Mở hướng liên kết vùng nam Lào và đông bắc Thái Lan

05:11, 26/11/2011
.

(QNg)- Tuyến hành lang kinh tế nối các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ qua Quảng Ngãi-Kon Tum theo Quốc lộ 24 với vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan đang được "đánh thức" nhằm khai phá tiềm năng của các tỉnh thành dọc tuyến hành lang này.

Khởi xướng cho ý tưởng này, ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho hay, tuyến hành lang kinh tế này dài trên 770 km có nhiều tiềm năng và đang có những lợi thế cơ bản khi đã hình thành 2 cặp cửa khẩu Vang Tao (Champasak, Lào)-Chongmek (Ubon, Thái Lan) và Phu Cưu (Attapeu, Lào)-Bờ Y (Kon Tum) đến tỉnh Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, tuyến Quốc lộ 24 từ Kon Tum đi Quảng Ngãi dài 144 km đã khởi công nâng cấp, mở rộng đầu năm 2010, được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 3 miền núi, với tổng kinh phí trên 3.200 tỷ đồng.
 
Đây là dự án quan trọng trong việc liên kết, thông thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với Nam Trung bộ và ra biển Đông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum và các vùng phụ cận, tham gia vào sự phát triển và hội nhập kinh tế của vùng với các nước trong hành lang kinh tế Đông Tây.
 
Cảng biển nước sâu Dung Quất là lợi thế xuất, nhập khẩu hàng hóa cho Kon Tum và vùng Nam Lào.
Cảng biển nước sâu Dung Quất là lợi thế xuất, nhập khẩu hàng hóa cho Kon Tum và vùng Nam Lào.

Đường đã thông sẽ là nền tảng quan trọng để kết nối các tỉnh ở khu vực duyên hải miền Trung (Quảng Ngãi, Bình Định), Tây Nguyên (Kon Tum) với các tỉnh Nam Lào (Champasak, SeKong, Attapeu) và Đông Bắc Thái Lan (Sisaket, Ubon Ratchathani) liên kết hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch...

Quảng Ngãi, nơi có Khu Kinh tế Dung Quất đã và đang phát triển hiệu quả nhất nước, với hệ thống cảng biển nước sâu được xem là cửa ngõ xuất, nhập khẩu hàng hóa, là "đích ngắm" của các tỉnh trên hành lang tuyến. Bởi tuyến giao thông huyết mạch này sẽ giúp cho lưu thông hàng hóa hai chiều qua cảng Dung Quất sẽ giảm một nửa quãng đường nếu xuất, nhập hàng qua cảng Quy Nhơn.  Các tỉnh Kon Tum và vùng Nam Lào hiện đang có nhu cầu lớn trong việc nhập các mặt hàng thủy sản, thu hút đầu tư du lịch.

Trong khi đó, Quảng Ngãi với lợi thế có "mặt tiền" biển và Khu Kinh tế Dung Quất đã được quy hoạch mở rộng lên 45 nghìn ha, đang tập trung phát triển công nghiệp sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, khai thác vùng nguyên liệu gỗ, giấy, khoáng sản... mà Kon Tum và các tỉnh vùng Nam Lào đang còn nhiều tiềm năng (các tỉnh phía nam của Lào và các tỉnh Tây Nguyên hàng loạt mỏ khoáng sản hiện được đưa vào khai thác, chế biến và là nơi tập kết khoáng sản thô).
 
Việc liên kết, hợp tác khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của nhau sẽ mang lại lợi ích đôi bề. Không những thế, việc đón dòng đầu tư từ Thái Lan cũng đang được tính đến. Bà Huỳnh Thị Phương Hoa-Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cho hay, Trung tâm cũng đang xúc tiến kế hoạch đón dòng đầu tư từ Thái Lan, sau khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Thái đang chuyển hướng sau đợt lũ lụt lịch sử tại Thái Lan vừa qua. Tiềm năng thì còn nhiều, vấn đề là các bên cần sớm kết nối hợp tác mà thôi.

Việc kết nối tuyến hành lang kinh tế sẽ rất thuận lợi khi Quảng Ngãi và Kon Tum đang xúc tiến hợp tác kinh tế vùng. Thêm vào đó, mối quan hệ hợp tác của Quảng Ngãi với tỉnh Champasak đang ngày càng phát triển. Hai bên đã cam kết tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến, đầu tư trên lĩnh vực thương mại, công nghiệp, chế biến thực phẩm, du lịch và nông nghiệp. Với tỉnh Attapeu, Quảng Ngãi và tỉnh này cũng đã ký kết Bản ghi nhớ Hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, văn hoá du lịch, đồng thời sẵn sàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của hai tỉnh khảo sát, nghiên cứu thị trường, hợp tác đầu tư. Đây sẽ là những cửa ngõ để các doanh nghiệp Quảng Ngãi sang Lào và vào thị trường Thái Lan.

Bài, ảnh: Hoàng Hà

.