Đường bí đầu ra

10:03, 06/03/2012
.

(QNg)- Vụ mía năm nay, cả hai nhà máy của Công ty CP đường Quảng Ngãi tại Đức Phổ và An Khê  sẽ có tổng sản lượng mía khoảng 1,1 triệu tấn mía cây, trong đó Nhà máy đường An Khê khoảng 850 ngàn tấn, còn lại là Nhà máy đường Phổ Phong. Có lẽ đây là một trong những vụ mía có sản lượng cao nhất của ngành mía đường Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN

Mía nhiều, đường lắm nhưng xem ra kém vui. Vì sao? Vì hạt đường hiện bí đầu ra, gần như cùng đường. Ông Võ Thành Đàng, Tổng Giám đốc Công ty CP đường Quảng Ngãi cho biết, với giá đường 16.200đ/kg như hiện nay thì nhà máy không có lãi, đặc biệt là Nhà máy đường An Khê, công suất vừa mới nâng lên 7.000 tấn/ ngày, khấu hao chưa nhiều nên cố gắng hòa vốn là may.

Đó mới chỉ là phần "khó" của bên tiêu thụ, phía người trồng mía thì càng khó hơn. Giá mua mía năm trước là 1 triệu đồng/tấn mía có 10 chữ đường tại ruộng, năm nay vì giá đường tụt mất 2.300đ/kg (năm ngoái là 18.500đ, năm nay còn 16.200đ/kg) nên nhà máy buộc phải hạ giá thu mua xuống còn 950.000đ/tấn. Nông dân không chỉ mất 50.000đ cho mỗi tấn mía do giá đường hạ mà còn phải chi thêm tiền thuê nhân công chặt mía từ 30.000đ đến 50.000đ/tấn. Dường như chuyện trượt giá của đồng tiền và tốc độ lạm phát chóng mặt vẫn đang đứng bên lề sự thăng trầm của cây mía . Nông dân thiệt đơn thiệt kép là vậy.

Vụ mía năm nay cả nước sẽ sản xuất được 1,5 triệu tấn đường, cộng với 100.000 tấn tồn kho là thành 1,6 triệu tấn. Nhu cầu thiêu thụ trong nước chỉ 1,3 triệu, thừa 300 ngàn tấn đường. Chưa năm nào mà ngành mía đường nước ta, nguồn cung lại dồi dào như vụ mía này. Bây giờ, nhiệm vụ của ngành mía đường và các bộ liên quan là làm sao giải bài toán thừa đường thì may ra ngành đường mới có lối thoát.

Mới đây, Hiệp hội Mía đường VN đã có tờ trình gửi  Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đề nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu đường ở dạng tiểu ngạch khoảng 150.000 tấn, xuất theo đường chính ngạch là không hạn chế để giải phóng nhanh 300.000 tấn đường đang và sẽ tồn kho của vụ mía này. Giải phóng nhanh đường tồn kho lúc này, một mặt có thể giá đường sẽ nhích lên và giá mía cũng theo đó tăng lên, người trồng mía được nhờ; mặt khác, giải phóng các kho đường của các nhà máy cũng đồng nghĩa với việc tăng thêm vốn cho họ để họ có nguồn mà đầu tư cho vùng nguyên liệu của vụ mía sau.

Bài học từng phải trả giá cho các nhà máy là, nếu giá mía quá thấp, nông dân không có lời thì họ sẽ chuyển sang trồng cây khác. Tình trạng tranh giành thu mua nguyên liệu mía đã từng xảy ra tại các nhà máy đường cùng một vùng nguyên liệu ở những năm trước đây đã nói lên điều đó.

Được biết, hiện giá đường tại Trung Quốc là 7 tệ/kg (trên 20.000 VNĐ). Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho các nhà máy đường trong nước xuất khẩu ở dạng tiểu ngạch. Tuy nhiên, việc cho phép xuất khẩu đường hiện vẫn còn nằm trên bàn của các cơ quan hữu quan khiến hạt đường đang… bí đường.


 Trần Đăng
 


.