Diêm dân tìm kế sinh nhai

08:11, 20/11/2011
.

(QNg)- Thời điểm này, diêm dân đồng muối Sa Huỳnh (Phổ Thạnh, Đức Phổ) rơi vào tình trạng "thất nghiệp", vì một năm chỉ có một vụ muối kéo dài trong 4 tháng hè. Thời gian còn lại, họ phải tìm đủ mọi cách để có việc làm, kiếm tiền nuôi sống gia đình. Giá muối vẫn còn trong vòng luẩn quẩn "được mùa rớt giá, được giá mất mùa", người dân thì lại quẩn quanh điệp khúc "đến vụ sợ thời tiết, hết vụ sợ không có việc làm".

TIN LIÊN QUAN
Về thôn Tân Diêm, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) những ngày này mới chứng kiến được sự vất vả của người dân nơi đây. Không chỉ trong mùa vụ mà ngay cả khi mùa vụ kết thúc, khó khăn vẫn đeo bám lấy người diêm dân chất phác. Đồng muối Sa Huỳnh giờ chỉ là những ruộng nước mưa ứ đọng. Muối thu hoạch vẫn "nằm" chờ lên giá. Hầu như mỗi gia đình ở đây đều có một ụ muối dăm bảy tấn để dành. Ông Ngô Xuân Sanh (71 tuổi) ở xóm 5, thôm Tân Diêm cho biết: "Nhà nào cũng để dành hết, vì giá muối hiện còn thấp quá. Mình mà bán thì chẳng bù được công sức cũng như tiền bạc đã bỏ ra làm. Nói nhà có vài tấn muối thì thấy lớn vậy, nhưng nếu bán chỉ ở mức 700đồng/kg, bán hết số muối có được thì cũng chỉ được vài triệu, giờ bán sớm tiếc lắm. Nhưng mà khi cần thì cũng phải bán, vì ngoài đống muối đấy, chúng tôi chẳng có gì khác để chi tiêu cho gia đình". Ông Sanh và hầu hết những người già ở đây đều chỉ trông vào tiền bán muối mà sống, "chứ sức đâu mà đi kiếm việc làm như bọn trẻ nữa" - ông Sanh bảo.
 
Những đống muối chưa bán được của diêm dân Sa Huỳnh.
Những đống muối chưa bán được của diêm dân Sa Huỳnh.

Những năm gần đây, xu hướng vào miền Nam làm việc khi hết vụ muối của diêm dân Sa Huỳnh tăng lên đáng kể. Thanh niên trai tráng sau vụ muối lũ lượt kéo nhau vào Sài Gòn tìm việc. Ở nhà chỉ còn lại toàn người già và con nít. Gia đình bà Ngô Thị Năm (74 tuổi) ở xóm 5, có ba người con năm nào cũng đi Sài Gòn làm việc khi hết vụ muối. "Bọn nó mới đi được mấy tuần thôi. Thu hoạch muối xong là đi liền, chứ ở nhà không có việc gì làm cả. Nghề chính là làm muối nhưng thời gian đi làm việc khác trong năm còn nhiều gấp đôi thời gian làm muối. Bọn nó cũng muốn ở nhà lắm, nhưng ở nhà thì chỉ biết chơi thôi, việc thì ít mà người thì đông, vào đó làm đủ thứ việc mà chỉ đủ chi tiêu từng tháng chứ cũng chẳng có dư".

 Những người không có điều kiện đi xa thì ở nhà làm "ruộng ngọt" (lúa nước). Chị Bùi Thị Gái (42 tuổi) ở xóm 3 than thở: "Nhà tôi có 4 người. 2 đứa con thì còn đi học, người chị bị tàn tật không làm được gì. Một mình tôi làm muối nuôi 4 miệng ăn. Hết vụ tôi cũng muốn vào Nam kiếm việc làm nhưng hoàn cảnh vậy làm sao đi cho đành". Chồng chị Gái đã mất cách đây 8 năm. Hết vụ muối anh theo thuyền "đi bạn" để kiếm thêm thu nhập, nhưng không ngờ lại phải bỏ mạng trên biển, để lại gia đình khốn khó cho một mình chị Gái cáng đáng. Cứ xong vụ "mặn" là làm vụ "ngọt", gia đình chị Gái có vài sào lúa nhưng chỉ làm được một năm một vụ đông xuân vì khu vực này không có hệ thống thủy lợi. Người dân chỉ gieo sạ rồi phó mặc cho trời. "Trúng mùa thì một vụ cũng kiếm được 6 bao lúa/sào, không thì 3 bao là may mắn lắm rồi"- chị Gái nói. Tiền bán muối cũng "xoay vòng" vốn để thuê máy bừa, mua phân bón là hết…

Có 551 hộ làm muối trên diện tích 116,3 ha ở xã Phổ Thạnh. Đa số diêm dân nằm trong diện hộ nghèo. Năm 2010, có 44 hộ được vay vốn để bê-tông hóa 10.000m2 ruộng muối nhằm cải thiện năng suất muối. Tuy nhiên số diện tích này chỉ như "muối bỏ bể". Những nỗ lực của chính quyền trong việc tìm đầu ra cho muối, giữ mức giá sàn ổn định tránh tình trạng tư thương ép giá diêm dân… vẫn chưa thể tạo sự ổn định cho đời sống của người dân nơi đây. Ông Nguyễn Duy Trinh - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết: Vì giá muối bấp bênh nên nghề muối không thể cải thiện được đời sống diêm dân. Cứ hết vụ, diêm dân lại chuyển sang ngành nghề khác như làm nông nghiệp, đi biển, đi chẻ đá. Đến vụ muối mới họ lại trở về, hết vụ lại đi, cứ như thế từ nhiều năm nay.

Diêm dân Sa Huỳnh gắn bó với đồng muối từ khi mới sinh ra, nghề muối cha truyền con nối. Hạt muối đổi hạt cơm, đổi lấy cái chữ cho con em trong gia đình. Nhưng mỗi mùa muối đến là một nỗi lo, nhiều muối thì giá thấp không ai mua, giá muối lên thì lại không có muối bán. Hết vụ lại lo không có việc gì để làm, lại phải bươn chải nhiều nơi để kiếm sống. Không biết bao giờ thì diêm dân mới bớt khổ…

Bài, ảnh: Xuân Hiếu

.