“Cò” biển lại hoành hành

12:12, 23/12/2011
.

(QNĐT)- Thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản trên các vùng biển xa, Quảng Ngãi đã giải ngân 9,3 tỷ đồng hỗ trợ cho ngư dân, tuy nhiên, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn), số tiền này đã rơi rớt vào tay các “cò”. Tình trạng này cũng đã xảy ra khi thực hiện Quyết định 289 của Chính phủ vào năm 2008 tại xã Bình Châu.

* Đục nước béo cò

Những ngày qua, nhiều ngư dân trong diện nhận tiền hỗ trợ xăng dầu theo Quyết định 48 ở xã Bình Chánh rất bức xúc về việc bị các “cò” ăn chặn. Vì quá bức xúc, một số ngư dân đã mạnh dạn phản ánh với Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nhân chuyến Bộ trưởng về thăm và làm việc với xã Bình Chánh, sáng 16/12 vừa qua.

Anh Lê Văn Thắng (37 tuổi) ở xóm Cù Lao, thôn  Mỹ Tân, người đã dũng cảm đứng ra phản ánh tình trạng ngư dân bị các “cò” ăn chặn tiền hỗ trợ với Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, khi biết tin Thủ tướng ký quyết định hỗ trợ tiền dầu, ngư dân chúng tôi rất mừng, nhưng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ngư dân, một số “cò” nhận làm thủ tục giúp để nhận tiền hỗ trợ, và hầu hết ngư dân phải chi cho họ 10%.

aa

Để nhận được tiền hỗ trợ, các chủ ghe phải chi cho "cò" làm thủ tục 10%.

 

Ngụ cùng thôn, anh Trần Túc (39 tuổi), chủ tàu QNg 95122 TS cho biết thêm: “Tôi chỉ đưa CMND cho một người đứng ra lo với khoản phí ứng trước 10 triệu đồng. “Cò” bảo khi nào lên huyện lãnh được thì họ lấy thêm. Mà họ lấy bao nhiêu thì chúng tôi đưa bấy nhiêu chứ biết đâu mà mặc cả”.

Theo hầu hết các ngư dân mà chúng tôi tiếp cận, để nhận được tiền hỗ trợ các chủ ghe chỉ cần đưa cho họ CMND và Sổ Hành trình, “cò” sẽ lo mọi thủ tục, thậm chí ngư dân cũng chẳng cần ký vào các giấy tờ, mọi chuyện đã có “cò” lo với điều kiện nhận tiền xong phải chia cho họ 10%.

Anh Nguyễn Tấn Điệp, chủ tàu QNg 95384 TS, công suất 380cv đồng thời cũng là đồng chủ tàu QNg 95886 TS kể, tối 18/12 vừa rồi, họ đến nhà bảo ghe 2 chiếc ghe của tôi sẽ được hỗ trợ 90 triệu đồng. Muốn làm, phải chi phí thủ tục 10% ( tức 9 triệu đồng). “Mình làm mồ hôi nước mắt, cưỡi sóng đạp gió, đó là chưa kể những lúc phải đối đầu với hiểm nguy, bất trắc nơi biển cả, còn họ lấy không không tiền mồ hôi nước mắt của mình. Bức xúc quá tôi không đưa.”- anh Điệp chua chát.

* "Xã chưa hay, cò đã biết"

Ở thôn Mỹ Tân người dân thuộc vanh vách những người làm "cò" thủ tục tại thôn này. Ông Lê Văn Thà thật thà kể: "Ở đây, có 3 đối tượng “cò” là ông N, ông Đ và ông T. Bất cứ người dân nào cũng biết bởi lẽ họ thường xuyên lui tới từng nhà “gạ gẫm” chúng tôi. Ông T bảo, nếu ông Đ và ông N lấy 10% thì ổng lấy rẻ hơn, tức là 9%”.

 

Theo người dân tố cáo, không phải vì quá bận bịu hoặc kém hiểu biết mà không tự mình làm thủ tục để nhận tiền hỗ trợ, mà do ngư dân nhờ “cò” thì thủ tục rất nhanh, còn tự đi làm thì rất lâu và phải đi lại nhiều lần. Ông Nguyễn Tấn Lạc- chủ tàu QNg 95263 TS và QNg 95663 TS giải thích thêm: “Tự tay ngư dân làm thủ tục thì cơ quan chức năng bảo xác nhận của chính quyền nơi đến ghi ở chỗ này là không đúng quy định. Nếu vậy, sao chúng tôi nhờ “cò” là được tất?

Ngư dân Lê Văn Thắng phản ánh sự việc với phóng viên.

Ngư dân Lê Văn Thắng phản ánh sự việc với phóng viên.


Ngư dân này cho rằng, thủ tục hành chính quá rườm rà làm khó cho ngư dân. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến “cò” mẹ, “cò” con. Nếu đến đợt làm thủ tục, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng cử người hướng dẫn trực tiếp cho ngư dân thì “cò” làm gì có đất sống mà chúng tôi cũng đỡ mất tiền.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Chức- Bí thư Đảng ủy xã Bình Chánh cũng thừa nhận có "cò thủ tục" trong việc làm hồ sơ xin hỗ trợ tiền dầu.

 

Chuyện là, “cò” đã đến nói chính quyền không quan tâm tới ngư dân, nhưng nghẹt nỗi xã không nhận được sự chỉ đạo của cấp trên liên quan đến việc hỗ trợ cho ngư dân theo Quyết định 48. Hơn nữa, theo Quyết định này thì mọi thủ tục đều do UBND huyện và Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thực hiện chứ xã không có thẩm quyền. Chính quyền địa phương chỉ có nhiệm vụ xác nhận vào Sổ Hành trình, mà điều này thì sau mỗi chuyến biển về ngư dân đều làm thủ tục này.

 

“Sau khi nghe ngư dân phản ánh với Bộ trưởng Cao Đức Phát, chúng tôi đã chỉ đạo công an xã đi xác minh làm rõ vụ việc, hiện chưa có kết luận cụ thể”, ông Nguyễn Đức Tâm- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh nhấn mạnh.

 

* Do ngư dân thỏa thuận mà ra

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh lý giải, “cò” thì chẳng qua cũng là người làm dịch vụ. Do ngư dân không có thời gian và thực tế ngư dân chúng ta trình độ kém nên nhờ “cò” làm thủ tục, xong việc ngư dân “bồi dưỡng” cho họ cũng là điều dễ hiểu. Tôi có nghe dư luận về tình trạng này nhưng xảy ra ở Bình Định chứ Quảng Ngãi thì chưa nghe.

 

Đối với hiện tượng "cò", chủ yếu do sự thỏa thuận của dân cho nên rất khó xử lý. Chuyện chính quyền địa phương bảo không liên quan đến thủ tục là sai. Qua sự việc này, điều quan trọng là chúng ta cùng nhau tuyên truyền cho ngư dân hiểu ý nghĩa của chính sách, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

 

Cũng theo ông Hoàng, quy định thủ tục thì bước đầu hồ sơ phải được chính quyền địa phương kiểm tra, sau đó chuyển lên UBND huyện để rà soát lại một lần nữa rồi mới chuyển lên Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản để Hội đồng xét duyệt, nhưng thực tế vì muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính nên ngư dân làm thủ tục rồi gửi trực tiếp lên Chi cục.

 

Có thể khẳng định rằng, Quyết định 48 của Chính phủ là chính sách đúng đắn của Nhà nước nhằm hỗ trợ, giúp giảm bớt những gánh nặng cho ngư dân, nhất là trong thời buổi xăng dầu tăng cao như hiện nay, đồng thời động viên, khích lệ ngư dân bám biển. Tuy nhiên để xảy ra tình trạng này là một điều đáng buồn. Sự việc tương tự như trên cũng đã xảy ra khi thực hiện Quyết định 289 của Chính phủ vào năm 2008 tại xã Bình Châu.

 


Ái Kiều


.