Dấu ấn một chương trình

10:05, 16/05/2012
.

(QNg)- Đó là Chương trình ISP do Chính phủ Úc tài trợ nguồn kinh phí để hỗ trợ kỹ thuật cho Chương trình 135 thực hiện các hợp phần giao thông, thủy lợi, nuôi trồng cây con giống... và xây dựng các công trình vừa và nhỏ ở các huyện miền núi Quảng Ngãi. Qua 4 năm triển khai thực hiện đến nay, chương trình ISP đã kết thúc, để lại nhiều niềm vui cho đồng bào nghèo vùng hưởng lợi.  

TIN LIÊN QUAN


Sau 4 năm (2008 - 2011) triển khai, Chương trình ISP đã đầu tư 109 tỷ đồng để xây dựng các hợp phần phát triển sản xuất, hạ tầng cơ sở, nâng cao năng lực và lập kế hoạch, quản lý. Trong đó, có 157 công trình cơ sở hạ tầng đã được xây dựng tại 6 huyện miền núi (tỷ lệ hộ hưởng lợi sử dụng nước sạch từ các hệ thống cung cấp nước tăng từ 47- 67%); có 46/46 xã đã triển khai công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho các nhóm hộ gia đình và phụ nữ nghèo trong việc phát triển sản xuất, khoảng 85% hộ gia đình đã áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất...

Công trình kênh mương Suối Na ở xã Ba Ngạc được chương trình ISP hỗ trợ đã phát huy tác dụng.
Công trình kênh mương Suối Na ở xã Ba Ngạc được chương trình ISP hỗ trợ đã phát huy tác dụng.


Trong các hợp phần từ Chương trình ISP mang lại hiệu quả thì hợp phần về xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông, nước sinh hoạt... được bà con đánh giá cao. Anh Phạm Văn Địa xã Ba Ngạc (Ba Tơ)  cho biết: "Nhờ công trình kênh Suối Na mà vụ sản xuất đông xuân vừa qua lúa đạt năng suất cao. Ngày trước, ruộng này chỉ làm một vụ hưởng nước trời nên cái ăn luôn bấp bênh. Giờ, nhờ có đập, có kênh đưa nước về đồng, bà con chỉ việc áp dụng kỹ thuật, bón phân đầy đủ là có lúa đủ ăn quanh năm". Công trình kênh mương Suối Na, xã Ba Ngạc được Chương trình ISP xây dựng hoàn thành trong năm 2010, với nguồn kinh phí hơn 750 triệu đồng.

Bên cạnh những công trình thủy lợi, thì công trình nước sinh hoạt cũng phát huy hiệu quả, giúp hàng vạn đồng bào có được nguồn nước sạch sử dụng, hạn chế bệnh tật. Những công trình giao thông nông thôn đã giúp bà con thuận tiện trong việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu keo tại chỗ, tăng thu nhập. Những công trình Nhà văn hóa đã tạo cho bà con có nơi để sinh hoạt, tham dự các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thường xuyên.

Ngoài các công trình cơ sở hạ tầng mang lại cuộc sống ấm no cho bà con và làm thay đổi diện mạo những vùng quê nghèo miền núi thì mô hình nhóm hộ nuôi bò, heo theo hướng thị trường, đã nâng cao sự hiểu biết và định hướng cho bà con trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi. Hiệu quả mang lại rõ nét nhất là ở các xã Long Sơn (Minh Long); Ba Ngạc (Ba Tơ); Sơn Giang (Sơn Hà). Nếu như xã Ba Ngạc nhóm hộ gia đình chia sẻ với nhau kỹ thuật sử dụng máy gặt, máy cắt lúa, thì ở Long Sơn, nhóm hộ nuôi bò đã thông tin cho nhau về giá cả thị trường giúp bà con bán gia súc, gia cầm đúng giá thị trường, không bị tư thương chèn ép...

Sau khi triển khai các hợp phần hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện các hạng mục của Chương trình 135 đầu tư thành công, năm 2010, Chương trình ISP tiếp tục triển khai thí điểm mô hình trọn gói ở 4 xã miền núi. Mỗi xã Chương trình giao 75 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, Chương trình đã tập huấn cho xã cách tự chủ nguồn vốn để chọn danh mục, đấu thầu đến xây dựng, duy tu bảo dưỡng công trình; hay như hỗ trợ hạng mục chăn nuôi thì phải đầu tư con giống đến việc hỗ trợ kỹ thuật nuôi và tìm hướng đầu ra sản phẩm cho bà con... Cách làm này đã được các xã điểm tiếp thu nhanh chóng. Năm 2011, Chương trình tiếp tục triển khai ở 6 xã miền núi. Đến nay, 100% xã được giao làm chủ đầu tư các hoạt động đầu tư của Chương trình ISP đạt hiệu quả cao.


Bài, ảnh: MAI HẠ  
 


.