Thu hút ĐT vào Quảng Ngãi: Những điều trông thấy- Kỳ 2: Tiền kiểm yếu, hậu kiểm thiếu

10:11, 08/11/2011
.

(QNg)- Với chính sách "trải thảm đỏ", Quảng Ngãi đã ban hành và thực hiện nhiều ưu đãi đầu tư, trong khi khâu tiền kiểm, hậu kiểm đều khá lỏng lẻo. Không ít DA đầu tư vào Quảng Ngãi, nhà đầu tư (NĐT) yếu về tài chính. Nguồn vốn để thực hiện DA chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Và khi không tiếp cận được nguồn vốn vay (do lãi suất cao, ngân hàng siết chặt tín dụng...) khiến DA không thể triển khai hoặc đang triển khai thực hiện phải bỏ dở dang...
 

Dự án Khu du lịch sinh thái biển Hàng Dương (thuộc khu du lịch Mỹ Khê), do Công ty TNHH Hà Thành làm chủ đầu tư, được "khai sinh" nhằm xây dựng biệt thự, nhà ở cho chuyên gia và cán bộ, khi các nhà thầu xây dựng NMLD Dung Quất đặt vấn đề. DA này được UBND tỉnh đồng ý cho đầu tư vào năm 2002 và đến năm 2004 UBND tỉnh cho NĐT này thuê đất với diện tích 13,1 ha.
 
Nhiều nhà đầu tư vào KDL Mỹ Khê thi công ì ạch, những rừng dương ven biển đã bị "băm nát".
Nhiều nhà đầu tư vào KDL Mỹ Khê thi công ì ạch, những rừng dương ven biển đã bị "băm nát".

Làm theo kiểu "tay không bắt giặc" nên khi không được các nhà thầu xây dựng ứng tiền, Công ty Hà Thành đã không thể triển khai xây dựng theo yêu cầu. Do không triển khai DA đúng tiến độ cam kết, ngày 29/5/2007 UBND tỉnh đã thu hồi 10,93 ha đất, đồng thời đề nghị Công ty khẩn trương hoàn thành DA trên phần đất còn lại. Nhưng do "yếu trong người" nên đến nay Hà Thành vẫn chưa triển khai thêm hạng mục nào, dù NĐT này có bản cam kết về tiến độ DA trong năm 2011 gởi UBND tỉnh.

Cũng tại KDL Mỹ Khê, DA Khu nghỉ dưỡng và du lịch Ánh Sao-Mỹ Khê do Công ty TNHH Ánh Sao làm chủ đầu tư được cấp phép tháng 8/2008, với tổng diện tích 15,8 ha. Tuy nhiên, NĐT thực hiện đền bù và giải phóng mặt bằng không đúng tiến độ cam kết. Hơn nữa, do "sống nhờ vốn vay" nên khi ngân hàng siết chặt tín dụng khiến công ty liền gặp khó khăn, không thể tiếp tục triển khai DA. Điều này buộc UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư (tháng 6/2011) và thu hồi quyết định cho thuê đất (tháng 8/2011).

Bức xúc trước những DA kiểu "tay không bắt giặc" trên địa bàn huyện, ông Lê Văn Thoảng-Phó Chủ tịch HĐND huyện Sơn Tịnh cho hay: Việc thu hút, cấp phép đầu tư còn nóng vội, không tìm hiểu kỹ NĐT. Chính sách "trải thảm đỏ" là tốt nhưng ta cũng cần có "bàn tay sắt" kiên quyết với những DA đầu tư chiếm đất, chờ thời.

Cũng bởi quá nồng nhiệt với NĐT, nên tỉnh đã "mở cửa chào đón" không ít DA mà nguồn vốn đầu tư chưa rõ ràng, cơ cấu vốn chủ yếu từ vốn vay ngân hàng; phương án giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư chưa có hoặc quá sơ sài, thiếu thực tế và hầu hết ít chú trọng đến việc đóng góp cho cộng đồng địa phương. Thậm chí do khâu thẩm định DA còn yếu, nên một số doanh nghiệp lập DA, chờ cơ hội chuyển nhượng DA hoặc cho doanh nghiệp khác thuê lại đất với giá cao để thu lợi nhuận từ đất...

Có NĐT cùng một lúc được cấp phép 2 DA (cấp ngày 19/8/2003) ở hai lĩnh vực chênh nhau như DA Chế biến đá granit xuất khẩu và tiêu dùng nội địa Nhơn Nghĩa và DA NM chế biến lâm sản xuất khẩu Nhơn Nghĩa ở KCN Tịnh Phong, chỉ sau hai năm NĐT này đã rút êm sau khi đã kiếm lời từ việc chuyển nhượng DA. Ông Lê Hồng Hà-Phó BQL các KCN tỉnh thừa nhận: Vì nóng lòng kêu gọi đầu tư nên có DA trong một ngày đã được cấp phép và phải đến năm 2003 trở đi, BQL mới thẩm định kỹ DA đầu tư.

Bên cạnh đó, một số DA đăng ký có vốn đầu tư khá lớn nhưng thực tế đầu tư chưa đúng hoặc vốn đăng ký nhiều nhưng thực hiện ít. Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, tại địa bàn các huyện Đức Phổ, Sơn Tịnh, Bình Sơn và thành phố Quảng Ngãi có 53 DA đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 14,5 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn ½ tổng số DA và tổng vốn đăng ký trên địa bàn cả tỉnh (ngoài các KCN, KKT). Tuy nhiên, các DA này triển khai khá chậm so với tiến độ đã đăng ký và tổng vốn thực hiện đến nay chưa đến 20% tổng vốn đăng ký.

Không chỉ yếu trong khâu tiền kiểm, công tác hậu kiểm cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiệm vụ hậu kiểm gồm theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy định tại Giấy CNĐT, tiến độ góp vốn và triển khai DA đầu tư hiện nay chưa phân định rõ trách nhiệm của cơ quan nào và thực tế gần như còn bỏ ngỏ. Công tác hậu kiểm còn thiếu nên mới có chuyện doanh nghiệp đăng ký vào KCN Quảng Phú nhưng thực tế sử dụng đất để cây cảnh, hoặc NĐT xây dựng luôn nhà... để ở.
 
 
“Rút phép nhiều vẫn còn không ít dự án dây dưa” 
Tại Khu Kinh tế Dung Quất có đến 49 DA bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư. Trong số 105 DA còn hiệu lực, mới có 59 DA hoàn thành, còn lại 33 DA chậm tiến độ, 13 DA chưa triển khai. Tại các KCN tỉnh có 35 DA thu hồi giấy phép. Đây là những DA không triển khai do không có khả năng đầu tư, triển khai chậm tiến độ hoặc triển khai kém hiệu quả. Ở KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh, số DA bị rút phép trên địa bàn tỉnh chiếm trên 1/3 DA được cấp phép. Dẫu vậy, hiện vẫn còn rất nhiều DA không triển khai hoặc triển khai với tiến độ rùa bò.

DA KCN Phổ Phong khởi động đã 4 năm, có diện tích 158 ha, khu phụ trợ 161 ha đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết. Trung tâm phát triển Quy đất huyện Đức Phổ đã kiểm kê, lên phương án chi tiết, niêm yết công khai nhưng Tập đoàn Tân Tạo cũng không chuyển tiền đền bù cho dân trong DA. Trước đó, sau 3 năm chần chừ, Tập đoàn Tân Tạo đã xin rút “siêu DA” Phim trường Vina Universal tại Đức Phổ (rộng khoảng 2.569 ha đã được tỉnh phê duyệt chi tiết). Tại huyện Sơn Tịnh, DA Khu du lịch sinh thái núi Sứa do Công ty TNHH Đại Dương Xanh làm chủ đầu tư án ngữ ở một vị trí đẹp phía bắc sông Trà Khúc và rộng gần 34 ha. DA Khu du lịch sinh thái núi Sứa tổng vốn đầu tư 72 tỷ đồng, nhưng sau 3 năm cấp phép mới chỉ xây dựng khu nhà để bán... cà phê. Tại Dung Quất, DA khu Thương mại dịch vụ tổng hợp của Công ty TNHH Tân Dung Quất và DA khu dịch vụ xây dựng Tân Việt, do Công ty cổ phần Tân Việt làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 7 ha, nhưng sau 4 năm NĐT vẫn chưa hề đầu tư gì...
 

 

Bài, ảnh: Hoàng Triều
(còn nữa)

.