"Bò cứu trợ"

01:12, 07/12/2011
.

(QNg)- Gần 2 năm trôi qua kể từ khi được "cứu trợ" bò giống, 240 hộ nghèo bị thiệt hại nặng nề trong bão số 9 - năm 2009 của tỉnh đã phần nào vươn lên thoát nghèo.

* Một "nhảy" thành hai, ba...

20 hộ dân nghèo vùng lũ xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) vui mừng trước sự phát triển của những con bò được UBMTTQVN tỉnh cứu trợ đầu năm 2010. Chúng tôi đến gia đình nông dân nghèo Trần Văn Quang, thôn An Định, xã Hành Dũng khi ông Quang vừa đi cắt cỏ cho bò về. Ông Quang bỏ cỏ vào máng cho bò ăn, rồi múc nước đổ vào chiếc chậu lớn pha thêm bột bắp, muối hột để sẵn khi bò ăn xong sẽ uống.
 
Con bò cứu trợ của hộ gia đình ông Trần Văn Quang.
Con bò cứu trợ của hộ gia đình ông Trần Văn Quang.

Ông Quang khoe: "Con bò này là sản nghiệp lớn đối với gia đình tôi. Nó đang có chửa, phải tăng cường thức ăn để nó có sức "vượt cạn". Lão nông nghèo đưa đôi bàn tay xù xì vuốt ve dỗ dành bò và quay sang nói với chúng tôi: "Mỗi ngày, tôi dành khoảng 1 tiếng đồng hồ để "chăm" nó. Tôi tin tưởng rằng, từ một con bò hôm nay, mai này sẽ "nhảy" ra thành ba, bốn, năm con... chứ chẳng chơi".

Năm 2009, khi cơn bão dữ đi qua, hàng trăm hộ dân nghèo của huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Trà Bồng bị nước lũ cuốn mất bò, trâu. Nước mắt hoà chung nước lũ trôi về chốn xa xăm. Bao năm gầy dựng cơ nghiệp bỗng trở nên trắng tay chỉ sau một đêm lũ quét. Hiểu được sự mất mát đó, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh quyết định trích 1,8 tỷ đồng từ quỹ Cứu trợ bão lụt của tỉnh để mua bò giống hỗ trợ cho những hộ dân nghèo bị mất bò trong cơn bão số 9. Từ số tiền này, UBMTTQVN tỉnh mua 240 con bò cái laisind trao tặng cho các hộ dân.

Trong đó, huyện Bình Sơn 80 con; huyện Tư Nghĩa 50 con; huyện Trà Bồng 60 con; huyện Nghĩa Hành 50 con. Đến nay, đàn bò này phát triển tốt, không có con nào bị chết. Theo thống kê của các địa phương, trong số bò được cấp phát này có khoảng 70% đã đẻ lứa đầu. Với giá thị trường hiện nay, thì từ một con bò giống cấp phát ban đầu người dân nghèo vùng lũ đã có trong tay từ 10 đến 20 triệu đồng. Qua khảo sát bước đầu, 100% hộ dân thuộc diện được nhận bò cứu trợ đều quyết tâm giữ lại số bò này để tiếp tục chăm sóc, tạo dựng đàn bò cho gia đình, làm điểm tựa thoát nghèo, vươn lên, từng bước cải thiện cuộc sống. 

Tính chuyện "cái cần câu"   

Trong tổng số hơn 20 tỷ đồng được ủng hộ bão lụt năm 2009, UBMTTQVN tỉnh đã trực tiếp hỗ trợ người dân vùng lũ xây dựng, sửa chữa nhà ở, trường học; cứu trợ gạo, thực phẩm; hỗ trợ những gia đình có người bị chết, bị thương trong mưa lũ... Sau bão, UBMTTQVN tỉnh đã quyết định bổ sung thêm việc hỗ trợ cây giống, con giống cho nông dân vùng lũ, tạo điều kiện để người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Sau khi khảo sát nhu cầu trong nông dân, UBMTTQVN tỉnh đã chọn phương thức hỗ trợ bò giống chất lượng cho nông dân khôi phục lại đàn bò.

Bà Đặng Thị Lệ Thu - Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh cho biết: "Hỗ trợ gạo, thực phẩm, tiền chỉ có thể giúp người dân lo cuộc sống trước mắt, giống như cho họ "con cá". Còn về lâu dài, phải cho người dân "cái cần câu". Việc hỗ trợ bò giống, chính là giúp họ "cái cần câu" để vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, lo cho cuộc sống tương lai".

Cách làm này của UBMTTQVN tỉnh cũng được các địa phương được hỗ trợ bò giống sau bão số 9 đánh giá là thiết thực, hiệu quả. Ông Mai Ngọc Phúc - Chủ tịch UBMTTQVN huyện Nghĩa Hành khẳng định: "Đối với nông dân Nghĩa Hành, cứu trợ cho họ con bò giống là quý nhất. Bởi vì, việc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo từ con bò là bền vững nhất". Ông Phúc đưa ra hàng loạt "ưu thế" của con bò so với con giống khác để lý giải cho sự khẳng định của mình, rằng: Con bò ít bị dịch bệnh; dễ chăm sóc, đầu ra ổn định, không đòi hỏi phải tốn kém nhiều cho chi phí chăn nuôi. "Người nông dân chỉ cần chịu khó là có thể nuôi được  bò. Còn với các loại vật nuôi khác, đòi hỏi phải có vốn đầu tư thức ăn hàng ngày, kỹ thuật chăm sóc... Thế nhưng rủi ro vì dịch bệnh, rớt giá lại luôn luôn rình rập. Con bò thì không lo chuyện này" - ông Mai Ngọc Phúc quả quyết.

Trao đổi về kế hoạch hỗ trợ sản xuất cho người dân nghèo Quảng Ngãi trong thời gian tới bằng cách cho họ "cái cần câu", bà Đặng Thị Lệ Thu cho biết: "UBMTTQVN tỉnh đang xem xét tiếp tục mở rộng cách hỗ trợ bò giống cho nông dân nghèo từ Quỹ "Vì người nghèo" của tỉnh. Thành công của cách làm này còn phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương trong bình xét chọn đối tượng. Bò giống chỉ có thể sinh sôi nảy nở khi được trao đúng vào tay những nông dân yêu lao động, có ý chí vươn lên thoát nghèo".

    Bài, ảnh: THANH NHỊ

.