GDP Quảng Ngãi năm 2011: Dự báo chỉ đạt khoảng 5 đến 6%

03:10, 24/10/2011
.

(QNg)- Năm 2011, Quảng Ngãi đề ra mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) từ 13,5%-14%. Tuy nhiên mục tiêu này sẽ khó thành hiện thực khi các chỉ số qua 9 tháng đầu năm không đạt như kỳ vọng. Với tình hình như hiện nay, con số tăng trưởng dự báo thấp hơn rất nhiều, chỉ dao động ở khoảng 5-6%. 

GIẢM NHIỀU MẶT:

Lần đầu tiên trong nhiều năm, nhiều lĩnh vực sản xuất của tỉnh... "đồng thời giảm". Theo báo cáo của UBND tỉnh thì tổng giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm chỉ đạt gần 14.000 tỷ đồng (59,4% kế hoạch năm) giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2010. Trong sản xuất nông nghiệp, mặc dù vụ hè thu đã được tỉnh và địa phương tập trung chỉ đạo đẩy năng suất tăng, song vẫn không thể "bù cho vụ đông xuân".
 
NMLD Dung Quất ngừng sản xuất để bảo dưỡng tổng thể gần 2 tháng ảnh hưởng lớn đến giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
NMLD Dung Quất ngừng sản xuất để bảo dưỡng tổng thể gần 2 tháng ảnh hưởng lớn đến giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, vụ đông xuân thời tiết không được thuận lợi bởi các đợt không khí lạnh kéo dài ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa và phát sinh nhiều dịch bệnh nên năng suất giảm đáng kể so với năm 2010.  Trong năm nay, diện tích cây lương thực đạt trên 77 nghìn ha, tăng 0,1% so với năm trước, nhưng sản lượng chỉ đạt trên 410 nghìn tấn, giảm 3,6% (sản lượng lúa đạt 365,6 nghìn tấn, giảm đến 4%). Trong khi đó, ngành chăn nuôi tiếp tục bị ảnh hưởng do dịch bệnh lở mồm long móng (xảy ra trên 74 xã của 12 huyện, thành phố), dịch cúm gia cầm (ở 6 xã thuộc 3 huyện) nên tác động đến sự phát triển của ngành chăn nuôi (đàn lợn giảm 4,5%). Cùng theo đà giảm trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm 36,1% so với cùng kỳ năm 2010 khi chỉ đạt hơn 155 triệu USD (mới bằng 50,9% kế hoạch năm).

ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?

Dù đa số các sản phẩm công nghiệp của tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm trước, như bia tăng 131,6%, tinh bột mì tăng 71,6%, đường RS tăng 29,5%, dăm gỗ nguyên liệu giấy tăng 19,5%, thủy sản chế biến tăng 14,6%, gạch xây dựng tăng 9,3%... Tuy nhiên, những con số tăng trưởng này đều không thể bù đắp bởi sự sụt giảm của các sản phẩm xăng dầu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Do chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của Quảng Ngãi nên dù các sản phẩm lọc hóa dầu "chỉ giảm" 9,4% (nhà máy ngừng sản xuất để bảo dưỡng tổng thể lần đầu tiên gần 2 tháng trong quý 3 vừa qua) nhưng chừng đó đã kéo giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh xuống thấp.  

Bên cạnh đó, tình hình lạm phát trong nước, giá cả nhiều mặt hàng đầu vào và lãi suất tăng cao... đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, do cắt giảm đầu tư công, thực hiện đình, giãn nhiều công trình, dự án theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội cũng ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng trưởng của tỉnh trong năm 2011. Ông Đặng Văn Minh - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho hay: Đây là năm khó khăn đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xây dựng cơ bản. Năm 2011, ngành giao thông chỉ được giao 3 dự án là Quốc lộ 24, ĐT 623B và đường Nguyễn Trãi nối dài, nhưng vốn bị cắt giảm mạnh hoặc không bố trí vốn nên việc triển khai các dự án vô cùng khó.

HAI KỊCH BẢN CHO TĂNG TRƯỞNG GDP CỦA TỈNH

Với tình hình kinh tế trong 9 tháng đầu năm, rõ ràng chỉ tiêu 13,5-14% là không thể đạt được. Vậy GDP của Quảng Ngãi trong năm 2011 sẽ tăng bao nhiêu phần trăm? Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô thì đánh giá toàn diện các lĩnh vực từ nay đến cuối năm, dự báo con số tăng trưởng của tỉnh đạt khoảng 5,2%. Tuy nhiên, con số này có thể cao hơn nếu như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tăng tốc sản suất trong 3 tháng cuối năm. Nếu sản lượng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cả năm đạt 5,4 triệu tấn thì sẽ kéo con số tăng trưởng GDP của tỉnh tăng lên, nhưng cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 6,2%.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp coi như đã khép lại nên nhiệm vụ trong những tháng cuối năm chủ yếu sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển hai lĩnh vực công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ. Do vậy việc tháo gỡ khó khăn, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, gia tăng các hoạt động dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"... nhằm đưa con số tăng trưởng lên mức cao nhất có thể.         
 
     Bài, ảnh: H.Triều

.