Từ 1/9, EVN điều chỉnh giá bán điện

01:09, 13/09/2011
.

Từ 1/9, giá bán điện đã chính thức được điều chỉnh dần theo cơ chế thị trường. Đó là nội dung của Thông tư số 31 của Bộ Công thương.
 
 

 
Giá bán điện hiện hành sẽ xác định trên cơ sở biến động của các thông số đầu vào cơ bản, như tỷ giá, giá nhiên liệu và cơ cấu sản lượng điện. Biên độ điều chỉnh ở mức 5% và thời gian giữa 2 lần điều chỉnh tối thiểu 3 tháng 1 lần. Mục tiêu chính của việc điều chỉnh giá điện gần theo hướng thị trường là để giúp ngành điện giảm thua lỗ và thu hút thêm đầu tư vào nguồn điện.

Tuy nhiên, điều chỉnh như thế nào, lộ trình ra sao để hạn chế thấp nhất khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất vẫn là vấn đề cần những tính toán cụ thể. Bởi lẽ, điện là hàng hóa đặc biệt, tác động đến hầu hết cuộc sống của người dân cũng như nền kinh tế.    
 
Sẽ không cứng hóa giá điện. Đó chính là điểm mới nhất trong việc vận hành giá điện dần theo hướng thị trường. Điều này đã được cụ thể hóa trong Quyết định 24 của Chính phủ và Thông tư 31 của Bộ Công thương. Cơ chế này sẽ giúp cho cả khách hàng sử dụng điện được hưởng lợi khi giá đầu vào giảm và những đơn vị sản xuất giảm thua lỗ nếu giá đầu vào tăng.
 
Ông Trần Đình Long, Viện hàn lâm KHKT điện quốc tế cho biết: “Tất cả các giá đầu vào như dầu, tỷ giá đều thay đổi liên tục. Nếu tính trong một thời gian dài, thì việc thay đổi này là rất lớn”.
     
Giá bán điện bình quân được tính theo giá bán điện bình quân hiện hành, cộng với chênh lệch thông số đầu vào, cộng với chi phí khác trong quá trình sản xuất và phần đóng góp vào quỹ bình ổn giá. Việc điều chỉnh giá bán điện được tính toán ở biên độ 5% và phải thông qua Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Nhiều hộ tiêu thụ điện lớn không phản đối việc điều chỉnh giá điện, nhưng rất quan tâm tới tính minh bạch trong quá trình này.
 
Ông Trần Thanh Long, Phó TGĐ công ty cổ phần Ngọc Diệp nói: “Nếu không thể không tăng giá điện thì chúng tôi cũng chia sẻ, quan trọng là giá điện phải minh bạch”.
 
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép VN: “Ngoài sự giám sát của các Bộ, cần có những chuyên gia kinh tế độc lập về các lĩnh vực tài chính, quản lý. Vì như mọi người biết, những biến động về giá dầu, tỷ giá luôn biến đổi theo từng giờ, từng ngày”.
   
Một điểm mới nữa trong Thông tư 31 của Bộ Công thương là, sẽ thành lập quỹ bình ổn giá điện khi ngành điện dần ổn định các chi phí đầu vào. Việc thành lập quỹ bình ổn giá này sẽ giúp người dân giảm bớt chi phí khi sử dụng điện, đồng thời giảm áp lực về giá thành cho các đơn vị sản xuất.
 
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam: “Điểm mới là chúng tôi sẽ trích lập quỹ bình ổn giá và khi giá đầu vào giảm, sẽ trích một phần vào đây, người tiêu dùng sẽ có cơ hội giảm giá và không tăng nhiều khi giá đầu vào cao”.
  
Theo Quy hoạch, Việt Nam sẽ có sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2020 khoảng 360 tỷ kWh, tổng vốn cho các mục tiêu này là cần 48,8 tỷ USD. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực VN cho rằng, để đạt được mục tiêu này, việc thay đổi về giá là hết sức cần thiết, bởi lẽ chỉ khi giá điện tính đúng, tính đủ mới có cơ hội thu hút thêm các nhà đầu tư vào ngành điện, giảm dần mức vay nợ nước ngoài của ngành điện xuống thấp hơn 85% như hiện nay.
 
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có thể sẽ điều chỉnh giá bán điện ở mức 5% vào trung tuần tháng 9 này.
 
Theo VTV

.