Hiệu quả kinh tế từ máy dò ngang

02:11, 30/11/2011
.

(QNg)- "Càng vươn khơi xa, độ sâu càng lớn. Nếu chỉ dùng kinh nghiệm thôi thì chưa đủ mà phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cụ thể là lắp đặt máy dò ngang mới đánh bắt hiệu quả" - ngư dân Nguyễn Gia Viên,  xã An Vĩnh (Lý Sơn) khẳng định. Không chỉ anh Viên, nhiều ngư dân thấy hiệu quả của máy dò ngang đã không chờ Nhà nước hỗ trợ mà tự bỏ tiền để lắp đặt  máy  ra khơi...  
 

"Thắng đậm" từ máy dò ngang

Chưa có mùa biển nào mà ngư dân Nguyễn Gia Viên, xã An Vĩnh "thắng đậm" như mùa biển năm 2011. Ngư dân Nguyễn Anh - thôn Phổ An xã Nghĩa An (Tư Nghĩa), nói: "Đánh cùng một vùng biển mà tàu của anh Viên bao giờ cũng đầy cá. Mỗi chuyến biển tàu anh Viên đánh được từ 20-25 tấn cá".
 
Cán bộ khuyến ngư tỉnh lắp đặt máy dò ngang cho tàu ngư dân đánh bắt nghề vây rút chì. Ảnh: T.L
Cán bộ khuyến ngư tỉnh lắp đặt máy dò ngang cho tàu ngư dân đánh bắt nghề vây rút chì. Ảnh: T.L

Cuối năm 2009, Trung tâm khuyến ngư tỉnh (nay là Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh) đã hỗ trợ máy dò ngang cho các chủ tàu thuyền có kinh nghiệm đánh bắt, trong đó có tàu ông Phạm Dũng ở xã An Vĩnh. Sau khi lắp đặt máy dò ngang, tàu anh Dũng đánh bắt vài phiên biển mà hiệu quả cao hơn gấp 1,5 - 2 lần so với khi chưa lắp máy.
 
Thấy được hiệu quả từ máy dò ngang, tháng 6/2010, anh Viên đã quyết định đầu tư 320 triệu đồng sắm một chiếc máy dò ngang. Có máy,  ra khơi tàu anh đã phát hiện đàn cá với đường kính khoảng 800 mét. Chỉ đánh bắt vài tháng cuối năm 2010, nhưng anh đã thu được lợi nhuận gấp 1,5 lần so với mùa biển trước.  Nhờ làm ăn thuận lợi, mùa biển năm 2011 vừa rồi tàu anh đã đánh bắt được khoảng 400 tấn cá, thu về hơn 10 tỷ đồng.

 Ngư dân Võ Văn Hiển ở xã Bình Châu (Bình Sơn) cũng nhờ dùng máy dò ngang mà chỉ 3 tháng  cuối mùa biển vừa rồi đánh bắt lượng hải sản cao hơn, trừ chi phí đã thu về hơn 2 tỷ đồng.
 
Sự lan tỏa từ máy dò ngang

Máy dò ngang có được từ sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông khuyến ngư Quốc gia. Năm 2006, Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư Quốc gia hỗ trợ cho ngư dân tỉnh Ninh Thuận loại máy dò ngang đánh bắt khơi xa. Máy mang lại hiệu quả đã lan rộng ra các cán bộ khuyến ngư trong nước. Thấy loại máy này có thể áp dụng cho ngư dân quê mình nên Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh đã đề xuất trung ương xin hỗ trợ. Mô hình được triển khai cuối năm 2009.

Do hạn chế về kinh phí nên từ đó đến nay chỉ hỗ trợ 4 máy cho tàu hành nghề vây rút chì ở Lý Sơn, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và Bình Sơn. Mỗi máy có giá khoảng 280 triệu đồng. Trung tâm hỗ trợ 50% giá trị máy và hỗ trợ kỹ thuật sử dụng máy.  Qua hai năm triển khai đã đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiều chủ tàu mong được hỗ trợ loại máy này để đánh bắt nhưng đã hiểu được nguồn kinh phí có hạn nên tự đầu tư mua sắm máy. Theo thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, hiện có 30  tàu hành nghề vây rút chì trong toàn tỉnh đã lắp đặt máy dò ngang. 

Ông Phạm Ngọc Danh, cán bộ kỹ thuật Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh, cho biết: Với số lượng máy được lắp đặt, Quảng Ngãi chỉ đứng sau Bình Định trong việc ngư dân sử dụng máy dò ngang.  Một số ngư dân sau khi thấy máy dò ngang làm ăn có hiệu quả như  ngư dân Nguyễn Gia Viên lại càng mê sưu tầm áp dụng các thiết bị tầm ngư mới.  "Nhìn trong máy dò ngang phát hiện đàn cá mình phải rải lưới tức khắc. Nếu rải chậm, phát hiện chậm thì hiệu quả đánh bắt sẽ giảm. Vì vậy trong mùa biển đến, mình đang tính đầu tư khoảng 480 triệu đồng để sắm giàn máy hai tia quét. Loại máy này tuy phát hiện đàn cá cũng trong bán kính  800 mét, nhưng tốc độ  phát hiện cá của máy còn  nhanh hơn máy dò ngang gấp hai lần, giúp mình chủ động hơn khi rải lưới đón đầu đàn cá giữa biển khơi" - Ông Viên nói.

Việc lắp đặt máy dò ngang cho thấy, thực hiện chủ trương vươn ra khơi xa của tỉnh, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh đã có những nỗ lực trong việc hỗ trợ ngư dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào đánh bắt hải sản nên hiệu quả đánh bắt ngày càng cao. Qua đó cho thấy, ngư dân Quảng Ngãi khá năng động. Thấy việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào đánh bắt hải sản có hiệu quả thì họ đầu tư tiền của để mua thiết bị lắp đặt phục vụ cho việc vươn ra khơi xa của chính mình chứ không trông chờ ỷ lại Nhà nước hỗ trợ.

 Trung Tâm khuyến nông, khuyến ngư Quảng Ngãi cho biết: Hiện nay, Trung tâm đang tìm hiểu công năng của các loại máy hỗ trợ cho nghề đánh bắt giã cào đôi nhằm hạn chế sự rủi ro khi lưới mắc phải rạn, san hô...; đồng thời tìm hiểu loại máy xác định hướng dòng chảy, tốc độ dòng chảy và nước chảy mấy tầng để triển khai đến ngư dân xác định vị trí rải lưới đánh bắt hiệu quả.

MAI HẠ

.