ông về nhà suy nghĩ rồi… phá dỡ dãy tường rào kiên cố trị giá vài chục triệu đồng, chặt bỏ hàng cau cùng cây ăn quả xanh tốt trước sân! Thấy thế, hàng xóm láng giềng xúm lại hỏi xem ông có bị…ma ám không! Ông chỉ trả lời ngắn gọn: "Nếu làm gì cũng đòi tiền Nhà nước thì đến bao giờ, con cháu mình mới thôi đi trên con đường nhỏ, bùn lầy để đến lớp?". Cảm kích trước tấm lòng của ông, bà con KDC số 2 không ai bảo ai, tự nguyện dọn dẹp để có đất "sạch" phục vụ việc làm đường mà không đòi hỏi quyền lợi như trước.

Không riêng gì Hành Thịnh, Đức Tân mà NCT ở các địa phương như: Nghĩa Kỳ, Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), Hành Thiện (Nghĩa Hành), Tịnh Giang (Sơn Tịnh)... cũng tích cực tham gia và tuyên truyền gia đình, người dân hưởng ứng phong trào xây dựng NTM. Thậm chí nhiều nơi, NCT còn là lực lượng nòng cốt trong việc vận động người dân đóng góp kinh phí, hiến đất làm đường hay bảo vệ môi trường, an ninh trật tự ở địa phương.

Tỉnh ta hiện có hơn 140 nghìn NCT, trong đó số người còn khả năng lao động, sản xuất chiếm đến gần 50%. Do đó, để phát huy vai trò NCT trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Ban đại diện Hội NCT tỉnh đã kí kết chương trình phối hợp hành động với Sở NN&PTNT, giai đoạn 2011 - 2015. Trên cơ sở nội dung 19 tiêu chí, hai bên đã thỏa thuận hợp tác trong việc tuyên truyền rộng rãi về nội dung Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM; khuyến khích và tạo điều kiện để các cấp Hội NCT trong tỉnh tham gia xây dựng NTM tùy theo điều kiện và khả năng của mình. Trong đó, Hội NCT ở cấp cơ sở tập trung vào việc triển khai và quản lý trực tiếp các hoạt động xây dựng NTM, nhất là các tiêu chí về y tế, văn hóa, môi trường và an ninh trật tự, góp phần hoàn thành sớm Chương trình xây dựng NTM ở các địa phương.


Bài, ảnh: Mỹ Hoa
 


.