Diêm dân Sa Huỳnh: "Gồng mình" khi muối ế!

09:02, 18/02/2012
.

(QNg)- Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn dài ngày, tuy giá muối cao nhưng nhiều diêm dân vẫn không bán được. Muối "đắp mền" trên đồng, diêm dân phải "gồng mình" tìm kế mưu sinh.  
 

TIN LIÊN QUAN


Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn từ đời mình mưu sinh trên từng ô ruộng muối, diêm dân Sa Huỳnh (Đức Phổ) đã cho con ăn học để thoát khỏi cảnh  đời "muối mặn, đồng chua". Không bán được muối, diêm dân phải chạy vạy kiếm tiền cho con đến trường.

"Gồng mình" cho con đến trường     

Năm nay, Bộ Giáo dục có chủ trương cho học sinh, sinh viên nghỉ tết dài ngày, nên sinh viên các trường vừa mới trở lại trường học. Chúng tôi có mặt tại làng diêm dân thuộc thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh trong lúc các học sinh, sinh viên lo hành trang trở lại trường. Ngoài bánh mứt, gạo, thức ăn mang theo, 3 người con của anh Lê Văn Diệt đã "ẵm" trọn gần 3 triệu đồng của bố mẹ để đến trường. "Tiền đó, vay mượn bà con chứ làm gì có sẵn trong nhà", anh Lê Văn Diệt, chia sẻ.

Chị Tâm vợ anh Diệt giải thích: "Trước Tết vừa vét hết tiền lo cho bọn nhỏ đi tàu xe trở về nhà nghỉ Tết. Rồi, lo cúng tổ tiên ông bà, vui xuân mấy ngày Tết. Nay chúng trở lại trường lo đóng tiền nhà trọ, tiền ăn học, tiền học phí... đủ thứ khoản. Số tiền lớn quá mà muối thì chưa bán được nên đành phải mượn thêm hai triệu đồng từ bà con lối xóm để cho bọn trẻ trở lại trường. Khi nào bán được muối thì trả nợ cho bà con".

Nghề làm muối chẳng đủ sinh sống, vợ chồng anh Diệt phải mưu sinh bằng nhiều cách, nhưng vẫn không cải thiện được cuộc sống của mình. Thời điểm giáp vụ, đồng tiền càng eo hẹp hơn, vợ chồng anh chị phải nhờ vào tấm lòng của bà con lối xóm cho vay mượn tiền để đắp đổi. Cứ vay trước trả sau, vì tương lai của 3 người con mà nay các con anh chị đã vào được các trường chuyên nghiệp. Người con đầu đã học đại học ngành du lịch năm nhất, Trường đại học Đà Lạt, con thứ hai học đại học năm 3 Trường đại học Văn hóa Sài Gòn và con út đang học lớp 12 Trường THPT Đức Phổ 1.

Còn chị Võ Thị Hồng thôn Long Thạnh 1 xã Phổ Thạnh, cũng có chung nguyện vọng, dù đói khổ cũng cho bọn trẻ đến trường. Bởi, chị rút kinh nghiệm từ người con đầu, từ chính cuộc đời của chị. Tuổi trẻ, vợ chồng chị sinh dày con. Đến con thứ 4 thì cái khổ đổ cả trên đầu mỗi người con. Con trai đầu anh chị đành nghỉ học phụ giúp cùng bố mẹ nên giờ tương lai thật mịt mù. Thấm thía nỗi cơ cực từ việc thiếu học nên 3 người con còn lại, chị Hồng càng cố gắng làm ăn cho chúng đến trường học chữ. Vụ muối năm qua kết thúc vào tháng 8 dương lịch. Mùa đông kéo dài, vợ chồng anh chị tận dụng cánh đồng ngập nước, ngày nào cũng chèo ghe ra đồng rải lưới. Kỳ nghỉ Tết Nhâm Thìn của gia đình chị cũng ngắn hơn mọi người. Ngay mùng 3 Tết chị đã ra đồng bắt tôm, cua. Nay, đồng muối đã tháo cạn nước để chuẩn bị cho mùa làm muối mới nhưng chị vẫn chưa bán được muối nên đành vay mượn tiền lo cho con ăn học.

Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của cha mẹ nên sau Tết Nguyên đán con em Sa Huỳnh học xa nhà trở lại trường đúng thời gian quy định. Các học sinh bậc phổ thông cơ sở cũng ý thức trở lại trường đầy đủ. Hiệu trưởng Trường THCS Phổ Thạnh Đặng Văn Nương, cho biết: Toàn trường hiện có 1.369 học sinh. Thường sau Tết là những học sinh nam bỏ học vào Nam làm ăn, đi biển hay theo nghiệp cha làm nghề muối để gánh vác nỗi lo cùng gia đình. Nhưng, năm nay con số nghỉ học ít hơn nhiều so với mọi năm. Chỉ có 3 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên phải nghỉ học. Đây là tín hiệu vui khi diêm dân và con em vùng biển Phổ Thạnh đã có ý thức học tập để thoát khỏi cảnh đời cơ cực mà cha mẹ họ gánh chịu như một định mệnh.

Muối "đắp mền"

Cái vòng luẩn quẩn vay tiền cho con đến trường rồi bán muối trả sau đã trở thành thông lệ đối với diêm dân nghèo ở xã Phổ Thạnh mỗi khi tựu trường, sau kỳ nghỉ tết. Nhất là thời điểm giáp vụ mà muối trên đồng vẫn còn "đắp mền" không bán được. Anh Lê Văn Diệt chỉ vào đống muối nằm ngăn cả lối đi, cho biết: "Bấy nhiêu cũng gần 15 tấn muối. Nếu bán được cũng đỡ phần nào...". Cuộc sống gia đình anh Diệt đều nhờ cả vào 9 ô ruộng muối, với tổng diện tích 2.500m2. Hàng năm từ diện tích này, vợ chồng anh sản xuất bình quân được 12 tấn muối.

 

Đồng muối Sa Huỳnh đã vào vụ sản xuất mới nhưng trên đồng vẫn còn chất đầy những đống muối cũ.
Đồng muối Sa Huỳnh đã vào vụ sản xuất mới nhưng trên đồng vẫn còn chất đầy những đống muối cũ.


Riêng vụ muối năm 2011, vợ chồng anh chị thu được 15 tấn. Được mùa, nhưng giá muối giữa vụ chỉ có 600 đồng/kg, nên anh chỉ bán được một nửa. Số còn lại, cộng với số muối vụ mùa năm trước, hiện anh còn tồn kho đến 15 tấn muối. Cạnh đống muối của anh Diệt là kho muối của anh Võ Tấn Nghi. Nhìn quanh có lẽ đây là đống muối to nhất đồng. Anh Diệt bảo: Mỗi năm sản xuất được 30 tấn. Muối ế, cứ tồn mãi cho đến giờ chất đống lên khoảng 50 tấn rồi. Bây giờ, vụ muối mới bắt đầu mà muối cũ chưa bán được nên chẳng có tiền để chi phí.

Ông Võ Sẵn - Chủ nhiệm HTX muối 2 thuộc thôn Tân Diêm, cho biết: Hiện ở HTX vẫn còn tồn kho 500 tấn muối. Còn theo ông Nguyễn Duy Trinh - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh thì toàn xã có hơn 116 ha ruộng muối. Hàng năm, số diện tích này diêm dân sản xuất được khoảng 8.500 tấn muối. Nhưng, hiện vẫn còn khoảng 2.000 tấn chưa tiêu thụ được. Số muối này không phải tồn trong vụ vừa qua mà có nhiều hộ tồn từ nhiều năm trước.

Làm muối đã nhọc, nhưng bán muối càng khó hơn. Giá muối năm qua có thời điểm chỉ còn 500 đồng/kg, rồi nhích lên 600 đồng/kg. Nhiều diêm dân phải gánh muối khắp nơi để đổi lúa. Đến khi, xuân về giá muối nhích lên 1.000 đồng/kg thì lượng mua có hạn. Nhiều diêm dân trong ngõ hẻm chờ đến dài cổ vẫn không có tư thương đến mua. Họ đành vay mượn tiền tiêu tết, lo cho con trở lại trường sau kỳ nghỉ tết dài ngày, lo chi phí bước vào mùa sản xuất muối mới.


                   Bài, ảnh: MAI HẠ  

 


.