Sản xuất nông nghiệp: Đâu là lời giải cho bài toán xóa đói giảm nghèo?
Bài 3: Xây dựng nông thôn mới: Hướng thoát nghèo bền vững

09:11, 24/11/2011
.

(QNĐT)- Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đó là mục tiêu mà Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015 cũng như Nghị quyết TƯ 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đề ra.

Những ngày này, về các nơi trong tỉnh đâu đâu cũng nhận thấy không khí háo hức xây dựng nông thôn mới. Xã Bình Dương là một trong ba xã của huyện Bình Sơn được chọn là xã điểm triển khai xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, khi nghe được chọn là xã điểm, người dân trong xã ai cũng rất phấn khởi.

Anh Lê Minh Chính-Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết: Tiếp thu các văn bản chỉ đạo của tỉnh và huyện, UBND xã đã tham mưu cho Ban chấp hành Đảng bộ xã ban hành Nghị quyết chuyên đề để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đồng thời thành lập Ban quản lý chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn xã.

Những năm qua, Bình Dương là một trong những xã tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là xã đi đầu trong việc huy động sức mạnh đóng góp của toàn dân trong phát triển hạ tầng và kinh tế -xã hội của địa phương.

Những năm qua, nhân dân đã đóng góp xây dựng hàng trăm km đường giao thông xi măng nông thôn
Những năm qua, bộ mặt của nhiều vùng nông thôn đã thay đổi nhờ vào sự đóng góp tích cực của người dân (trong ảnh: Nhân dân ở huyện Bình Sơn đóng góp xây dựng đường bê tông nông thôn)

Anh Lê Minh Chính cho biết, trong những năm qua, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân xã Bình Dương đã phát huy khối đại đoàn kết, kêu gọi và phát huy tối đa sự đóng góp của nhân dân, quyết tâm chung tay góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ngay từ năm 1985, nhân dân trong xã đã đóng góp tiền để làm cầu bê tông cốt thép nối giữa 2 xã Bình Dương và Bình Trung. Sau đó đóng góp tiền xây dựng 2,5km đường dây trung áp, 3,5km đường dây hạ thế và 2 trạm biến áp 330 KVA phục vụ điện sinh hoạt sản xuất cho nhân dân trong xã. Từ đó đến nay, cũng từ nguồn đóng góp của nhân dân hàng chục kilomet đường giao thông nông thôn đã được xây dựng, tạo bộ mặt mới cho vùng nông thôn. Đặc biệt, năm nào, người dân trong xã cũng đóng góp trên 300 triệu đồng để đắp bờ đập bổi ngăn sông Trà Bồng nhằm lấy nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ dừng lại ở việc đóng góp của nhân dân trong xã, mà những năm qua, con em là người địa phương đang làm ăn ở các nơi cũng đóng góp tiền của để xây dựng quê hương. Tiêu biểu như các công trình: Trường tiểu học, trường mẫu giáo, lăng Vạn, đình chùa... Chỉ tính từ năm 2004 đến nay, con em Bình Dương ở xa quê đã gửi về đóng góp xây dựng quê hương với số tiền trên 20 tỷ đồng.

Sản xuất nông nghiệp ở Bình Dương đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã và đang được ứng dụng sâu rộng trong sản xuất. Bình Dương là xã đi đầu trong công tác dồn điền đổi thửa ở huyện Bình Sơn. Sau 3 năm thực hiện dồn điền đổi thửa ở 5 đội sản xuất của 5 khu dân cư, đến nay tổng diện tích đã thực hiện đạt 113,8ha, chiếm 30% diện tích sản xuất. Xã Bình Dương có những cánh đồng đạt giá trị sản xuất 80-100 triệu đồng/ha/năm. Xã đang có 987 hộ gia đình đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới thì xã Bình Dương đạt 13 tiêu chí, đó là về quy hoạch, chợ nông thôn, bưu điện, các hình thức tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị-xã hội, an ninh trật tự xã hội, giao thông, nhà ở dân cư, giáo dục.

Rời xã Bình Dương, chúng tôi đến xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh. Chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự đổi thay khá toàn diện của vùng đất vốn nghèo khó này. Tịnh Trà là một trong 34 xã được UBND tỉnh Quảng Ngãi chọn điểm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015.
 
Tịnh Trà vốn là một xã thuần nông, đời sống của người trước đây còn nhiều khó khăn, thế những vài năm trở lại đây, xã Tịnh Trà đã thay da đổi thịt, đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Có được kết quả đó, phải kể đến tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp từ hệ thống chính trị đến nhân dân trong việc nỗ lực xây dựng nông thôn mới.

Người nông dân đã từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học vào trong sản xuất, góp phần nâng cao
Người nông dân đã từng bước áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ông Phan Duy Khánh- Chủ tịch UBND xã Tịnh Trà cho biết, những năm qua cùng với sự đầu tư của Nhà nước, người dân trong xã đã tự nguyện đóng góp sức người, tiền bạc để xây dựng hàng chục tuyến đường bê tông, kênh mương thủy lợi bằng bê tông, xây dựng trường học... Bây giờ, có chủ trương xây dựng nông thôn mới, người dân ở Tịnh Trà ai cũng phấn khởi, ủng hộ và tự nguyện đóng góp cùng với nhà nước để thực hiện chương trình này ở địa phương.

Trong giai đoạn 2011-2015, xã Tịnh Trà cần nguồn vốn đầu tư xây dựng chương trình nông thôn mới  khoảng 250 tỷ đồng. Riêng trong  năm 2011 là 9 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động trong nhân dân gần 2 tỷ đồng.

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì hiện nay Tịnh Trà đã đạt được  5 tiêu chí đề ra là: Hệ thống chính trị, giáo dục, điểm bưu điện văn hóa, xã có số thôn và xã đạt xã văn hóa và công tác an ninh trật tự an toàn xã hội. 4 tiêu chí khác là hệ thống điện dân dụng, giáo dục phổ cập và học sinh chuyển cấp, y tế và môi trường đạt trên 90%.

Có thể nói, hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh đang nỗ lực triển khai xây dựng nông thôn mới. Qua  phong trào đã huy động mạnh mẽ được sự đóng góp sức người, sức của của nhân dân trong việc phát triển hạ tầng cũng như phát triển các mô hình sản xuất mới ở nông thôn. Qua đó góp phần đưa diện mạo của vùng nông thôn phát triển theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại, đời sống của nông dân từng bước được nâng cao.

Mới đây, ngày 13/10/2011, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết số 03 về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết TƯ 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo đó, mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; có tỷ trọng hàng hóa lớn; phát triển nông nghiệp gắn với với phát triển công nghiệp dịch vụ và đô thị theo quy hoạch. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất  hợp lý; văn hóa-xã hội tiến bộ, dân chủ được phát huy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên…

Bài, ảnh: M.Toàn
 

.