Quảng Ngãi: Cần kiên quyết xử lý những dự án “treo”

10:11, 01/11/2011
.

(QNĐT)- Thời gian qua, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh miền Trung đã thu hút được nhiều dự án đầu tư. Tuy nhiên, nhiều dự án hiện nay vẫn còn nằm trên giấy, gây nhiều bức xúc, khó khăn cho người dân, cần được sớm xử lý dứt điểm.
 
TIN LIÊN QUAN


* Dự án “treo”đến bao giờ?
   
Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Như Sô cho biết: Từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã có nhiều cơ chế thoáng tạo thuận lợi cho các Tập đoàn kinh tế lớn và doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Ngãi. Tuy nhiên số dự án triển khai đầu tư có hiệu quả hiện nay trên địa bàn còn rất khiêm tốn.

Qua kiểm tra mới đây cho thấy, nhiều dự án đã được UBND tỉnh cấp phép đầu tư và thông qua quy hoạch chi tiết nhưng triển khai xây dựng rất chậm. Riêng Khu kinh tế Dung Quất hiện còn khoảng 30 dự án đang trong giai đoạn “tiến thoái lưỡng nan”. Nhiều nhà đầu tư đã được tỉnh cấp đất ba, bốn năm nay nhưng hiện vẫn bỏ đất hoang, cỏ mọc không biết “treo” đến bao giờ ?...

Cụ thể dự án khu du lịch-phim trường Vina Universal Đức Phổ (do Tập đoàn Tân Tạo làm chủ đầu tư) đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 vào ngày 4/9/2008 nhưng mãi đến giờ vẫn là khu đất hoang.
 
Người dân thôn Tân Hy bức xúc khi nhà dột nát không được sửa chữa
Người dân thôn Tân Hy bức xúc khi nhà dột nát không được sửa chữa

Dự án này có diện tích 2.569 ha nằm trên địa phận của 3 xã là Phổ Khánh, Phổ Thạnh và Phổ Châu với tổng vốn đầu tư khoảng 8 nghìn tỷ đồng.

Dự án được định hướng phát triển trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch tổng hợp với nhiều hình thức đa dạng và xây dựng khu phim trường tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Một số dự án khác đã được thỏa thuận địa điểm, giao đất cho chủ đầu tư, nhưng vẫn “treo” trong nhiều năm qua như: Trường cao đẳng kỹ thuật Đông Á-Đà Nẵng; khu dân cư Bắc Lê Lợi; Khu dân cư Bàu Giang-Cầu Mới (TP.Quảng Ngãi); dự án Quần thể khu công nghiệp-dân cư và dịch vụ Phổ Phong (huyện Đức Phổ)…
 
Nóng nhất vẫn là dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất đã được tỉnh Quảng Ngãi tập trung giải phóng mặt bằng, cấp đất sạch cho nhà đầu tư trên 339,6 ha, nhưng hiện nay dự án vẫn chưa triển khai, đất bỏ hoang.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất thì hiện nay Công ty Guang Lian chưa chứng minh được nguồn tài chính đầu tư vào dự án; chưa thể hiện được tiến độ xây dựng. Nhà đầu tư nhiều lần xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, cố tình trì hoãn, kéo dài dự án. Trong khi đó người dân ở đây rất thiếu đất sản xuất. Mặt khác, chủ đầu tư lại tiến hành xây bức tường bê tông rào chắn tuyến đường chính từ Dốc Sỏi đi cảng Dung Quất đã gây cản trở, khó khăn cho sản xuất, vận chuyển sản phẩm của hàng chục doanh nghiệp, nhà máy tại KKT Dung Quất.

Hiện nay có khoảng 36 doanh nghiệp phía tây KKT Dung Quất bị thiệt hại do Công ty Guang Lian rào chắn đường, xe chuyển hàng đến cảng Dung Quất phải đi đường vòng khó khăn và chi phí cước vận chuyển tăng gấp 2 lần so với trước đó.  Nhiều công ty, nhà máy trên đã kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Ngãi và các ngành chức năng kiểm tra, giải quyết ách tắc giao thông tại khu vực dự án Guang Lian.

Đặc biệt, dự án “treo” này còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, đời sống của hàng trăm hộ dân trong vùng. Trước tình trạng đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã hai lần gửi văn bản mời đại diện pháp luật của chủ đầu tư là Công ty Tycoons Steel International Co.LTD và Công ty TNHH Guang Lian Steel Việt Nam làm việc để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhưng cả hai lần chủ đầu tư đều từ chối, không làm việc.

* Những bức xúc của người dân
   
Hiện nay hàng trăm hộ dân trong vùng dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất đã di dời đến khu tái định cư, nhưng cuộc sống hầu hết của bà con đang gặp nhiều khó khăn. Hiện tại còn 57 hộ dân ở thôn Tân Hy, xã Bình Đông còn nằm trong vùng dự án đang đợi chờ đền bù và chưa biết khi nào thì được di dời đến khu tái định cư?
 
Dự án nhà máy thép Guang Lian đang biến thành nơi chăn thả gia súc.
Dự án nhà máy thép Guang Lian đang biến thành nơi chăn thả gia súc.

Nhiều người dân bức xúc nói: Có đất nhưng không sản xuất được; có đường nhưng bị bít lối đi; nhà hư, xuống cấp cũng không dám sửa chữa...

Đưa chúng tôi ra đồng ruộng khoảng hàng chục ha, anh Huỳnh Sớm (58 tuổi), ở thôn Tân Hy chép miệng nói: “Đã 4 năm nay, cánh đồng này trở nên hoang hóa. Người dân muốn vào sản xuất cũng chịu. Mùa nắng thì ruộng lúa bị khô kiệt, còn mùa mưa biến thành ao chứa nước, bởi xung quanh bị bít nên nước không thể thoát ra được. Trước đây, cánh đồng này rất màu mỡ, một hécta lúa có thể cho năng suất trên 60 tạ, nhưng giờ thì người dân chỉ biết khoanh tay đứng nhìn, nuối tiếc.

Bí thư chi bộ thôn Tân Hy Dương Hồng Quảng cho biết: Thôn đã nhiều lần họp kiến nghị lên cấp trên về việc đất sản xuất của dân bị phong tỏa, gây ngập úng, nhưng đến nay vẫn chưa được chính quyền giải quyết.

Ngoài dự án Nhà máy thép Guang Lian đang gây nhiều trở ngại cho người dân địa phương, thì hiện nay còn nhiều hộ dân nằm trong vùng dự án “treo” khác chưa được đền bù, tái định cư. Nhiều doanh nghiệp chưa thể hiện được năng lực tài chính. Có chủ đầu tư thể hiện dự án trên giấy với tổng kinh phí quá lớn nhưng thực tế đầu tư thì nhỏ và chưa biết lúc nào triển khai xây dựng. Thậm chí có dự án đã được chủ đầu tư chuyển nhượng dưới hình thức tìm đối tác cùng liên doanh đầu tư, tạo sự hợp lý kéo dài dự án, trong khi đó người dân trong vùng dự án chờ đợi không dám làm nhà và trồng cây trong vườn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em cho rằng: Dự án khu du lịch-phim trường Vina Universal Đức Phổ là một ví dụ (do Tập đoàn Tân Tạo làm chủ đầu tư). Đây là một dự án lớn nhưng đã 4 năm trời bỏ đất hoang lãng phí. Dự án này đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống khoảng 3 nghìn hộ nông nghiệp của 3 xã trong vùng quy hoạch. Do dự án đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết từ ngày 4/9/2008, nên mặc dù đất dự án đang bỏ không, nhưng địa phương không thể đưa vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã được.

Đặc biệt các xã Phổ Khánh, Phổ Thạnh và Phổ Châu-nơi có diện tích lớn đã giao cho dự án này cũng rất khó bố trí đất cho dân sản xuất, trong khi đó quỹ đất địa phương ít và nhu cầu sử dụng đất của nhân dân thì rất lớn.

Nhiều hộ dân rất bức xúc thấy đất dự án bỏ hoang mà không dám sản xuất, không được lập vườn. Nhiều gia đình đã tách hộ cho con ăn riêng nhưng không có đất làm nhà. Hàng trăm ngôi nhà xuống cấp cũng không được xây dựng, sửa chữa. Mọi áp lực của người dân đang dồn về chính quyền địa phương.

Rõ ràng, nhiều dự án ở Quảng Ngãi hiện còn nằm trên giấy, chưa được triển khai xây dựng. UBND tỉnh hiện đang thành lập đoàn kiểm tra, rà soát lại từng dự án để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm những dự án “treo” nhiều năm qua, gây phiền hà cho nhân dân trong vùng.

Riêng dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý KKT Dung Quất xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 5 với nội dung bắt buộc được ghi rõ trong Giấy chứng nhận đầu tư. Trong khoảng thời gian 6 tháng (từ ngày giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh có hiệu lực) nếu Công ty Tycoons Steel International Co.LTD không chứng minh được nguồn tài chính cho dự án và các điều kiện theo yêu cầu của pháp luật Việt Nam thì UBND tỉnh báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và sẽ chuyển dự án này cho chủ đầu tư mới…
                 
   Bài và ảnh: Minh Trí

.