Lý Sơn: Mơ ước có nhà máy chế biến thủy sản

10:03, 23/03/2012
.

(QNg)- Mỗi năm hơn 400 tàu cá của ngư dân Lý Sơn đánh bắt được trên 31.000 tấn thủy sản các loại. Nghịch lý ở chỗ là họ phải mang lượng thủy sản này chạy ngược vô đất liền để bán vừa mất thời gian lại tốn chi phí. Nguyên nhân là tại huyện Lý Sơn lâu nay không có nơi thu mua và sơ chế thủy sản, nên phần nào kìm hãm sự phát triển kinh tế của địa phương.  

TIN LIÊN QUAN


Cầu cảng Lý Sơn và vũng neo trú tàu thuyền An Hải là nơi thu mua hải sản sầm uất nhất của huyện đảo bao lâu nay. Thế nhưng thời điểm này khung cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Hàng chục tư thương kẻ đứng, người ngồi mong ngóng chờ đợi những chiếc tàu vào đảo bán sản phẩm. May mắn lắm những người buôn bán hải sản trên đảo mới mua được vài kg cá cơm, cá nục hay đôi con mực để mang ra chợ bán. Kiểu "mua gánh bán bưng" này đã tồn tại ở đây từ khá lâu.

Người buôn bán cá ở đảo Lý Sơn phải chèo thúng đến từng tàu để thu gom cá mang ra chợ bán.
Người buôn bán cá ở đảo Lý Sơn phải chèo thúng đến từng tàu để thu gom cá mang ra chợ bán.


Ngư dân Trần Văn Ngự, xã An Hải (Lý Sơn) vừa cho tàu cập cảng Lý Sơn vừa than thở: Đi cả tuần mà đánh được vài tạ cá thì lỗ là cái chắc. Đánh được ít như chuyến này mới ghé vô đảo Lý Sơn bán chứ  đánh được 1- 2 tấn tôm, cá thì đã chạy vô cảng Sa Kỳ rồi. Ở đây có cơ sở chế biến thủy sản nào đâu mà bán. Không có cơ sở thu mua, chế biến thủy sản quy mô lớn nên mỗi khi đánh bắt trở về ngư dân huyện Lý Sơn luôn phải chạy đôn chạy đáo tìm nơi tiêu thụ sản phẩm. "Người ta biết mình lạ từ đảo chạy vô nên các đầu nậu thu mua giá thấp mình cũng phải bán. Chạy thêm 18 hải lý vừa mất thời gian, vừa mất thêm tổn phí mà còn bị ép giá. Biết vậy nhưng đành chịu", ngư dân Dương Quang Văn, xã An Vĩnh (Lý Sơn) chia sẻ.

Kinh tế biển luôn là điểm mạnh của người dân huyện đảo Lý Sơn. Thế nhưng, cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá tại đây khá lạc hậu và thiếu thốn. Sau mỗi chuyến đánh bắt trở về hầu như ngư dân Lý Sơn cho tàu chạy vào đất liền bán sản phẩm. Họa hoằn lắm có vài ba chiếc do đánh bắt được số lượng ít mới cập đảo bán cho tư thương. Trong khi đó, hàng trăm lao động địa phương sống phụ thuộc vào việc mua bán thủy sản trên đảo không có việc làm. Điều này lý giải vì sao Lý Sơn vẫn "loay hoay" với bài toán xóa đói giảm nghèo, dù có đủ tiềm năng và thế mạnh để phát triển.

Mỗi năm hơn 400 tàu cá của ngư dân Lý Sơn đánh bắt được trên 31.000 tấn thủy sản các loại. Nếu như toàn bộ lượng thủy sản này được tiêu thụ tại địa phương thì sẽ kéo theo sự phát triển của các loại hình dịch vụ như đá cây, muối, xăng, dầu… Điều này sẽ tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở trên bờ.

Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thừa nhận: Lâu nay UBND huyện đã nhìn thấy vấn đề bất cập này. Việc không có nhà máy sơ chế biến thủy sản trên đảo không chỉ gây thiệt hại cho ngư dân mà còn làm cho huyện Lý Sơn mất đi một khoản thu không nhỏ từ dịch vụ thu mua thủy sản. Nếu có cơ sở thu mua thủy sản quy mô lớn đặt ở trên đảo sẽ là động lực rất lớn để phát triển kinh tế của địa phương. "Hiện nay chúng tôi đang vận động các doanh nghiệp đầu tư một nhà máy chế biến tại vũng neo đậu tàu thuyền. Nếu doanh nghiệp không hưởng ứng thì cũng mong Nhà nước quan tâm" bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn nói.

Thực tế ngư dân Lý Sơn sẽ không thể yên tâm bám biển khi mà họ đang phải chịu "một cảnh hai quê". Xây dựng nhà máy, cơ sở sơ chế biến thủy sản trên đảo Lý Sơn sẽ giúp ngư dân tiết kiệm được nhiều chí phí, nâng cao hiệu quả đánh bắt và là lời giải cho bài toán xóa đói giảm nghèo ở đây.  


 Lê Phong

 


.