Tháo "nút thắt" hạ tầng giao thông: Động lực cho sự phát triển

08:02, 24/02/2012
.

(QNg)- Hiện nay, Quảng Ngãi đang tập trung tìm nguồn vốn, cũng như cơ chế, chính sách để tháo gỡ "nút thắt" về hạ tầng giao thông. Đặc biệt, với "bài toán" phát triển Khu Kinh tế Dung Quất mở rộng và khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị VSIP đang được khởi động, việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại đang được đặt ra hết sức cấp thiết.

Hạ tầng giao thông được xác định phải đi trước một bước nhằm tạo động lực cho sự phát triển của kinh tế địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 11 nên nguồn vốn đầu tư phát triển nói chung và cho hạ tầng giao thông nói riêng bị hạn chế.

NỖ LỰC TRONG CÁI KHÓ:

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo tỉnh đã đồng ý ứng vốn từ ngân sách tỉnh để cùng với Quảng Nam đầu tư hệ thống đèn tín hiệu của sân bay Chu Lai (dự toán trên 30 tỷ đồng) để trong thời gian đến sân bay này có thể tiếp nhận những máy bay lớn hơn, như Airbus. Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất bố trí đầu tư nâng cấp tuyến phía Nam từ sân bay Chu Lai đi Dốc Sỏi rút ngắn khoảng cách hơn 10 km so với hiện nay. Những dự án này được "ưu tiên làm trước" nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến Quảng Ngãi.

Hạ tầng giao thông phải đi trước một bước phục vụ cho sự phát triển KT-XH.
Hạ tầng giao thông phải đi trước một bước phục vụ cho sự phát triển KT-XH.


Với dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, sau khi tiếp nhận nhiệm vụ bồi thường, GPMB được Bộ GTVT giao, tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành cơ bản công tác quy hoạch lập thiết kế bản vẽ thi công-dự toán 17 khu tái định cư, lập phương án bồi thường. Tỉnh đã giải ngân 33/60,3 tỷ đồng của giá trị phương án bồi thường được duyệt trong năm 2011 (đạt 100% kế hoạch giao, trong đó đền bù trực tiếp cho các hộ dân là 30 tỷ đồng). Quảng Ngãi cam kết, nếu được Bộ GTVT sớm bố trí vốn để chi trả bồi thường và xây dựng các khu tái định cư thì tỉnh sẽ giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư dự án theo đúng tiến độ yêu cầu.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ GTVT xin làm điểm việc mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn qua Quảng Ngãi dài 98 km (Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chung đến 2015, ngành giao thông vận tải phải hoàn thành xây dựng Quốc lộ 1A với 4 làn xe ô tô và 2 làn xe gắn máy). Dù công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn còn không ít khó khăn, song lãnh đạo tỉnh cam kết với Bộ sẽ chỉ đạo làm tốt công tác này để hoàn thành mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A trước cái đích chung của cả nước.

CẦN SỨC BẬT TỪ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH:

Theo Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi Đặng Văn Minh thì, trong những năm qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, đặc biệt là Bộ GTVT, mạng lưới giao thông của tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp, cải tạo, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội. Một số dự án lớn do Bộ GTVT đầu tư đang tích cực triển khai như dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24 đoạn Thạch Trụ-Phổ Phong, dự án ODA, tiểu dự án giải phóng mặt bằng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi... Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều yếu kém, khả năng chịu tải thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đặc biệt, theo quy hoạch mở rộng Khu Kinh tế Dung Quất từ 10,3 nghìn ha lên hơn 45 nghìn ha, thì Quảng Ngãi đang cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư.

Do vậy, thời gian đến, Quảng Ngãi đề xuất những dự án do Bộ GTVT đầu tư trên địa bàn tỉnh, Bộ cần tập trung chỉ đạo hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đối với các dự án do tỉnh đầu tư, Quảng Ngãi sẽ tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thành các dự án đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh (đoạn Dung Quất-Trà Khúc), đường Sông Trường-Trà Bồng-Bình Long, đường tỉnh ĐT 623, cảng Sa Kỳ (Sơn Tịnh), Bến Đình (Lý Sơn)... Bên cạnh đó, Quảng Ngãi sẽ nghiên cứu cơ chế huy động vốn từ các doanh nghiệp, vốn ODA và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng đường Tịnh Phong-cảng Dung Quất II, đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh (đoạn Trà Khúc-Sa Huỳnh), cầu Cửa Đại, đường bờ Nam sông Trà Khúc, các tuyến đường giao thông đô thị của thành phố Quảng Ngãi...

Để Sở GTVT thi công hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24 (km0-km8) chậm nhất vào cuối năm 2013, tỉnh đã kiến nghị Bộ GTVT, bố trí đủ vốn Trái phiếu Chính phủ (tổng kinh phí 300 tỷ đồng), đồng thời cho phép lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công-dự toán đoạn km8-km69, trước mắt cho thực hiện đầu tư đoạn km8-km32 để mở hướng liên kết phát triển với vùng bắc Tây Nguyên và cả vùng Nam Lào.

Đối với hạ tầng Khu Kinh tế Dung Quất, mới đây trong chuyến làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, ông Phạm Như Sô-Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng BQL KKT Dung Quất cho hay, cảng Dung Quất II là dự án mang tính chất quyết định trong việc đầu tư, mở rộng và thu hút đầu tư vào KKT trong thời gian đến. Trong những năm qua, Dung Quất luôn chiếm trên 70% GDP, trên 80% ngân sách của Quảng Ngãi nên Dung Quất mở rộng yêu cầu sự đầu tư đúng tầm. Do vậy, Quảng Ngãi đã đề xuất Trung ương cần có cơ chế đặc thù để Dung Quất có vốn đầu tư phát triển.

 

Trước hết, Dung Quất phải được đầu tư hạ tầng khung, tạo động lực cho sự phát triển của KKT. Cụ thể là, xem xét cho đầu tư xây dựng dự án đê chắn sóng cảng Dung Quất II; xem xét, giới thiệu nhà đầu tư thực hiện các dự án trong khu vực cảng Dung Quất 2 theo hình thức BOT. Bên cạnh đó cần bố trí nguồn vốn Trung ương để tỉnh Quảng Ngãi đầu tư xây dựng đường Trì Bình-Dung Quất, đường Tịnh Phong-cảng Dung Quất theo hình thức BT, cũng như tìm nguồn để xây đường nối Dung Quất I với Dung Quất II...

 Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, hiện nay nền kinh tế gặp khó khăn chung và thực hiện Nghị quyết 11 nên nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông hạn chế. Khó khăn là thế nhưng đòi hỏi phải có phương án giải quyết. Quảng Ngãi cần căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, và mới nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, thực hiện rà soát, điều chỉnh danh mục dự án đầu tư phù hợp, cái nào ưu tiên trước, cái nào làm sau, nhưng làm sao giao thông phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông ở KKT Dung Quất, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi cần tính toán kỹ để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đặc thù đầu tư cho tỉnh, vì Quảng Ngãi thuộc nhóm tỉnh, thành có số thu ngân sách cao nhưng hạ tầng vẫn còn nhiều hạn chế, số hộ nghèo vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn.        

           
Hoàng Triều
 
 


.