Neo trú tàu thuyền ở Quảng Ngãi: Nơi đìu hiu, chỗ quá tải

03:01, 03/01/2012
.

(QNg)- Do không thể về quê để neo trú nên phần lớn tàu thuyền ở huyện Đức Phổ phải ra tránh trú tại cảng Tịnh Hòa. Cùng với tàu thuyền ở địa phương đã khiến cảng neo trú này trở nên quá tải. Trong khi đó, Cảng cá Sa Huỳnh lại đìu hiu.

TIN LIÊN QUAN


Hơn nửa tháng nay, khu vực cảng Tịnh Hòa trở nên chật chội khi hàng trăm chiếc tàu công suất lớn dồn dập kéo về neo trú khiến cho cảng  biển trở nên quá hẹp so với lượng tàu thuyền xin vào tránh bão. Trên diện tích mặt nước khoảng 4 ha được thiết kế từ 350 đến 400 tàu thuyền neo đậu không còn một chỗ trống. Đã có nhiều tàu thuyền phải chạy tìm nơi khác để tránh gió vì không còn chỗ. Tại cảng neo đậu, số lượng tàu thuyền nhiều nhất là của ngư dân Đức Phổ, với hơn 200 chiếc. Trên những chiếc tàu là hàng trăm ngư dân phải định cư trong những ca bin để bảo vệ tài sản. Mỗi gia đình phải thay phiên nhau 1 tuần hoặc nửa tháng để canh giữ tàu.

Ngư dân Đức Phổ phải thay phiên nhau canh giữ tàu. Tình trạng quá tải còn gây ra sự lộn xộn trên cảng.
Ngư dân Đức Phổ phải thay phiên nhau canh giữ tàu. Tình trạng quá tải còn gây ra sự lộn xộn trên cảng.


Ông Nguyễn Say (Phổ Thạnh, Đức Phổ) cho biết, gần 1 tháng nay khi tàu vào đây tránh gió ông đã phải ở luôn trên tàu để bảo vệ tài sản. Việc sinh hoạt, ăn ở của hàng chục con người dài ngày tại cảng còn gây ô nhiễm môi trường. Nhiều chủ tàu khác thì nói, họ không dám về cảng Sa Huỳnh để neo đậu vì cửa biển quá nguy hiểm cho tàu thuyền của họ. Ngư dân có tàu neo trú tại cảng Tịnh Hòa cho biết, việc neo đậu nơi đây rất kín gió, an toàn. Những năm trước, vào mùa gió bão thì anh em ngư dân ở Đức Phổ phải tìm nơi ẩn náu tránh gió, mà chủ yếu là ở Đà Nẵng. Vài năm trở lại đây thì một phần tàu thuyền Đức Phổ phải vào neo tránh gió tại cảng Tịnh Hòa.

Một chủ tàu khác là ông Nguyễn Anh Tuấn thì cho rằng, không những không có nơi neo trú an toàn cho tàu địa phương, mà tàu thuyền của Đức Phổ phải đi làm giàu cho nơi khác vì không thể cập cảng để bán cá. Việc neo tàu xa nhà nên rất tốn kém. Không chỉ việc sinh hoạt, ăn ở hàng tháng trời trên tàu mà khi ra khơi, đầu nậu ở những nơi khác cũng ép giá khiến ngư dân gặp khó khăn.

Không chỉ xảy ra tình trạng quá tải so với công suất thiết kế mà việc hàng trăm tàu thuyền cùng lúc về neo trú đã khiến cho tình hình an ninh trật tự ở đây trở nên phức tạp. Đã từng xảy ra nhiều trường hợp tranh giành nơi neo trú tàu. Ngoài ra, do việc tàu thuyền tập trung về neo trú quá đông dẫn đến tình trạng trộm cắp. Anh Phan Văn Cư, chủ tàu QNg- 97824-TS rất bức xúc cách đây một tuần, trong lúc anh lên bờ thì trộm đã lẻn vào lấy máy định vị và 10 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Sơn - Phó Giám đốc BQL cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa cho biết, theo thiết kế xây dựng thì hiện nay cảng neo trú đã quá tải. Tình trạng này bắt đầu từ mùa mưa năm ngoái đến nay. Theo quy định, khi tàu tránh trú gió bão thì không thu phí. Tuy nhiên, khi tàu vào neo trú phải đăng ký với ban quản lý cảng. Quy định là thế nhưng phần lớn tàu thuyền đang neo trú tại cảng không  thực hiện. Trong khi đó, anh em trong ban quản lý cảng quá ít nên không thể kiểm soát được, với điều kiện tàu thuyền neo trú ngày càng nhiều thì cần phải mở rộng thêm cảng để đáp ứng nhu cầu cho ngư dân mỗi mùa mưa bão.

Được biết, cảng Sa Huỳnh được đầu tư 44 tỉ đồng xây dựng đê chắn sóng và thông luồng cảng cá từ năm 2001. Tuy nhiên chỉ vài năm sau khi đưa vào sử dụng đã bị bồi lấp. Cũng theo những ngư dân này, trong vòng 5 năm trở lại đây có ít nhất 30 tàu thuyền của ngư dân Đức Phổ vào neo trú ở cảng Sa Huỳnh bị va vào bờ kè chìm tàu, nên ngư dân không dám đưa tàu về neo đậu tại quê nhà.


  Bài, ảnh: XUÂN THIÊN

 


.