Đắng lòng đất "chết"

02:04, 10/04/2012
.
 

(QNg)- Trong khi nông dân đang "khát" đất để canh tác thì gần hai chục ha đất bồi, đất ven sườn đồi lại bị bỏ hoang phí trong sự nuối tiếc của người dân và chính quyền địa phương.
TIN LIÊN QUAN


Thông thường, sau khi trồng khoảng 1,5 - 2 năm thì điều ghép sẽ ra hoa và đậu quả thế nhưng đã 10 năm từ khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh (chủ đầu tư) triển khai Dự án trồng thử nghiệm giống điều ghép DH 66 và DH 67, thì đến nay gần chục ha điều của HTX Hành Nhân (Nghĩa Hành) vẫn chỉ có hoa mà chẳng đậu quả!.

*10 năm chăm điều… lép!

Vào những năm 2000, giống điều truyền thống dần bị thoái hóa, năng suất sụt giảm nên nông dân xã Hành Nhân phấn khởi khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh (TT) hỗ trợ loại điều ghép để thay thế. Được hứa hẹn là giống điều cho năng suất cao nên số người tham gia dự án khá đông với diện tích lên đến vài chục ha, trong đó HTX Hành Nhân 10 ha, còn lại là của các hộ dân.
 
Tuy nhiên, dù đã tuân thủ kỹ thuật trồng, cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nhưng 10 năm trôi qua, điều ghép chỉ… ra hoa mà chẳng có quả nào. "Điều này khiến người dân rất bức xúc. Bởi lẽ, trước khi triển khai trồng điều ghép, cán bộ TT xác nhận đây là giống điều nhanh cho thu hoạch, năng suất cao. Nhưng kết quả là chẳng có gì sau ngần ấy năm", ông Nguyễn Văn Đóa - chủ nhiệm HTX Hành Nhân cho biết.
 
Đã được gần 10 năm tuổi nhưng 10 ha điều ghép của HTX Hành Nhân cũng chỉ ra hoa mà không cho quả.
Đã được gần 10 năm tuổi nhưng 10 ha điều ghép của HTX Hành Nhân cũng chỉ ra hoa mà không cho quả.

Còn ông Đinh Công Bình ở thôn Nghĩa Lâm, xã Hành Nhân cũng không giấu được bức xúc, khi suốt 10 năm qua ông chăm sóc điều mà chẳng thu được một chút lợi tức nào. Số là để kiếm thêm thu nhập, gia đình ông đã đặt cược 3 triệu đồng để nhận chăm sóc 5 ha điều của HTX Hành Nhân (ông được hưởng 20% lợi nhuận sau thu hoạch). 1 năm, 2 năm rồi 10 năm trôi qua, niềm hy vọng của ông dần bị dập tắt khi đúng mùa, cây điều cũng nở rộ hoa rồi… rụng, chứ tuyệt nhiên không đậu quảït! "Có thể do cách chăm sóc chưa phù hợp?", tôi hỏi.
 
Ông Bình bảo rằng trước khi trồng, cán bộ TT đã kiểm tra và khẳng định đất ở đây tơi, xốp nên rất hợp với cây điều ghép. Còn 5 ha điều mà ông nhận chăm sóc "mẫu" nên được Trạm Khuyến nông và Trạm Bảo vệ thực vật huyện thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật nhưng không phát hiện có sâu bệnh hay điều gì bất thường. "Vì thế, không thể đổ lỗi cho cách chăm sóc mà phải chăng là chất lượng giống có vấn đề", ông Bình khẳng định.    

Không riêng gì ông Bình mà nhiều nông dân tham gia Dự án trồng điều từ năm 2002 đến 2004 đều chịu chung cảnh mất trắng. Vì thế, nhiều hộ đã tự chặt phá cây điều để trồng keo, mì hay các loại cây trồng khác. Còn 10 ha điều của HTX Hành Nhân thì vẫn tươi tốt và ra… hoa đều đặn, do được ông Bình và một số xã viên chăm sóc trong thời gian đợi chủ trương cho thanh lý. "Đất chung, lại có ký hợp đồng với chủ đầu tư nên chúng tôi không thể tự ý phá. Dù đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng xin được khai thác điều, giao đất cho xã viên chuyển đổi các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng đến nay vẫn rơi vào im lặng", ông Đóa cho hay.  

*Đất "chết" đến bao giờ?

Ngoài 10 ha đất của HTX Hành Nhân bị hoang phí do cây điều "lép" chiếm chỗ, thì 10 ha đất bồi ở xã Bình Dương (Bình Sơn) cũng chịu chung số phận vì cây xoan Ấn Độ. Chỉ khác là trong khi cây điều không cho hạt nhưng vẫn sống… tốt, thì cây xoan lại đang khô héo, chết dần chết mòn. Theo ông Võ Tấn Đại - chủ nhiệm HTX Bình Dương thì rừng xoan này là "sản phẩm" của Trung tâm Kỹ thuật nông lâm nghiệp tỉnh, được trồng từ năm 1999 với mục đích là lấy lá sản xuất dược liệu.

Từ khi trồng đến nay đã 12 năm nhưng chẳng có đơn vị nào đến thu gom lá, mà chủ đầu tư cũng chẳng có hướng giải quyết để trả lại đất sản xuất cho HTX Bình Dương, mặc dù hợp đồng thuê đất đã hết hạn từ năm 2009!. "Nhìn đất "vàng" đang "chết" dần mà xót. Tuy chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các cấp cho thanh lý rừng xoan, nhưng đến nay các đơn vị liên quan vẫn chỉ… hứa", ông Đại ngán ngẩm cho hay.


Nếu như 10 ha đất bồi ven sông ở xã Bình Dương đang chờ… chết, thì 10 ha điều "lép" ở xã Hành Nhân lại chờ… dự án để được tận dụng! Ông Lê Văn Phàn - Chủ tịch UBND xã Hành Nhân cho rằng: Tuy điều "lép" nhưng cây tốt, vườn đẹp nên địa phương xin cấp trên cho phép quy hoạch 10 ha điều này thuộc Khu du lịch sinh thái Nước Nóng (KDL) có tổng diện tích 64 ha. Tuy nhiên, khi được hỏi đến bao giờ KDL khởi động thì ông Phàn bảo rằng phải đợi, vì các nhà đầu tư đang trong giai đoạn thăm dò!

Tại buổi họp báo quý I/2012 mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích đã yêu cầu Sở NN&PTNT phải phối hợp với các Sở, ngành liên quan cần làm rõ nguyên nhân vì sao phải khai thác "trắng" rừng xoan ở xã Bình Dương. Đồng thời sớm có hướng giải quyết dứt điểm tình trạng này, trả lại đất cho HTX Bình Dương sản xuất.

Tuy nhiên, điều người dân quan tâm là ngoài "giải phóng" đất, thì việc cung ứng giống điều kém chất lượng hay chậm giải quyết hậu quả khi cây trồng không mang lại hiệu quả kinh tế, gây thiệt hại nặng nề cho người dân trong suốt hàng chục năm qua của các đơn vị liên quan được xử lý thế nào?
 

Bài, ảnh: MỸ HOA
 

.