Phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh

08:02, 17/02/2012
.

Đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau; có tổng chiều dài 3.183 km (trong đó tuyến chính dài khoảng 2.499 km, tuyến phía Tây dài khoảng 684 km).

Ngày 15/2, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 194/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh với tổng chiều dài 3.183 km đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố.

Đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau; có tổng chiều dài 3.183 km (trong đó tuyến chính dài khoảng 2.499 km, tuyến phía Tây dài khoảng 684 km).

Về hướng tuyến trong quy hoạch chi tiết cơ bản thực hiện như hướng tuyến và các điểm khống chế đã được phê duyệt tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 15/2/2007. Tuy nhiên, để phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt của Bộ, ngành và địa phương cũng như các dự án đã, đang và sẽ triển khai, trong quy hoạch chi tiết điều chỉnh lại hướng tuyến và điểm khống chế chủ yếu tại một số đoạn để đáp ứng được nhu cầu vận tải và tình hình phát triển kinh tế-xã hội.

Cụ thể, đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pác Bó, tỉnh Cao Bằng và điểm cuối tại Đất Mũi, tỉnh Cà Mau.

Về các điểm khống chế chủ yếu, tuyến chính qua các điểm: Pác Bó, thị xã Cao Bằng, thị xã Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Chu, đèo Muồng, ngã ba Trung Sơn, ngã ba Phú Thịnh, cầu Bình Ca (sông Lô)...

Nhánh phía Tây qua các điểm: Khe Cò, Phố Châu, Tân Ấp, Khe Ve, đèo Đá Đẽo, Khe Gát, Đèo U Bò... Hiện nay nhánh phía Tây đã được xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch.

Theo kế hoạch, giai đoạn 1 (từ năm 2000-2007), đã đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe bao gồm cả kiên cố hóa và chống sạt lở đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) và đưa vào khai thác sử dụng toàn bộ từ năm 2008.

Giai đoạn 2 (từ năm 2007-2015), đầu tư nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe, trong đó cơ bản hoàn thành vào năm 2015, một số cầu lớn hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020.

Giai đoạn 3, từ năm 2012 đến năm 2020 sẽ đầu tư thực hiện khoảng 445 km theo tiêu chuẩn đường cao tốc gồm các đoạn: Đoan Hùng (Phú Thọ) đến Chợ Bến (Hòa Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) đến Túy Loan (Đà Nẵng), Dự án kết nối hệ thống giao thông trung tâm đồng bằng sông Mê Kông đoạn Mỹ An (Đồng Tháp) đến Rạch Sỏi (Kiên Giang). Sau năm 2020, từng bước xây dựng các đoạn tuyến cao tốc còn lại và hoàn chỉnh toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 đã được Thủ tướng phê duyệt là 13.312 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 27.708 tỷ đồng và giai đoạn 3 là 273.167 tỷ đồng không kể 23.000 tỷ đồng là tổng mức đầu tư của 133km đường Hồ Chí Minh đi trùng với các dự án khác đã được bố trí nguồn vốn và đang được triển khai./.
 

Theo TCTG


.