Sản xuất nông nghiệp: Đâu là lời giải cho bài toán xóa đói giảm nghèo?
Bài 2: Hiệu quả từ mô hình dồn điền đổi thửa

07:11, 23/11/2011
.

(QNĐT)- Trong những năm gần đây, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi đã thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân trong phát triển vùng nguyên liệu, đặc biệt là công tác dồn điền đổi thửa, cũng như bao tiêu sản phẩm.

Nói đến mía đường thì có lẽ người dân cả nước đều biết đến Quảng Ngãi là thủ phủ của mía đường một thời. Thế nhưng chính người nông dân từng gắn bó với nghề trồng mía của Quảng Ngãi cũng đành quay lưng lại với cây mía bởi hiệu quả kinh tế thấp, và sự thờ ơ của chính doanh nghiệp thu mua mía. Song tất cả những điều trên đã là quá khứ, bởi hiện nay, cây mía được xem là cây trồng được “ưu ái” nhất với hàng loạt chính sách đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp. Được doanh nghiệp “trợ lực”, người nông dân cũng đang trở lại với cây mía một thời.

Đi trên những cánh đồng mía ở Nghĩa Hành, Đức Phổ, Bình Sơn chúng tôi như lạc vào rừng mía bạt ngàn. Ông Trần Văn Lợi-Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong, thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi khoe rằng: Đây là những ruộng mía thực hiện mô hình dồn điền đổi thửa. Để có được kết quả như hôm nay chúng tôi đã mất khá nhiều công sức, tiền của cùng những chính sách hỗ trợ tích cực của UBND tỉnh. Trong 3 năm từ 2008-2010, chỉ tính riêng Nhà máy đường Phổ Phong đã đầu tư trên 106 tỷ đồng cho nông dân phát triển vùng nguyên liệu mía, chủ yếu là dồn điền đổi thửa.

Nông dân Nghĩa Hành thu hoạch mía.
Nhiều diện tích mía thực hiện theo mô hình dồn điền đổi thửa cho năng suất trên 100 tấn/ha. (Trong ảnh: Nông dân Nghĩa Hành thu hoạch mía)

Đến nay, toàn tỉnh đã có 38 xã thuộc 8 huyện trong tỉnh triển khai thí điểm mô hình dồn điền đổi thửa với tổng diện tích trên 1.400 ha đất để hình thành các vùng chuyên canh mía tập trung. Qua đánh giá cho thấy, mô hình dồn điền đổi thửa đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng đồng mía ở Quảng Ngãi.

Xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện mô hình dồn điền đổi thửa. Hiện HTX chuyên canh mía Phổ Nhơn đã có 250 hộ tham gia đã trồng gần 300 ha mía theo mô hình dồn điền đổi thửa, với năng suất bình quân đạt 75 tấn/ha. Ông Phạm Văn Năm-Chủ nhiệm HTX cho biết: Trước đây, cũng như nhiều đồng mía khác trong tỉnh, do làm manh mún một người vài ba sào nên năng suất mía bình quân chỉ đạt 40 tấn/ha, chữ đường cao nhất cũng chỉ 8 CCS. Thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới vào sản xuất, năng suất mía tăng lên  90-95 tấn/ha, chữ đường đạt hơn 10 CCS.
 
Điều đáng nói là giá mía được Nhà máy đường bảo hiểm và bao tiêu tại ruộng, vì vậy người nông dân không phải lo đầu ra. Mỗi hecta, sau khi trừ chi phí người trồng mía thu không dưới 60 triệu đồng, so với trồng lúa thì lãi hơn cả chục lần. Thấy rõ lợi ích của việc dồn điền, đổi thửa, nhiều hộ dân ở xã Phổ Nhơn đã tự nguyện vào hợp tác xã và tập trung chuyên canh mía.

Cơ giới hóa đã được đưa vào sản xuất tại các ruộng mía thực hiện theo mô hình dồn điền đổi thửa.
Cơ giới hóa đã được đưa vào sản xuất tại các ruộng mía thực hiện theo mô hình dồn điền đổi thửa.

Cũng như xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ, nhiều cánh đồng mía thực hiện theo mô hình dồn điền đổi thửa ở huyện Bình Sơn cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Cụ thể như xứ đồng Gò Chè, xã Bình Trung: Từ những diện tích đất nhỏ lẻ, các hộ dân đã thực hiện dồn điền đổi thửa với diện tích gần 25 ha. Nhà nước và Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi đã hỗ trợ làm đường nội vùng, hệ thống kênh, mương thủy lợi và hỗ trợ giống mía mới, phân bón, phương pháp canh tác…

Sau khi thực hiện trồng mía theo phương pháp dồn điền đổi thửa, năng suất mía của xứ đồng Gò Chè đã tăng lên gần gấp đôi, vượt ngoài mong đợi của nhiều người dân. Trong vụ mía 2010 - 2011 vừa qua, năng suất mía bình quân của Gò Chè đạt trên 120 tấn/ha, chữ đường đạt 10,2 CCS. So với những diện tích trồng ngoài vùng dồn điền đổi thửa thì cao hơn từ 50-60 tấn/ha. Với giá thu mua mía 1 triệu đồng/tấn như vừa qua của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, sau khi trừ chi phí, một hecta mía theo mô hình dồn điền đổi thửa cho khoản thu trên 80 triệu đồng. Một con số đáng mơ ước đối với nhiều nông dân.

Có thể nói, dồn điền đổi thửa là một trong những hướng đi đúng hướng hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tuy nhiên chủ trương dồn điền đổi thửa ở tỉnh ta hiện chỉ mới dừng lại ở cây mía. Trong khi đó nhiều loại cây trồng khác cũng cần thực hiện mô hình sản suất dồn điền đổi thửa, để từng bước hình thành được những vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh ổn định, lâu dài. Song để làm được điều này ngoài sự hưởng ứng của người nông dân cần có sự hỗ trợ tích cực của nhà nước và doanh nghiệp.
 
Bài, ảnh: M.Toàn

.