Mộ Đức: Nông dân điêu đứng vì nuôi tôm trái vụ

07:11, 08/11/2011
.

(QNĐT)- Những năm gần đây, nhiều hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở Mộ Đức luôn bị mất mùa vì tôm dịch bệnh. Nguyên nhân là do người dân bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng trong việc nuôi tôm trái vụ.
 
Nuôi tôm bất kể thời vụ
 
Ông Trần Long Hòa ở thôn Lâm Hạ, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức than thở: “Năm nay, tôi có 10 sào diện tích ao, nuôi thả gần 100 vạn con giống theo mô hình thâm canh trước thời vụ với chi phí là 75 triệu đồng. Nhưng tôm chỉ mới 20 ngày tuổi đã mắc bệnh nên tôi phải bán tống, bán tháo và thu về vỏn vẹn 2,5 triệu đồng. Có vụ, con giống mới thả được vài ngày đã chết hàng loạt.”
 
Bất chấp thời tiết không thuận lợi, nhiều người dân vẫn thả con giống trái vụ
Toàn huyện Mộ Đức có gần 80ha diện tích ao hồ được người dân tận dụng nuôi tôm trái vụ
 
Theo ông Hòa, nguyên nhân tôm chết, mất mùa có thể do thời tiết chứ không phải là do con giống bởi mỗi lô giống nhập về đều được kiểm tra kỹ càng. “Nếu do giống kém chất lượng, tôm đem về thả sẽ chết trong vòng 3-5 ngày, nhưng ở đây phần lớn tôm bị chết trong khoảng thời gian 15 - 30 ngày sau khi thả nuôi”.- Ông Hòa quả quyết.
 
Trong năm nay, dịch bệnh phân trắng, thân đỏ và thời tiết không thuận lợi cũng đã khiến cho nhiều người nuôi tôm trái vụ ở xã Đức Phong và nhiều nơi khác điêu đứng.
 
Điều đáng nói là càng thất bại ở vụ trước thì người dân lại càng dồn công sức và tiền của để thả nuôi vụ sau với tâm lý muốn gỡ gạc, lấy lại vốn liếng đã thua lỗ.
 
Theo thống kê của huyện Mộ Đức, diện tích nuôi tôm toàn xã Đức Phong là 43,5 ha, thì có đến hơn 26 ha được người dân tận dụng thả con giống trái vụ.
 
Ông Võ Văn Long (thôn Văn Hà, xã Đức Phong) hiện đang thả nuôi 80 vạn con giống trái vụ trong diện tích 7,5 sào ao, cho biết: Chi phí cho mỗi lần thay bạt trong hồ tôm rất tốn kém, đắt gấp 3 lần chi phí đầu tư con giống. Chỉ cần không thả nuôi trong một thời gian ngắn thì bạt sẽ hư, coi như bao nhiêu tiền đổ xuống biển hết.
 
Do vậy, dù biết nuôi tôm trái vụ rủi ro cao, nhưng chúng tôi vẫn phải thả nuôi liên tục, bất kể thời vụ để tiết kiệm chi phí. Và nếu may mắn trúng vụ thì trúng lớn bởi giá tôm trái vụ cao gấp 3 đến 4 lần so với vụ chính.
 
Hiện nay, thay vì nuôi tôm 2 vụ/năm như Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo thì nông dân thả con giống đến 4-5 vụ/năm. Vụ sau cách vụ trước từ 20 ngày đến 1 tháng.
 
Ông Đinh Văn Bé- Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong cho biết: Khoảng cách thời gian hai vụ ngắn như vậy là nguyên nhân khiến cho tôm chết hàng loạt, bởi thời gian quá ngắn để khử trùng, dọn đìa và xử lý môi trường thì chắc chắn rằng mầm bệnh gây dịch cho tôm vẫn tồn tại.
 
V
Bất chấp thời tiết không thuận lợi, người nông dân vẫn thả nuôi con giống trái vụ
 
Cần có biện pháp xử lý cứng rắn
 
Ông Ngô Văn Thanh- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộ Đức cho biết: Không riêng gì xã Đức Phong, mà người nông dân ở nhiều xã khác trong huyện vẫn nuôi tôm vô thời vụ, bất chấp khuyến cáo của chính quyền. Tổng diện tích nuôi tôm trong toàn huyện là 110 ha, thì có đến 70% diện tích được bà con tận dụng nuôi tôm trái vụ trong mùa mưa lũ năm nay.
 
Ông Thanh cho biết thêm, trước tình hình trên, huyện đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung công tác tập huấn, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân có ý thức thực hiện tốt lịch thời vụ. Tuy nhiên, người dân vẫn còn tư tưởng nuôi tôm theo phong trào, thấy người ta làm được thì mình cũng làm được. 
 
Để xóa bỏ tập quán sản xuất tự phát, nâng cao ý thức của người nuôi tôm, ngoài việc vận động, khuyến cáo, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý mạnh hơn đối với những trường hợp nuôi tôm trái vụ.
 
Huyện Mộ Đức đang có kế hoạch lấy ý kiến của người nuôi tôm, tạm dừng việc nuôi thả trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để làm công tác xử lý và cải thiện môi trường ao hồ, nhằm xử lý mầm bệnh cho con tôm tại địa phương. Tuy nhiên, để làm được điều này không hề đơn giản, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, thu nhập của người nuôi tôm.
 
Do đó, trước mắt huyện tăng cường công tác quản lý tôm giống, phân công cán bộ kỹ thuật xuống các địa phương, bám sát cơ sở để nắm tình hình tôm bị chết, tìm rõ nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời khuyến cáo bà con nông dân nên xử lý nước trước khi thả giống, thường xuyên kiểm tra ao nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời khi tôm có dấu hiệu bất thường.
 
Thanh Phương

.