Từ hòn than đến hạt muối

09:12, 06/12/2011
.

(QNĐT)- Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về mối nguy hại đang tiềm ẩn đối với việc xuất khẩu than ồ ạt của Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (TKV) trong thời gian qua, rằng không bao lâu nữa, ngành điện sẽ phải lãnh đủ khi buộc phải nhập than để hoạt động, nếu không, các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đành đứng bánh.
 

Việc chảy máu tài nguyên thô đã được cảnh báo lâu nay chứ không phải đợi đến khi Chính phủ có chỉ thị cấm xuất khẩu nguyên liệu thô thì các chuyên gia kinh tế mới lên tiếng. Tuy nhiên, chuyện cấm hoặc hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô của Chính phủ, có cảm giác như “hòn than” nằm ngoài “lệnh” đó (?).
 
Trong khi ngành điện đang tính toán nhập khẩu than thì TKV vẫn liên tục xuất khẩu . Ảnh: Vietbao.vn
Trong khi ngành điện đang tính toán nhập khẩu than thì TKV vẫn liên tục xuất khẩu . Ảnh: Vietbao.vn

Việt Nam được xếp vào top 5 nước có số than đá xuất khẩu lớn nhất thế giới với khoảng trên 18 triệu tấn trong tổng số trên 40 triệu tấn mà TKV đã “moi” được từ dưới lòng đất mỗi năm. Doanh thu hàng năm của ngành than chỉ đứng sau dầu khí với khoảng 3,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu than chiếm 1,4 tỷ USD.

Đừng nhìn vào số liệu được tính bằng tỷ đô la trên đây mà mừng, vì rằng, tài nguyên không phải là “nồi cơm Thạch Sanh”. Đến một lúc nào đó, trong lòng đất chỉ còn… đất mà thôi.

Đó là tính chuyện “dài hơi”, còn trước mắt, một khi các nhà máy điện có công suất lớn đồng loạt đưa vào sử dụng trong những năm đến thì nhiên liệu than cần cho các nhà máy này hoạt động không hề nhỏ. Trong khi đó, việc ký hợp đồng mua than các nước để  đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy điện vẫn chưa được nên nguy cơ mua than giá cao là rất dễ xảy ra.

Hiện TKV xuất khẩu than với giá 300 USD/tấn, trong khi giá than bán trong nước chỉ với 100 USD/tấn do Nhà nước khống chế giá bán, vì vậy người ta không lạ gì việc xuất khẩu than ồ ạt của TKV. Tuy nhiên, sắp tới chúng ta sẽ phải mua với giá cao hơn giá đã xuất thì ít ai chịu nghĩ đến. Chênh lệch 200 USD/tấn than thì TKV “hưởng”, còn nếu phải nhập với giá có thể lên 400-500 USD/tấn thì Nhà nước chịu, nghĩa là dân chịu.

Chuyện xuất khẩu một loại sản phẩm nào đó rồi lại phải nhập chính loại sản phẩm vừa xuất là câu chuyện chẳng mới mẻ gì ở Việt Nam. Hòn than cũng không là ngoại lệ. 

Hôm tháng 10 vừa qua, một vụ gian lận lớn trong nhập khẩu muối đã bị phát hiện. Lợi dụng cơ chế ưu đãi nhập khẩu muối về làm muối công nghiệp, Tổng Công ty TNHH Hóa chất cơ bản miền Nam đã  nhập 220 ngàn tấn muối với thuế ưu đãi, sau đó họ “bớt” ra đến 23.000 tấn để sản xuất muối ăn bán ra thị trường. Số thuế mà doanh nghiệp này đã trốn được sau cú “phù phép” trên đây là 7 tỷ đồng.

Chuyện sẽ không dừng lại ở việc trốn thuế nếu biết rằng, liên tục trong 3 năm qua, diêm dân khắp nơi trong nước đã phải mặn đắng như thế nào khi buộc phải bán muối do chính mình làm ra với giá 500đ/kg hoặc là đành nhìn muối biến thành nước chảy lại xuống biển! Trốn thuế một lúc tới 7 tỷ đồng, bằng tiền bán muối của hai cánh đồng muối cỡ vừa ở miền Trung hiện nay (12 ngàn tấn/vụ).

TRẦN ĐĂNG

.