Thương phận nông dân- Kỳ 2: Nông thôn mới, làn gió mới?

03:02, 24/02/2012
.

(QNĐT)- Giá nông sản bấp bênh là một trong những nguyên nhân làm cho hàng vạn người nông dân ở huyện Đức Phổ phải ly hương để tìm kế sinh nhai. Liệu cuộc “di cư” ấy có chấm dứt khi chính quyền và người dân nơi đây đang tích cực thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới?

 

TIN LIÊN QUAN



*Những điều trăn trở

Với anh Phan Long Mươi thì hết dưa hấu rồi tới sắn, nhưng nguồn thu nhập chính của cả gia đình vẫn là quán hàng tạp hóa của vợ cùng với vài sào ruộng và những công việc khác. Sau nhiều năm quay cuồng cùng dưa và sắn, anh rút ra câu nói đậm chất triết lý: “Muôn đời, nông dân vẫn khổ ngay trên đồng ruộng của mình!”.
    

Nghề làm chổi đót ở xã Phổ Phong đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình
Nghề làm chổi đót ở xã Phổ Phong đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình


Ông Nguyễn Hữu Chước, người luôn đi tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng ở xã Phổ Nhơn bộc bạch: Cứ nghe trên báo, đài nói về hiệu quả của loại cây trồng nào đó là tui chuyển đổi ngay từ mía đến sắn rồi các loại cây hoa màu và bây giờ là chuối xen lẫn với sầu riêng nhưng vẫn không hiệu quả vì không có nơi tiêu thụ. Sản phẩm làm ra phải vượt chặng đường hơn 50km để bỏ mối tại chợ Quảng Ngãi nhưng chẳng đáng là bao nên phải chịu lỗ vốn đầu tư.

Bà Trần Thị A ở thôn An Lợi, xã Phổ Nhơn, người có thâm niên gần 20 năm thu mua hàng nông sản trên địa bàn huyện Đức Phổ cho rằng: Giá cả bấp bênh đã tác động tiêu cực đến việc sản xuất và làm cho cuộc sống cũ người nông dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy mà nhiều người phải ly hương để tìm kế sinh nhai bằng nghề bán vé số dạo, hủ tiếu gõ và nhiều công việc nặng nhọc khác, mỗi năm chỉ về quê một lần vào dịp tết.

Để nuôi 2 con ăn học, vợ của anh Nguyễn Thới Ưng là chị Nguyễn Thị Xuân Nga đã có thâm niên hơn 7 năm phụ giúp việc nhà cho những gia đình khá giả ở TP. Hồ Chí Minh. Riêng với bà Nguyễn Thi Lan, vợ ông Nguyễn Thới Long thì khoản thời gian ly hương lên đến hơn 20 năm mưu sinh tại đất Sài Thành kiếm tiền nuôi 4 người con ăn học. Cả bà Lan và chị Nga tất bật mưu sinh và mỗi năm chỉ được sum họp với gia đình trong vài ngày tết.

Ông Trần Em – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho rằng: Do chi phí sản xuất tăng cao cộng với giá cả nông sản luôn bấp bênh đã làm cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, họ không yên tâm gắn bó với ruộng đồng và đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người phải rời quê đi làm ăn xa. Ông Em còn đề nghị: Nhà nước cần có chính sách bao tiêu hàng nông sản như hỗ trợ kinh phí để doanh nghiệp thu mua giá sàn khi giá cả xuống thấp, phải đảm bảo cho nông dân lãi từ 30% trở lên; hạn chế nhập hàng nông sản để ổn định giá trong thị trường nội địa…

   

Nghề làm chổi đót ở xã Phổ Phong đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình
   Sau tết, nhiều người dân Đức Phổ bắt xe vào nam tìm kế sinh nhai

 

*Mai này hết cảnh ly hương?

Từ nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên cùng với ngân sách của địa phương, trong 3 năm qua, huyện Đức Phổ đã đầu tư trên 300 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp 5 hồ chứa nước, kiên cố hóa 30km kênh mương. Bên cạnh đó, huyện cũng đã bê tông hóa hơn 17km đường giao thông nông thôn, đầu tư nâng cấp hệ thống điện đảm bảo nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân…

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tất cả 14 xã trong huyện đã hoàn tất việc rà soát và đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí đề ra. Trong đó, có 7 xã đạt từ 5 – 7 tiêu chí như hệ thống điện, thủy lợi, trường học, bưu điện… Huyện cũng đã chọn 3 xã là Phổ Hòa, Phổ Vinh và Phổ Ninh làm điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015. Đối với 11 xã còn lại phấn đấu đến năm 2020 đạt tiêu chí xã nông thôn mới. Đức Phổ cũng đang đẩy mạnh chương trình phát triển đô thị, phấn đấu đến năm 2015 trở thành thị xã trực thuộc tỉnh với vai trò là trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội phía nam tỉnh Quảng Ngãi.

C
Bê tông hóa kênh mương để đưa nước về tưới cho ruộng đồng


Trên quê hương Đức Phổ giờ đã nhiều đổi thay so với những năm trước. Những căn nhà được xây dựng khang trang hơn, nhiều tuyến đường đã được thâm nhập nhựa và bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, những tuyến kênh mương đã được bê tông hóa đưa nước về tưới cho ruộng đồng. Nhưng vẫn còn những mảnh đời phải tha hương kiếm sống luôn dõi mắt về cố hương và mong chóng đến tết để được sum họp cùng vói gia đình…

Ông Trần Em hy vọng: Khi đạt tiêu chí xã nông thôn mới, mức thu nhập bình quân của người dân sẽ tăng gấp đôi so với hiện tại. Bên cạnh đó, khu công nghiệp Phổ Phong, các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Đồng Làng và Sa Huỳnh sẽ đi vào hoạt động giải quyết việc làm cho người lao động. Khi ấy, người nông dân sẽ yên tâm gắn bó với quê hương, ruộng đồng và vùng quê Đức Phổ cũng sẽ không còn cảnh ly hương.

Vâng! Đấy không chỉ là hy vọng của riêng ông Em, mà còn là niềm mong ước của những người dân ở vùng quê giữa rừng và biển này.

Trang Thy

 


.