Đánh cá trên đồng muối Sa Huỳnh

10:01, 12/01/2012
.

(QNg)- Muối ế, vụ mùa kết thúc sớm. Diêm dân Sa Huỳnh (Đức Phổ) phải mở cống cho nước ngoài biển tràn vào đồng muối để ấu trùng cá, tôm, cua theo đó vào sinh sôi. Bà con sắm ghe nhỏ chèo quanh đồng đánh cá để mưu sinh.  

* Nhọc nhằn mưu sinh

3 giờ chiều, nước thủy triều dâng cao. Đồng muối Sa Huỳnh mùa này ngập chìm trong nước trắng xóa, trông như đầm An Khê ở Phổ Khánh. Nhìn đây đó, thấy nhiều chiếc ghe nhỏ rải, kéo lưới, bắt cua, tôm... Chị Võ Thị Hồng ở thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh, vừa kéo lưới lên bắt hai con cua lớn, cười nói: Hai con này cũng kiếm được 30.000 đồng. Ở một góc ghe nhỏ, những thùng đựng cua, tôm, cá đều để riêng, gộp lại cũng được gần 2kg. Chị Hồng bảo: Đó là "chiến lợi phẩm" của một ngày đêm thả lưới trên đồng này.

Chị Võ Thị Hồng vui mừng bắt được vài con cua lớn.
Chị Võ Thị Hồng vui mừng bắt được vài con cua lớn.


Bình quân mỗi ngày đêm, vợ chồng chị kiếm được khoảng 100.000 đồng từ việc bán cua, tôm. Trời mùa đông, giá rét. Gió trên đồng thổi hun hút, nhưng để nuôi 4 người con tuổi ăn, tuổi lớn, vợ chồng chị Hồng phải làm quần quật trên đồng. Bắt đầu từ 3 giờ chiều, chị cùng chồng rải 120 giàn lưới lồng xuống đồng. Đến 3 giờ sáng hôm sau, mặc cho trời rét mướt, vợ chồng chị băng trong đêm đi gỡ lưới (gỡ cá). Kéo hết giàn lưới, thu về trên ghe vừa xong là trời cũng rạng sáng. Chị tất tả đến chợ, anh lại chuẩn bị cho buổi chiều rải lưới, bắt cá.

Đánh cá trên đồng muối Sa Huỳnh còn có nhiều hộ diêm dân khác. Chị Phan Thị Tâm vừa rải lưới xuống đồng, chưa kịp chèo ghe đến bờ ruộng thì gió, mưa hắt xuống xối xả. Nước tuy cạn nhưng chiếc ghe nhỏ cũng chòng chành theo sóng nước. "Đánh cá trong đồng không sợ nguy hiểm đến tính mạng nhưng cực nhiều. Sợ nhất là mỗi khi có luồng gió chướng từ ngoài phía biển thổi vào. Đồng muối mênh mông, không có vật che chắn nên gió thổi thật khó rải lưới. Thả được hết lưới cũng mất gần 2 tiếng đồng hồ. Người ướt hết, lạnh lắm". - Chị Tâm nói mà đôi môi cứ run lập cập.

Rét lạnh, nhưng vì cuộc sống, không chỉ đàn ông mà cả người già, đàn bà đều đi đánh cá trên đồng muối này. Ông Lê Toan (67 tuổi), có 3 người con đã lập gia đình ra ở riêng. Vợ chồng ông nương dựa vào nhau lúc tuổi già, nhưng vợ ông hay đau ốm. Ông sắm 50 lồng đánh bắt cá để thả ở đồng muối. Khi đồng muối vào mùa sản xuất thì ông lại chuyển sang đánh bắt ở đầm nước mặn Sa Huỳnh. Mỗi bữa, ông kiếm được khoảng 1kg tôm, cá với giá từ 80.000 - 100.000 đồng. Đây cũng là nguồn thu nhập giúp ông gắng gượng bám trụ cùng với hơn 2 sào ruộng muối.

Làm muối khổ nhọc, nhưng lại thu nhập thấp. Diêm dân Sa Huỳnh đã linh hoạt làm ăn để đắp đổi qua ngày. Bất kể trời mưa hay gió, đêm hay ngày, họ đều phải rải lưới trên đồng, ngoài đầm. Bởi đó là chén cơm, là nguồn thu nhập chính của họ trong mùa đông.

*Cá ngày càng khan hiếm     

Diêm dân Sa Huỳnh (Đức Phổ) kết thúc vụ muối thường rơi vào tháng 8 dương lịch. Cũng là bắt đầu vào mùa đánh cá trên đồng của bà con. Bởi, tháng 8 trời bắt đầu chuyển mùa, mưa nhiều. Năm nay, mưa đến sớm hơn. Bà con tháo cống cho nước từ biển tràn vào đồng. Ấu trùng của các loại thủy hải sản theo đó vào sinh sôi. Mùa đông dài, muối có năm bán được, có năm (như năm nay) lại ế ẩm, bà con thu nhập thấp nên đã nghĩ cách mua sắm phương tiện ghe nhỏ, lưới bộ, lưới lồng... đánh cá trên đồng kiếm thêm thu nhập.


Lúc đầu, bà con chỉ nghĩ kiếm kế chạy bữa ăn hàng ngày. Nhưng thấy có cá bà con đầu tư phương tiện để đánh bắt hiệu quả và nhiều người xem là nguồn thu nhập chính trong mùa đông. Ông Trần Sang, cho biết: Ngày trước, chỉ có vài người, nên lội bộ ra giữa đồng rải lưới, ngồi chờ vài tiếng đồng hồ là kéo lưới lên, cá, tôm, cua mắc lưới kéo oằn cả tay. Nhiều hộ thấy vậy cũng sắm lưới đánh bắt. Nhưng đánh bắt cá mà lội bộ thu về chẳng được nhiều nên họ đã tích góp mua ghe nhỏ để mưu sinh.  

Tuy nhiên nhiều năm nay, giá cả ngày càng tăng cao, bà con đã nghĩ cách mua một loại dụng cụ khác là lưới lồng (có xuất xứ từ Trung Quốc) để bắt cá ở đồng nhiều hơn mà sinh sống. Nhiều diêm dân vào chợ Trà Câu sắm cho mình giàn lưới. Có người sắm đôi chục giàn, có người khá giả thì sắm cả trăm giàn. Mỗi giàn chi phí bình quân 260.000 đồng. Lưới lồng có đặc điểm là lưới dệt với lỗ dày, được gắn vào khung sắt. Khi thả xuống nước, lồng nằm sát đáy ruộng nên các loại cá, cua  dù nhỏ nhất khi vào trong lồng đều không thể ra được...Vì nhu cầu cuộc sống có người lại sắm cả máy châm điện, để bắt cá.

Đa dạng trong cách đánh bắt trên đồng muối Sa Huỳnh trong những năm gần đây nên con cá dần hiếm đi. Thay vì trước đây bà con chỉ đánh bắt trong vài giờ thì đã có đôi kg cá để ăn, để bán. Còn bây giờ bà con phải đánh cả ngày thâu đêm. Ông Võ Tấn Khiêm ở thôn Tân Diêm, xót xa: "Đánh bắt kiểu này, thì còn gì cá để đánh nữa. Ngày trước rải lưới, bắt được đôi con có trọng lượng vài lạng, có con cả kg. Giờ, thì cá "vụn" (cá nhỏ - PV) không thôi".


Đồng muối Sa Huỳnh rộng hơn  116 ha. Đó là nguồn sinh sống của gần 600 hộ diêm dân thuộc 3 thôn Long Thạnh 1, Tân Diêm và Thạnh Đức 1 (xã Phổ Thạnh). Mùa vụ chính bà con làm muối để đổi gạo. Mùa mưa bà con đánh cá để đắp đổi, nhưng đánh bắt theo cách tận diệt thì đời sau, con cháu diêm dân không biết lấy gì sinh sống? Đấy là câu hỏi đặt ra cho chính quyền địa phương và bà con ở đây. Do vậy cần phải tự điều chỉnh cách đánh bắt để phù hợp với quy luật sinh nở của loài hải sản tại vùng đất mà thiên nhiên ban tặng cho bà con diêm dân nghèo.


Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.