Hoàn thiện khung pháp lý về bảo hiểm tiền gửi

01:11, 02/11/2011
.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, khắc phục những bất cập và bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, sáng 2/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đọc tờ trình Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi là Ngân hàng Nhà nước.

Dự thảo Luật sẽ tiếp tục trao cho tổ chức Bảo hiểm tiền gửi chức năng giám sát từ xa trên cơ sở các thông tin nhận được từ Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tham gia bảo hiểm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.

Chủ thể được bảo hiểm tiền gửi được xác định là cá nhân. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, dự thảo Luật quy định không bảo hiểm cho tiền gửi của hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp doanh, vì không phù hợp với mục tiêu bảo vệ những người gửi tiền nhỏ lẻ, thiếu thông tin. Mặt khác, tiền gửi của các tổ chức mang tính luân chuyển cao, chủ yếu nhằm mục đính thanh toán chứ không nhằm mục đích gửi tiền tiết kiệm.

Vì vậy, việc quy định bảo hiểm cho tiền gửi của tổ chức là không phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Về phí bảo hiểm, nhằm bảo đảm tính linh hoạt khi áp dụng phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền trong điều kiện nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh, dự thảo luật không quy định một mức phí hay một khung phí cứng mà trao thẩm quyền quy định phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm cho cơ quan hành pháp. Đồng thời, dự thảo cũng không quy định cụ thể hạn mức trả tiền bảo hiểm mà giao Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm trong từng thời kỳ theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.

Tán thành với quy định này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị cần quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí để tính toán, xác định mức phí bảo hiểm và hạn mức trả tiền bảo hiểm ngay trong dự thảo Luật và giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể.

Liên quan đến loại tiền gửi được bảo hiểm, dự thảo Luật quy định tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân, không bảo hiểm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và các loại tiền gửi khác.

Ủy ban Kinh tế nhất trí với phương án này bởi cần phải thống nhất chủ trương, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam, việc không quy định bảo hiểm cho các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi gồm 7 chương và 47 điều bao gồm các quy định chung tại Chương I;  Chương II các quy định về quyền, trách nhiệm của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia  bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Chương III quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi; Chương IV quy định về tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Chương V quy định hoạt động thông tin báo cáo; Chương VI về thanh tra, khiếu nại tố cáo về bảo hiểm tiền gửi; Chương VII quy định điều khoản thi hành.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước cũng như thực tiễn 10 năm thực hiện Pháp luật Bảo hiểm tiền gửi. Việc xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội nước ta hiện nay và tạo điều kiện tăng sự phối hợp hoạt động hiệu quả của các cấu phần trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia.
 
Theo VGP

.