Việt Nam sẽ giảm xuất khẩu khoáng sản thô

03:04, 10/04/2012
.

Việt Nam có lợi thế về tài nguyên, khoáng sản nhưng cần tăng sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao để tăng giá trị xuất khẩu.

Vụ Xuất - Nhập khẩu, Bộ Công Thương vừa cho biết, để hoạt động XNK hàng hóa có hiệu quả cao, cần bám sát quan điểm: Phát triển sản xuất để tăng nhanh xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu trong nước. Đồng thời, xây dựng, củng cố các đối tác hợp tác chiến lược để phát triển thị trường; kết hợp hài hòa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của quốc gia, lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị- đối ngoại, chủ động và độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế; Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu.

Theo ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất - Nhập khẩu, thực hiện quan điểm trên, chiến lược xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa thời kỳ 2011-2020 của Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng gấp 3 lần năm 2010, bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD và cân bằng cán cân thương mại.
 

Ngành dầu khí Việt Nam là một trong các ngành đang xuất khẩu nhiều sản phẩm thô
Ngành dầu khí Việt Nam là một trong các ngành đang xuất khẩu nhiều sản phẩm thô


Trên cơ sở đó, mục tiêu cụ thể sẽ là: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng trong xuất khẩu hàng hóa bình quân 11-12%/năm trong thời kỳ 2011-2020; sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu; giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020.

Riêng về phát triển ngành hàng, Vụ XNK cho biết, Bộ Công Thương sẽ xây dựng lộ trình giảm dần xuất khẩu khoáng sản thô, đầu tư công nghệ để tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng các cơ hội thuận lợi về giá cả để tăng giá trị xuất khẩu.

Đối với nhóm hàng mới (nằm trong nhóm hàng hóa khác), sẽ rà soát các mặt hàng có kim ngạch hiện nay còn thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao để có chính sách khuyến khích phát triển, tạo sự đột phá trong xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hoạt động nhập khẩu sẽ được điều chỉnh theo hướng phát triển sản xuất nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ các ngành hàng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, cải thiện thâm hụt thương mại với các thị trường mà Việt Nam đang nhập siêu.

Vụ Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá: Sau 10 năm, từ 2001-2010, mặc dù xuất khẩu hàng hóa trung bình cả giai đoạn đạt 17,42%/năm, vượt 1,42% so với chỉ tiêu đặt ra (16%/năm). Tuy nhiên giai đoạn này, Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu, với kim ngạch là 62 tỷ USD, chiếm 15,86% so với xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đến nay Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Chile. Việt Nam cũng đã ký kết hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với Nhật Bản, đang đàm phán FTA Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chuẩn bị khởi động đàm phán FTA với EU.


Sự hội nhập này, ông Biên cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, nó cũng sẽ gia tăng áp lực cho hoạt động XNK của Việt Nam. Do đó, mỗi ngành hàng phải chủ động tìm ra những giải pháp thích hợp để phát huy và tăng giá trị xuất khẩu các nhóm hàng hóa vốn là lợi thế, đồng thời phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến để tăng giá trị hàng hóa, phải giảm xuất sản phẩm thô, chủ động nguồn nguyên, nhiên liệu để giảm nhập siêu.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, cho rằng, một số thị trường cần đặc biệt quan tâm khai thác là Ấn Độ, Hàn Quốc... nhưng cũng phải đặc biệt chú ý những thay đổi chính sách của Trung Quốc để tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường rộng lớn, giáp biên giới với Việt Nam. Trong đó, phải chú ý tăng giá trị và khối lượng xuất khẩu đối với  nhóm hàng nông, thủy sản, tổ chức lại việc buôn bán biên giới với Trung Quốc để tránh bị ép giá..../.

 

Theo VOV


.